Đơn độc trước sóng gió tại Hạ viện, Thủ tướng Anh có 'vững tay chèo'?

Trở về từ bệnh viện sau thời gian điều trị vì mắc COVID-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tờ New York Times đăng tải, đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, các cuộc tranh luận trong Quốc hội thường là một quá trình ồn ã với những thành viên Đảng Bảo thủ cầm quyền lớn tiếng công kích các đối thủ trong khi không ngừng cổ vũ cho ông Johnson. Tuy nhiên, những ngày này mọi thứ có vẻ không còn như trước.

Thủ lĩnh Công Đảng Keir Starmer liên tục sử dụng những kỹ năng lão luyện nhất của một cựu luật sư để dồn ép đối thủ - đương kim thủ tướng, bắt đầu bằng một câu hỏi mà ai cũng đã biết câu trả lời.

"Ngài thủ tướng có thể cho tôi biết: Làm cách nào mà mọi thứ lại trở nên như thế này", 2 tuần trước ông Starmer nêu lên vấn đề sau khi lưu ý rằng, số ca tử vong vì COVID-19 tại Anh đã cao nhất châu Âu và cao thứ hai trên thế giới chỉ đứng sau Mỹ (vào thời điểm đó).

Ông Johnson trả lời, sự so sánh trực tiếp giữa các nước với nhau là không có ý nghĩa. Ngay lập tức, ông Starmer nhảy ra khỏi ghế và giơ cao một loạt các bảng biểu trong đó các con số so sánh đã được thiết lập liên tục trong nhiều tuần. Theo ông, chính phủ đã bắt đầu làm vậy từ khi số người tử vong ở Anh còn ở mức thấp.

Thủ tướng Johnson trong một phiên họp quốc hội vào tuần trước (ảnh: NYT)

Thủ tướng Johnson trong một phiên họp quốc hội vào tuần trước (ảnh: NYT)

Trở về từ bệnh viện sau thời gian điều trị vì mắc COVID-19, Thủ tướng Johnson nhận ra, chính phủ của ông dường như vẫn đang phải vật lộn tìm cách đối phó hiệu quả với đại dịch bên cạnh sự "trỗi dậy" cả phe đối lập.

Quy định giãn cách xã hội của Quốc hội có nghĩa là phần lớn trong trong số 650 nghị sỹ phải làm việc từ xa – khiến ông Johnson gần như phải "đơn độc" đối mặt với ông Starmer.

"Không nghi ngờ gì tình thế hiện tại có lợi cho ông ấy", luật sư Parvais Jabbar từng làm việc với ông Starmer trong một số vụ án về nhân quyền nhận xét. "Keir [Starmer] không phải là một người thích to tiếng. Ông ấy đặt câu hỏi theo một phong cách thẩm tra nhưng đồng thời cũng theo dõi những phản ứng mà mình nhận được".

Sau khi giành được đa số ghế tại quốc hội, ông Johnson trở thành nhân vật chiếm ưu thế trên chính trường Anh – một thực tế được nhấn mạnh khi ông bị nhiễm virus và giới phân tích thậm chí còn thảo luận về người sẽ kế nhiệm ông. Mặc dù ông Starmer có thể buộc chính phủ đương nhiệm phải chịu trách nhiệm cho những thất bại nhưng ông lại không thể tạo ra bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong các chính sách của chính phủ đó.

Hôm thứ tư (20/5), ông Johnson có buổi chất vấn Thủ tướng (PMQ) nơi ông phải trả lời những câu hỏi từ nhà lãnh đạo phe đối lập, cụ thể là ông Starmer.

Quốc hội Anh áp dụng các quy định giãn cách xã hội (ảnh: NYT)

Miêu tả về các phiên chất vấn, cựu Thủ tướng Tony Blair từng gọi đó là "nơi hành quyết". "Các câu trả lời của anh trở nên dài dòng và bối rối hơn, giọng nói của anh trở nên chói tai, mặt anh đỏ dần lên khi các luận điểm của anh ngày càng trở nên ít bén nhọn hơn", ông Blair nhớ lại. "Anh liếc ngang dọc, hướng về phía các dãy ghế phe mình ngồi để van nài sự hỗ trợ và nhìn thấy sự xấu hổ trên khuôn mặt họ".

Quá trình chuẩn bị cho các phiên như vậy rất tốn thời gian. Mỗi tuần, các nhà lãnh đạo phải ngồi cùng với các cố vấn, cố gắng đoán xem chủ đề nào sẽ xuất hiện, "mài dũa" các câu trả lời và tự ép bản thân nghĩ ra những lời công kích.

