Đồn đoán về nhà lãnh đạo Kim Jong-un: 'Trò vui' của giới truyền thông

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn là một quốc gia 'bí hiểm' trên thế giới. Những đồn đoán xung quanh quốc gia này và đặc biệt là về nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa bao giờ là hết 'nóng'. Chính vì vậy, giới truyền thông coi đây như một 'trò vui' và sẵn sàng bỏ qua sự kiểm chứng thông tin cần thiết.

Ông Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Ông Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Tin đồn thất thiệt

Tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên đang được chú ý trở lại, khi truyền thông phương Tây lần thứ 12 trong năm 2020 tiếp tục đưa ra những đồn đoán xung quanh ông. Lần này, ông Kim Jong-un được cho là đang hôn mê.

Câu chuyện lặp đi lặp lại về việc ông Kim Jong-un đã chết hoặc mất khả năng lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên là một trong những câu chuyện dai dẳng nhất khi nói về Triều Tiên.

Loạt tin đồn mới nhất liên quan đến Chủ tịch Kim Jong-un xuất phát từ chính trị gia Hàn Quốc Chang Song-min, cựu trợ lý của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung.

Các tờ báo lá cải của Anh và Mỹ dẫn nguồn tin từ truyền thông Hàn Quốc cho hay, ông Chang công bố trên mạng xã hội, một nguồn tin của ông ở Trung Quốc chắc chắn rằng, ông Kim Jong-un thực sự đang trong tình trạng hôn mê.

Điều này lý giải cho việc nhà lãnh đạo Triều Tiên không xuất hiện trước công chúng trong vài tuần qua.

“Tôi cho rằng ông ấy đang bị hôn mê, nhưng cuộc sống của ông ấy vẫn chưa kết thúc”, ông Chang nói.

Tuyên bố của ông Chang được đưa ra sau các báo cáo vào tuần trước của Yonghap, trích dẫn nguồn tin từ Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, Chủ tịch Kim Jong-un đã giao một số quyền hạn của mình cho em gái và các trợ lý khác.

Bà Kim Yo-jong được cho là nắm giữ quyền chỉ đạo tình hình chung trên cương vị là Phó Bí thư Thứ nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.

Truyền thông phương Tây rất săn đón tin tức này dù họ cũng hiểu rằng, việc bà Kim Yo-jong tạm lên nắm quyền không phải là một việc khả thi bởi bà không phải người “kế vị” gần nhất của Chủ tịch Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-un thăm khu vực bị ảnh hưởng sau lũ lụt ở phía Đông Bắc triều Tiên hồi cuối tháng 8/2020. Ảnh: Reuters.

Bất chấp việc truyền thông Triều Tiên tung ra các bằng chứng cho thấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đến thăm một khu vực bị lũ lụt ở phía Đông Bắc Triều Tiên vào tuần đầu tiên của tháng 8 để kiểm tra thiệt hại, ông Chang vẫn khẳng định những bức ảnh được công bố là giả.

Những người bình luận trên Twitter đã nói về vấn đề sức khỏe của ông Kim Jong-un với rất nhiều lời mỉa mai. Thậm chí, một số đã liệt kê tất cả những lần ông được “chôn cất” bởi các phương tiện truyền thông cho đến nay.

Bên cạnh đó, có một số người còn cho rằng, tin đồn lần này có thể được Bình Nhưỡng cố tình tung ra để giải thích lý do tại sao ông Kim Jong-un không chứng kiến người bạn cũ Donald Trump phát biểu tranh cử trong tuần này.

Ông Kim Jong-un xuất hiện tại buổi lễ khai trương một nhà máy phân bón tại thành phố công nghiệp phía Bắc Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Sự vô trách nhiệm của giới truyền thông

Trước đó, hồi giữa tháng 4, các phương tiện truyền thông phương Tây đồn đoán khi đưa tin từ Daily NK, một tờ báo trực tuyến có trụ sở tại Hàn Quốc nhận tài trợ từ National Endowment for Democracy, một tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ Mỹ tài trợ, cho rằng, ông Kim Jong-un đã trải qua một cuộc “phẫu thuật tim mạch”, điều này lý giải cho sự vắng mặt kéo dài hàng tuần của ông trước công chúng.

Tuy nhiên, những tin đồn đó đã bị dập tắt vào ngày 1/5, khi ông Kim Jong-un xuất hiện tại buổi lễ khai trương một nhà máy phân bón tại thành phố công nghiệp Nam Pyongan, phía Bắc Bình Nhưỡng.

Sau sự kiện này, một số nhà lập pháp Hàn Quốc đã buộc phải xin lỗi vì những “đánh giá thiếu căn cứ” trước đó.

Mới tuần trước, ông Kim Jong-un còn bị cáo buộc ra lệnh cho người dân phải giao nộp những con chó cưng của họ cho các nhà hàng sang trọng. Cáo buộc cho rằng, chỉ thị trên được đưa ra vì nuôi chó ở nhà là "suy đồi và tư sản", trong khi việc ăn thịt chó là một nét văn hóa lâu đời của Hàn Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ thiếu lương thực.

Darius Shahtahmasebi, một nhà phân tích pháp lý và chính trị có trụ sở tại New Zealand, người tập trung vào chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Châu Á và Thái Bình Dương cho biết trên RT, có thể thấy, việc đăng tải những tin đồn thất thiệt về sức khỏe và vị trí của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như là một ví dụ về sự vô trách nhiệm tiềm ẩn của giới truyền thông.

Ông Shahtahmasebi cho rằng, giống như hầu hết những thứ liên quan đến Triều Tiên, cái nhìn phiến diện của giới truyền thông về những diễn biến đang diễn ra ở đất nước này phải nói là thảm khốc. Không có được bất kỳ bằng chứng nào, nhưng các phương tiện truyền thông vẫn đưa ra những tuyên bố đồn đoán về ông Kim Jong-un.

Có lẽ ông Kim thực sự không khỏe. Có thể ông ấy thực sự đang nằm trên giường bệnh, hoặc có thể đang thư giãn tại khu nghỉ mát ở Wonsan và thoải mái quét tài khoản Twitter của ông Donald Trump. Vấn đề là không ai biết sự thật và không có cách nào để kiểm chứng.

Hà Anh (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/don-doan-ve-nha-lanh-dao-kim-ong-un-tro-vui-cua-gioi-truyen-thong-505533.html