Đòn bẩy tự do kinh tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump rất tự hào với thành tích kinh tế của mình, lúc thì dẫn chứng điểm cao mới của thị trường chứng khoán, lúc thì chỉ ra tỉ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Có được những kết quả này phần lớn là do chính quyền của ông đã mạnh tay cắt giảm hàng loạt các quy định gây phiền hà cho môi trường kinh doanh cũng như đạt được một chính sách giảm thuế có tính lịch sử.

Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam đã cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp - Ảnh: Internet

Theo Chỉ số tự do kinh tế năm 2018 của Heritage Foundation, nước Mỹ dưới thời ông dường như đã bắt đầu ngăn chặn được đà tụt giảm tự do kinh tế của nhiều năm trước đó (hiện Mỹ xếp hạng thứ 18 trong tổng số 180 nền kinh tế được điều tra).

Chỉ số của Việt Nam năm nay tăng hơn năm ngoái chút đỉnh nhưng vẫn xếp ở hạng thứ 141, được cho là “đa phần không tự do”. So với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có chỉ số thấp nhất. Chính phủ Việt Nam đưa ra thông điệp về “chính phủ kiến tạo”, mà tựu trung là cố gắng chủ động đưa ra những chính sách thích hợp để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm bớt sự can thiệp không cần thiết của nhà nước vào thị trường. Không biết mức độ hiện thực hóa sẽ ra sao, nhưng ít ra nhìn chung thì đây là một thông điệp phù hợp với nhu cầu cần đổi mới của Việt Nam.

Ngày nay, ít có người tranh cãi về tầm quan trọng của tự do kinh tế, bất kể là đối với một nước phát triển hay đang phát triển. Vấn đề là tự do ở mức nào cũng như khả năng thúc đẩy nó trong bối cảnh chung của một nước với nhiều đặc thù riêng. Có nhiều định nghĩa về tự do kinh tế, nhưng cốt lõi vẫn chứa đựng ba yếu tố chính sau. (Có thể tham khảo thêm báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới của Fraser Institute, bên cạnh chỉ số của Heritage Foundation, để biết các yếu tố chi tiết mà hai tổ chức này sử dụng để đo lường mức độ tự do).

Một là, các hoạt động kinh tế được dựa trên nền tảng của thị trường tự do mà tiêu biểu là việc thuận mua vừa bán, kể cả trong thương mại quốc tế. Kẻ mua và người bán tự nguyện trao đổi các loại hàng hóa và dịch vụ, không ai bị ép buộc. Ở mức độ tự do cao, nhà nước chỉ nên can thiệp vào thị trường trong những trường hợp thất bại thị trường, chẳng hạn như nạn độc quyền và ảnh hưởng ngoại lai (ví dụ như sự tàn phá môi trường do một số hoạt động sản xuất gây ra).

Hai là, nhà nước càng nhỏ, biết giới hạn quyền lực của mình, thì tự do kinh tế càng cao. Nhà nước không làm thay thị trường và hạn chế tối đa những luật lệ rườm rà trói buộc doanh nghiệp. Nhà nước phải biết chi tiêu dè dặt, chỉ nên tập trung vào những chương trình công cộng cần thiết cũng như đảm bảo an toàn trật tự và an ninh quốc gia. Vì chi tiêu dè dặt nên sẽ tránh những trường hợp thu thuế ngân sách bừa bãi, gây gánh nặng cho người dân.

Ba là, phải có sự thượng tôn pháp luật. Theo đây, cần phải có hệ thống pháp lý độc lập và minh bạch để bảo vệ tốt con người và tài sản. Hơn nữa, mọi người dân đều có thể dễ dàng sử dụng hệ thống pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình và không ai đứng trên luật pháp.

