Khắc phục tồn tại trong việc ưu đãi thuế linh kiện ô tô nhập khẩu

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, các đơn vị hải quan địa phương đã triển khai thực hiện tích cực Chương trình ưu đãi thuế linh kiện ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, kết quả triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng. Tổng cục Hải quan cho rằng, thời gian tới các đơn vị cần đẩy mạnh thực hiện các quy định để thúc đẩy kết quả của các ưu đãi này tốt hơn.

Thẳng thắn nhìn nhận

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ liên tục ban hành các ưu đãi về thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế dành cho các đối tượng là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Đặc biệt là các ưu đãi tại Điều 7a, Điều 7b Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Đánh giá quá trình áp dụng các ưu đãi này, Tổng cục Hải quan nhận thấy các đơn vị hải quan địa phương đã rất tích cực triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục thông báo doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế, chủ yếu là ưu đãi theo Điều 7a, Điều 7b tại một số đơn vị vẫn chưa đồng đều và sâu sát. Khi làm thủ tục hải quan, một số chi cục hải quan không kiểm tra việc khai báo tên hàng, mã số hàng hóa có thuộc nhóm 98.49 hay không, số quản lý của nội bộ doanh nghiệp, mặt hàng trong nước đã sản xuất được hay chưa, độ rời rạc của linh kiện,.... nhưng vẫn áp dụng mã loại hình A43 và thực hiện thông quan theo khai báo. Trong đó, một số tờ khai nhập khẩu không khai báo “#&7a” tại chỉ tiêu “Số quản lý nội bộ doanh nghiệp” theo quy định tại khoản 6 Điều 7a Nghị định số 57/2020/NĐ-CP. Một số linh kiện, vật tư nhập khẩu không có tên trong nhóm 98.49 nhưng doanh nghiệp vẫn khai báo thuộc nhóm 98.49. Ví dụ: Mặt hàng ốp cửa trước phải dùng để sản xuất lắp ráp xe ô tô du lịch, mã số khai báo 8302.10.00 (mã số HS tương ứng tại nhóm 98.49 là 9849.34.14), trong khi mã số 9849.34.14 có mô tả hàng hóa là “- Bộ phận và phụ kiện của xe có động cơ thuộc các nhóm từ 87.01 đến 87.05: Bộ phận và phụ kiện khác của thân xe (kể cả ca-bin): ----- Loại khác, dùng cho xe thuộc nhóm 87.03”, mã số 97 chương là 8708.29.16. Đặc biệt, một số linh kiện, mặt hàng khai báo khay đỡ ắc quy, giá đỡ ắc quy, ốp bậc dùng cho xe tải thuộc loại trong nước đã sản xuất được theo Thông tư 14/2015/TT-BKHĐT và Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nghị định 125/2017/NĐ-CP Đồ họa: Hồng Vân

Ngoài ra, khi thực hiện quy trình trong chương trình ưu đãi thuế, nhiều mặt hàng khai báo mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan, doanh nghiệp khai không đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn. Đơn cử như không khai báo rõ thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, kí/mã hiệu, đặc tính, công dụng,... để làm cơ sở phân loại, áp dụng mã số hàng hóa và xác định mức độ rời rạc của linh kiện nhưng vẫn áp dụng mã số chi tiết của nhóm 98.49.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, đối với trường hợp ủy thác nhập khẩu, hồ sơ đề nghị áp dụng thuế suất 0% của nhóm 98.49 chỉ có hợp đồng ủy thác nhập khẩu, do đó, khi kiểm tra, công chức hải quan chỉ kiểm tra hợp đồng ủy thác mà không kiểm tra thực tế có thực hiện giao dịch ủy thác này không.

Cần thực hiện theo đúng quy định

Nhằm thực hiện đúng các quy định, Tổng cục Hải quan đã và đang đề nghị các đơn vị khi triển khai cần tổ chức thực hiện đúng quy định tại các chương trình ưu đãi thuế từ thủ tục thông báo doanh nghiệp tham gia chương trình, kiểm tra việc khai báo trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục hải quan, kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng thuế suất 0% đến thủ tục hoàn thuế và báo cáo số liệu hoàn thuế.

Trong đó, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị lưu ý thực hiện thủ tục thông báo doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế tại Điều 7a, Điều 7b theo hướng dẫn tại Công văn số 1636/TCHQ-TXNK 27/3/2018 (Điều 7a) và Công văn số 4929/TCHQ-TXNK ngày 24/7/2020 (Điều 7a và Điều 7b) để Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cập nhật kịp thời trên website của ngành.

Đồng thời, thực hiện kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp khai báo mô tả tên hàng theo hướng dẫn tại các văn bản của Tổng cục Hải quan. Thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra đối tượng và các điều kiện áp dụng chương trình ưu đãi thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Nghị định 57/2020/NĐ-CP, Nghị định 101/2021/NĐ CP và hướng dẫn tại Công văn số 3782/TCHQ-TXNK ngày 28/6/2018 của Tổng cục Hải quan.

Chương trình ưu đãi thuế dành cho linh kiện ô tô nhập khẩu được đưa ra nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này. Bởi vậy, nếu những chính sách này không kịp thời được đi vào đời sống một cách triệt để sẽ không đạt được kỳ vọng mà ngành Hải quan đề ra từ khi đề xuất trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khac-phuc-ton-tai-trong-viec-uu-dai-thue-linh-kien-o-to-nhap-khau-103591.html