'Đòn bẩy' trong nông nghiệp

GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, Hà Nội có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp.

Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác ngày càng giảm và điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cực đoan. Đây cũng là giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, TP đã có nhiều chính sách để thực hiện nhiệm vụ này.

Trong đó, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 của HĐND TP về “Một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020” đã mở ra các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp - hướng đi ngắn nhất để nâng cao thu nhập. Ảnh:TL

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp - hướng đi ngắn nhất để nâng cao thu nhập. Ảnh:TL

Cụ thể hóa cơ chế, chính sách, UBND TP đã ban hành Quyết định số 7110/QĐ-UBND ngày 24-12-2015 về “Phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020” và Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 7-8-2017 của UBND TP hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND của HĐND TP. Ngoài ra, UBND TP còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, kể từ khi các cơ chế, chính sách của TP đi vào cuộc sống, nhiều DN, hợp tác xã, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động tìm kiếm công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, huy động nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất và thu được những kết quả rất khả quan.

Còn theo Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp Hà Nội khá cao, khoảng 70% đề tài và 100% dự án. Nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách được đề xuất đưa vào áp dụng cùng các giải pháp kỹ thuật, biện pháp kinh tế khác đã cho hiệu quả kinh tế cao, giúp các nông hộ trang trại, DN phát huy tiềm năng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp...

GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay, trên địa bàn TP có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Điều đáng nói, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông sản làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, nhờ chất lượng sản phẩm cao, mẫu mã đẹp, đồng đều. Dù giá thành cao hơn các sản phẩm sản xuất đại trà từ 20 đến 30% nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Để khoa học công nghệ phát huy vai trò “đòn bẩy” với nông nghiệp, GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Thời gian tới, sẽ Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu TP tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Nếu không có sự hỗ trợ, nông dân khó có thể đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất quy mô lớn.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/don-bay-trong-nong-nghiep-216176.html