Dồn dập tin sét đánh, dầu đá phiến Mỹ lụn bại

Người Mỹ biết trước có thể mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực dầu mỏ song lại không có nhiều công cụ để ngăn chặn 'thảm kịch'.

Mỹ tự báo tin buồn

Người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại thành phố Dallas, bang Texas Robert Kaplan ngày 29/5 dự báo tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021 hoặc lâu hơn nữa nếu kinh tế phục hồi yếu hơn dự kiến do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Kaplan cho biết: "Có thể phải đến nửa sau năm 2021, tùy vào tăng trưởng kinh tế, mới dùng hết lượng (dầu) dư thừa trên toàn cầu hiện nay. Và nếu kinh tế tăng trưởng chậm hơn, tình trạng này sẽ có thể kéo dài đến năm 2022".

Mỹ tự tiên lượng kịch bản xấu về dầu mỏ

Mỹ tự tiên lượng kịch bản xấu về dầu mỏ

Các tác động kinh tế của dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa đi lại và tình trạng thất nghiệp diện rộng đã góp phần khiến dầu mất giá 45% kể từ đầu năm, xuống mức thấp hơn cả chi phí sản xuất. Các nhà sản xuất dầu khí Mỹ đã cắt giảm sản lượng xuống đến mức mà ông Kaplan dự báo là sẽ chỉ còn 10,8 triệu thùng/ngày vào tháng 12, thấp hơn năm ngoái khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Các công ty năng lượng giảm trung bình 1/3 chi tiêu năm 2020, trong khi cắt giảm nhân công hàng loạt xảy ra trong toàn bộ ngành này. Đầu tháng này, nhà cung cấp dịch vụ Halliburton Co thông báo sẽ cắt giảm 22% nhân viên tại trụ sở chính của công ty, đợt cắt giảm mạnh nhất trong các chi nhánh của công ty này ở Mỹ.

Công ty dầu mỏ lớn thứ 2 của Mỹ là Chevron Corp. ngày 27/5 cũng thông báo với nhân viên về việc cắt giảm 15% lực lượng lao động của công ty trên toàn cầu trong những tháng tới.

Theo ông Kaplan, nhiều công ty nhỏ hơn và những công ty không thể trả nợ sẽ không tồn tại được. Ông cũng cảnh báo rằng sau những đợt cắt giảm mạnh nhân viên, việc đưa mọi người trở lại làm việc không hề dễ dàng. Quan chức FED này nhận định "đây từng là một thách thức trong quá khứ và sẽ có thể là một thách thức lớn hơn trong tương lai".

Cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ sẽ sớm kết thúc?

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 27/5 cho biết, đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực dầu đá phiến sẽ giảm khoảng một nửa trong năm nay, đồng thời dự báo một giai đoạn khó khăn cho các nhà sản xuất bất chấp thực tế giá dầu có thể tăng.

IEA cũng dự báo đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt cũng sẽ giảm khoảng 1/3 và tài chính của tất cả các dự án năng lượng sẽ giảm khoảng 20%. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy mức giảm kỷ lục về đầu tư vào năng lượng trên toàn cầu, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến”.

Chi tiêu giảm cũng kéo theo sản lượng khai thác của các công ty dầu đá phiến giảm. Theo IEA, sản lượng bình quân mỗi ngày trong tuần kết thúc vào ngày 15/5 chỉ vào khoảng 11,5 triệu thùng, giảm khoảng 12% so với mức kỷ lục 13,1 triệu thùng trong tháng Ba. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cắt giảm đầu tư. Giai đoạn 2015-2016, các nhà sản xuất cũng đã từng phải cắt giảm 50% chi tiêu do giá dầu lao dốc.

Yếu huyệt dầu mỏ Mỹ

Các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã giúp nước này sản xuất hơn 13 triệu thùng dầu/ngày vào đầu năm 2020, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo công ty năng lượng Rystad Energy AS, trung bình các công ty của Mỹ phải chi khoảng 35,9 USD cho việc khai thác một thùng dầu trong năm 2019. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng Ba, giá dầu Mỹ bán ra không đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Do giá dầu giao dịch thấp hơn so với chi phí khai thác nên một số công ty dầu đá phiến của Mỹ đã buộc phải nộp đơn xin phá sản trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, các công ty dầu mỏ lớn cũng phải cắt giảm chi tiêu. Tập đoàn Exxon Mobil hồi tháng Tư cho biết sẽ cắt giảm khoảng 30% chi tiêu trong năm nay nhằm đối phó với các tác động của dịch COVID-19.