Khác với ông Starmer, ông Johnson không phải là người quá tỉ mỉ. Cựu thứ trưởng Ngoại giao Alistair Burt tiết lộ, khi còn là ngoại trưởng, thái độ của ông Johnson đối với các phiên chất vấn quốc hội thường nhẹ nhàng hơn so với một số đồng nghiệp của mình.

"Ông ấy có sự tự tin", ông Burt nói. "Boris chưa từng bị sợ hãi trước thực tế là phải trả lời các câu hỏi".

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Công đảng Starmer là một thách thức khác thường. "Ông ấy [Starmer] là một luật sư làm việc trên tòa, trưởng thành trong phòng xử án nơi có sự im lặng thực sự mỗi khi một luận điểm được hình thành", cựu thứ trưởng chỉ ra.

Tuần trước, trong lần đối mặt thứ hai, ông Starmer đã dồn ép Thủ tướng Johnson xung quanh việc tại sao, cho tới tận ngày 12/3, chính phủ vẫn khuyến cáo rằng, "gần như chắc chắn" là những người già ở các trại dưỡng lão không bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Các thống kê mới chỉ ra, số ca tử vong tại trại dưỡng lão chiếm 40% trong tổng số tử vong vì virus corona mới.

Ông Johnson khăng khăng chính phủ không đưa ra khuyến cáo trên, khiến Công đảng phải công bố đường dẫn tới một văn kiện đã được chính phủ rút lại vào ngày 13/3. Ông Starmer đề nghị thủ tướng chỉnh sửa lại hồ sơ nhưng ông Johnson từ chối, đồng thời cáo buộc đối thủ của mình đã trích dẫn văn bản chính thức "một cách có chọn lọc và sai hướng".

Thế khó của ông Johnson trùng hợp với những nỗ lực của Đảng Bảo thủ đưa tất cả các nghị sỹ trở lại làm việc trực tiếp sau kỳ nghỉ tiếp theo. Theo Lãnh đạo Hạ viện Jacob Rees-Mogg, chính phủ không thể kêu gọi người dân quay trở lại công việc trong khi lại miễn trừ cho các thành viên Quốc hội.

Bên cạnh đó, Đảng Bảo thủ cũng tin rằng, một Hạ viện đông đúc sẽ hoạt động hiệu quả hơn so với tình hình vắng vẻ hiện tại.

"Sẽ dễ hơn nhiều để quản lý, kiểm soát và liên lạc với các thành viên Quốc hội nếu họ tới tham gia trực tiếp hơn là phân tán và liên lạc với nhau thông qua WhatsApp", ông Ruth Fox, giám đốc tổ chức nghiên cứu về quốc hội Hansard Society nhận định.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh một số thành viên quốc hội từng bị nhiễm COVID-19, không ít người tỏ ra miễn cưỡng khi phải quay lại làm việc trực tiếp. Chủ tịch Hạ viện Lyndsey Hoyle cảnh báo, ông sẽ hủy bỏ các phiên họp nếu có quá nhiều người "nhồi nhét" trong khán phòng.

Hiện tại, số nghị sỹ tham dự mỗi sự kiện không được nhiều hơn 50 người, trong đó tỷ lệ các nghị sỹ thuộc phe đối lập với thủ tướng chiếm không nhỏ. Điều đó đồng nghĩa với hy vọng của ông Johnson được vây quanh bởi sự cổ vũ từ những đồng minh – sẽ không thể sớm trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nghị sỹ lấp đầy các chỗ trống trong khán phòng, bầu không khí cũng sẽ khác xa so với trước đại dịch. Các cuộc tranh luận về lý do tại sao có nhiều người chết trong trại dưỡng lão đến vậy, chắc chắn sẽ không được cổ vũ hồ hởi. Nhiều nhà phân tích nhận xét, cách ông Johnson "lẩn tránh" các câu chất vấn từ ông Starmer không gây chú ý bằng những động thái đối phó với đại dịch của chính phủ đương nhiệm.

Cho dù vậy, hình ảnh một thủ tướng bị cô lập và "gây sức ép" bởi một nhà lãnh đạo Công Đảng đầy tự tin có thể sẽ không kéo dài do ảnh hưởng từ chiến thắng vang dội của ông Johnson trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái.

"Chứng kiến một nhà lãnh đạo đối lập làm khó dễ một thủ tướng – sẽ gây ảnh hưởng tới tinh thần, đặc biệt là trong những thời kỳ khó khăn", giáo sư chính trị đại Đại học Kinh tế London đánh giá.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/don-doc-truoc-song-gio-tai-ha-vien-thu-tuong-anh-co-vung-tay-cheo-20200520165046375.htm