Dọn dẹp vỉa hè: Không máy móc và cần sự đồng thuận của dân

Sau những đợt ra quân rầm rộ, những động tác mạnh tay, dứt khoát và có phần vội vã… bộ mặt các đô thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đã bộc lộ một số vấn đề chưa hợp lý trong cách tổ chức thực hiện. Cần phải có các giải pháp mang tính bền vững, thẩm mỹ và tạo đô thị hiện đại, thân thiện.

Chọn cách làm không gây phản cảm

Tinh thần cương quyết của chính quyền các thành phố lớn đã “tạo cảm hứng” cho nhiều địa phương, tỉnh, thành khác. Rõ ràng, những biện pháp quyết liệt của TP Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội đã khiến các đô thị khác không thể ngồi yên.

TP Hồ Chí Minh là “đầu tàu”, đi trước các đô thị khác một bước, tiếp theo là Hà Nội. Tuy nhiên, khi chưa có một tổng kết, rút kinh nghiệm chung để đưa ra hướng thực hiện tốt nhất thì một số địa phương khác đã cấp tập làm theo. Mặt tích cực thì nhìn thấy rõ, nhưng hậu quả cũng có thể thấy ngay.

Phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội có mặt đường thấp hơn hẳn nền của các ngôi nhà mặt phố. Bởi vậy, khi các bậc tam cấp bị phá dỡ, hình ảnh người dân xoạc chân bước vào nhà trông “gợn gợn”. Nhiều bức ảnh ghi lại thể hiện rõ sự bất hợp lý về chênh lệch độ cao.

Trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, nền nhà cao hơn mặt đường có nơi tới hơn 1m. Bởi vậy người dân phải xây bậc tam cấp vươn ra vỉa hè. Như vậy vẫn chưa đủ, họ phải lắp đặt thêm bậc tam cấp bằng sắt thì mới đi lại được dù cảm thấy chưa thực sự an toàn. Thế nên, người dân ở đại lộ này thực sự lo lắng, chẳng biết xoay xở ra sao nếu không được đặt bậc tam cấp trước cửa nhà khi đã trót xây dựng hết đất.

Vỉa hè dành một phần cho người đi bộ trên phố Yết Kiêu, Hà Nội gọn và đẹp (Ảnh chụp ngày 19-4).

Những nơi mới bị phá dỡ bậc tam cấp ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người dân phải kê cóng, đặt bao tải đất, xếp gạch để đi vào nhà. Sau này, mỗi người tự nghĩ ra một phương pháp khắc phục khác nhau như: Kê bậc sắt, thiết kế bậc sắt kéo ra kéo vào được… gây nhếch nhác thiếu thẩm mỹ. Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, người dân còn thấy cách làm vội vã, thậm chí là quá đà, thái độ của cán bộ thực thi thiếu thân thiện đã tạo hình ảnh phản cảm, không gần gũi giữa chính quyền với người dân.

Khi người dân chưa kịp tính toán cách giải quyết đường đi lối lại cho căn nhà như thế nào cho thuận tiện thì ngay lập tức đã bị cưỡng chế phá bậc tam cấp. Như ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, khi phường vừa thông báo đã có người vác búa đi đập bậc tam cấp. Người dân muốn tận dụng lại vật liệu cũng không được. Chủ trương là đúng, nhưng cách thực hiện lại máy móc, cứng nhắc đã khiến dư luận bất bình. Nhận ra cách làm quá vội vã, Chủ tịch UBND phường phải lên tiếng xin lỗi bà con.

Và, ở huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội, chính quyền xã Cẩm Yên cũng vội vã cho chặt cây bóng mát trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè dù số cây đó không ảnh hưởng tới lối đi bộ. Cần phải có tổng kết, rút kinh nghiệm ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rồi mới triển khai ở các địa phương khác chứ không nên làm theo phong trào. Ở những nơi không cần thiết, vị trí không cần thiết thì không nên cưỡng chế cấp tập, tạo dư luận không tốt.