Với những yếu tố cốt lõi của tự do kinh tế được đề cập ở trên, có thể thấy rằng càng thúc đẩy tự do kinh tế thì càng gia tăng những lợi ích quan trọng sau. Dễ thấy nhất là những nền kinh tế thịnh vượng nhìn chung là có độ tự do kinh tế cao. Lý do chính là vì tự do kinh tế đưa đến việc phân bổ các nguồn tài nguyên hiệu quả hơn và thúc đẩy sáng tạo trong nền kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế bền vững. Các kinh tế gia cũng đã chỉ ra mối tương quan thuận giữa tự do kinh tế và phát triển con người (được đo lường qua Chỉ số phát triển con người của Liên Hợp Quốc dựa trên ba yếu tố về thu nhập, học vấn và tuổi thọ).

Tự do kinh tế cũng sẽ góp phần giảm thiểu tham nhũng. Vì nhà nước càng nhỏ nên quan chức ít có quyền hành ban phát hơn. Do đó, ít có cơ hội hơn để tham nhũng so với một nhà nước can thiệp quá nhiều vào thị trường. Như một ví dụ, nếu Việt Nam đẩy lùi được “cơ chế xin cho” trong việc phân bổ nguồn lực thì sẽ có ảnh hưởng tích cực đến tình trạng tham nhũng. Hơn nữa, tình trạng “tham nhũng chính sách” sẽ được cải thiện nếu Việt Nam đẩy mạnh tự do kinh tế hơn.

Tự do kinh tế còn tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người theo đuổi lợi ích kinh tế cá nhân chân chính và cũng là cách thúc đẩy thoát nghèo hiệu quả nhất. Kinh tế gia nổi tiếng người Peru Hernado De Soto cho thấy qua thực tiễn rằng khi người nghèo có được quyền sở hữu một cách rạch ròi thì họ có khả năng tham gia vào nền kinh tế một cách tốt hơn để thoát nghèo. Liên hệ đến Việt Nam thì có thể thấy rằng những bất cập trong vấn đề sở hữu ruộng đất của người nông dân hiện nay đang ngăn cản bước tiến của khu vực nông thôn. Giải quyết được vấn đề này thì không những sẽ tránh được nạn người nông dân bị thu hồi đất tràn lan, không thỏa đáng mà còn giúp họ sử dụng đất một cách hiệu quả hơn.

Và sau cùng, nói như Khôi nguyên Nobel Milton Friedman (một trong những kinh tế gia quan trọng nhất của thế kỷ 20), tự do kinh tế là điều kiện cần thiết cho tất cả những loại tự do khác của con người. Friedrich Hayek, cũng là một khôi nguyên Nobel về kinh tế và triết gia lừng danh, đã chỉ ra rằng: “Bị kìm kẹp trong những mưu cầu kinh tế của chúng ta có nghĩa là luôn luôn bị kìm kẹp…”. Một khi người dân được tự do làm ăn và có đời sống kinh tế khá giả hơn, họ sẽ có khả năng tốt hơn để đòi hỏi được đáp ứng nhu cầu về những quyền tự do khác, chẳng hạn như tự do dân sự, nếu như những quyền này chưa được thực thi tốt trong thực tế.

Trong thế giới ngày nay, không ai phủ nhận tầm quan trọng về vai trò của nhà nước. Can thiệp hay không can thiệp đều phải là một lựa chọn có chủ đích. Một nhà nước vì dân thì phải biết giới hạn quyền lực và tạo điều kiện để người dân có thể tự do phát huy hết khả năng của mình. Trong lời phát biểu chia tay nhân dân Mỹ sau hai nhiệm kỳ rất được lòng dân, Tổng thống Ronald Reagan đã nói: “Tôi hy vọng chúng ta nhắc mọi người một lần nữa là [người dân] không có tự do trừ phi [quyền lực] nhà nước bị giới hạn. Có một liên hệ nhân quả vừa rõ ràng vừa có thể đoán trước như định luật vật lý: khi nhà nước mở rộng, tự do thu hẹp”. Lời nói đó vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay đối với bất cứ quốc gia nào.

Giáo sư Trần Lê Anh(Đại học Lasell, Mỹ)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/don-bay-tu-do-kinh-te-87040.html