Ngành dầu mỏ Mỹ vừa "nhúc nhích" nhờ giá dầu phục hồi một phần

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal cho biết, 15 nhà sản xuất dầu khí đá phiến lớn nhất của Mỹ đã giảm trung bình 48% khoản đầu tư vào các mỏ mới. Họ sẽ không thể quay trở lại khối lượng sản xuất trước đó trong bối cảnh nhu cầu giảm do đại dịch COVID-19 gây ra.

Nhiều khả năng, các nhà sản xuất phải mất nhiều năm để hồi phục trở lại, nhưng, cũng có thể họ không còn cơ hội. Vì thế, người Mỹ biết trước có thể mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này song lại không có nhiều công cụ để ngăn chặn “thảm kịch”. Nhà phân tích Edward Bell tại Ngân hàng Emirates NBD (UAE) nói với CNBC: "Tôi nghĩ Mỹ gần như chắc chắn mất vị trí số một trong năm nay. Mọi chuyện có thể diễn ra nhanh hơn dự kiến".

Các nhà phân tích thị trường tại Bloomberg Intelligence nhận định: "Đại dịch COVID-19 đã phá hủy ngành công nghiệp dầu mỏ, gây ra sự sụt giảm nhanh chóng và chưa từng thấy về nhu cầu xăng dầu, dầu diesel và nhiên liệu máy bay. Thêm vào đó là cuộc chiến giá cả giữa Nga và Saudi Arabia và các khoản nợ khổng lồ của các công ty dầu mỏ Mỹ".

Giới phân tích cho rằng, các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ dễ bị đối tác ngoại "nuốt chửng". Mối đe dọa chính đến từ Trung Quốc, hoạt động kinh tế của nước này có sự hồi phục đáng kể và Bắc Kinh đang thể hiện sự quan tâm đến các tài sản nước ngoài đã giảm giá.

Washington lo ngại rằng, Trung Quốc có thể xâm nhập vào ngành năng lượng đã bị phá hủy. Các nhà quản lý dầu mỏ Texas cảnh báo: "Việc những quốc gia thù địch có thể mua lại các công ty dầu đá phiến đang gặp khó khăn ở Texas và những tiêu bảng khác là một vấn đề an ninh quốc gia rất nghiêm trọng". Mỹ có thể tìm cách ngăn chặn song Trung Quốc vẫn có cửa để lách như mua lại một phần tài sản phi chiến lược hoặc tạo ra các liên doanh.

Các tàu chở dầu ngoài khơi California của Mỹ

Có thể nói, ngành dầu mỏ thế giới, đặc biệt dầu đá phiến Mỹ, vừa trải qua cơn ác mộng chưa từng có trong lịch sử. Tháng 3/2020, giá một thùng dầu Brent mất giá hơn 50% so với cùng thời kỳ năm 2019 và mất giá trên 40% so với đúng một tháng trước đó, mức “trượt dốc nhanh nhất trong 60 năm qua”.

Trên thị trường Mỹ, giá dầu WTI đã rơi xuống số âm trong phiên giao dịch ngày 20/4. Mỹ đã can thiệp, thuyết phục Nga và Saudi Arabia cùng với các đối tác trong và ngoài khối các quốc gia xuất khẩu dầu lửa OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày - tương đương với 10% nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu, trong hai tháng 5 và 6/2020. Tuy nhiên, thế giới vẫn “dư thừa” đến 20 triệu thùng dầu/ngày.

Giới phân tích Nga cũng chỉ ra một trong những điểm yếu “chết người” của Mỹ là khả năng dự trữ dầu mỏ. Theo Sputnik, Mỹ có vấn đề lịch sử về dự trữ và vận chuyển dầu. Ví dụ, hồi năm 2007, một nhà máy lọc dầu Valero ở Texas tạm thời đóng cửa đã khiến kho trữ đầy lên nhanh chóng và giá tham chiếu của dầu thô sụp đổ.

Mỹ có công suất dự trữ dầu thô 91 triệu thùng ở Oklahoma, nhưng hầu hết các nhà máy lọc dầu đều ở cách xa hoặc ở các tiểu bang khác. Vấn đề vận chuyển dầu không được giải quyết khi các dự án đường ống dẫn quan trọng bị chính phủ và cơ quan tư pháp quyết định tạm dừng.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/don-dap-tin-set-danh-dau-da-phien-my-lun-bai-3403914/