Giải pháp nhân văn và kinh tế

Lập lại trật tự đô thị nói chung và vỉa hè nói riêng rất cần sự kiên quyết của chính quyền thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi thực hiện phải hài hòa lợi ích. Dọn dẹp vỉa hè cũng có thể áp dụng lộ trình, quy định cụ thể để người dân có đủ thời gian tính toán, tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu mà lại không gây ra hình ảnh phản cảm. Những việc làm tiếp theo của thành phố là vấn đề quy hoạch, quản lý đô thị.

Ngày 19-4, chúng tôi đã khảo sát trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Có những tuyến phố sau đợt ra quân cách đây hơn 1 tháng vẫn giữ được sự gọn gàng, đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ như phố Yết Kiêu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Bộ mặt tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào cũng khác hẳn cảnh lộn xộn bày bán hàng chiếm vỉa hè như trước.

Dù vậy, Công an phường vẫn phải lập chốt giám sát việc chấp hành quy định ngay trên tuyến phố. Còn tại phố Phủ Doãn, nơi luôn quá tải lượng ôtô, xe máy vào hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện C thì cũng bố trí được lối cho người đi bộ tuy còn nhỏ hẹp. Thế nhưng, ở khu vực phố cổ, nhiều nơi người dân để xe máy chiếm vỉa hè, người đi bộ vẫn bị đẩy xuống đường như ở phố Đinh Liệt, Hàng Buồm…

Nếu như không làm tốt công tác giám sát, quản lý trật tự đô thị và các giải pháp bền vững thì e rằng chẳng mấy mà nỗ lực lập trật tự vỉa hè của chính quyền đô thị sẽ trở lại con số 0.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, sau hơn một tháng lập lại trật tự vỉa hè, hai thành phố lớn đã có chuyển biến tích cực. Nhưng, vấn đề là giải quyết hậu lập trật tự. Có nghĩa là làm sao để bền vững, để người dân tạo được thói quen không lấn chiếm vỉa hè. Thành phố phải hài hòa lợi ích công cộng và lợi ích của người dân, phải tính đến quyền lợi của người có cửa hàng ở vỉa hè.

Để làm được điều này, các thành phố phải khảo sát lại để có quy hoạch, thiết kế vỉa hè. Lúc này cần sự vào cuộc của các kiến trúc sư, các chuyên gia về đô thị. Nên quy hoạch vỉa hè theo hướng vỉa hè nào rộng thì cho kinh doanh một phần, không giữ vỉa hè một cách máy móc, mà có thể tạo những hoạt động cộng đồng hấp dẫn trên chính vỉa hè đó, tạo không gian thân thiện miễn là chúng ta tránh được lợi ích nhóm, tránh tình trạng “tham nhũng vỉa hẻ”, không biến không gian công cộng thành lợi ích cá nhân.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng lấy ví dụ, vỉa hè ở TP Đà Nẵng vẫn cho phép kinh doanh cà phê, vẫn đủ dành cho người đi bộ, vừa tạo cảnh quan đẹp mà vừa hài hòa lợi ích của người dân và cộng đồng.

Theo ông, chính quyền đô thị không áp dụng quyền lực một cách máy móc mà phải tạo sự đồng thuận của nhân dân thì mới duy trì trật tự được bền vững. Trước mắt, các thành phố nên tổ chức cuộc thi để lấy ý kiến của các chuyên gia nhằm chọn ra phương án thiết kế, quy hoạch tốt nhất cho vỉa hè đô thị.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm: “Phải nghĩ cho dân, tạo sự đồng thuận với người dân và xây dựng vỉa hè có văn hóa, văn minh, thân thiện với mọi người. Chính quyền cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm với quận, thành phố trong quản lý đô thị. Giải bài toán vỉa hè phải kết hợp bài toán nhân văn và bài toán kinh tế”.

Việt Hà

Có thể bạn quan tâm

Tin vui cho cánh mày râu:
Hết hói chỉ là chuyện nhỏ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/don-dep-via-he-khong-may-moc-va-can-su-dong-thuan-cua-dan-437753/