Đòn bẩy trong đàm phán

Vài tuần trước khi CHDCND Triều Tiên tiến hành bắn thử 'vũ khí dẫn đường chiến lược', Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo họ sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Song Tổng thống D.Trump ngay lập tức đã bác bỏ thông báo này.

 Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dùng bữa tối chung tại Hà Nội. Ảnh: CNN

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dùng bữa tối chung tại Hà Nội. Ảnh: CNN

Lý do mà Tổng thống đảo ngược quyết định của Bộ Tài chính Mỹ, được Thư ký báo chí của ông Trump tiết lộ, chỉ đơn giản là: “Tổng thống D.Trump thích Chủ tịch Kim và ông không nghĩ những biện pháp trừng phạt này là cần thiết”.

Sau một năm sử dụng cách tiếp cận “ngoại giao cá nhân” với Triều Tiên, tình bạn của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có những tiến triển tốt đẹp, ít nhất là trên truyền thông. Song liệu mối quan hệ đó có thể biến thành một chiến lược thành công trong việc giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay không lại là chuyện khác.

Sau khi đạt được một số lợi ích kinh tế hữu hình từ hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, song vẫn gặp nhiều bế tắc trong đàm phán, nhà lãnh đạo của Triều Tiên Kim Jong Un dường như muốn viện “quân bài” mà cha và ông nội đã sử dụng thành thạo. Hôm thứ Bảy vừa qua, Triều Tiên đã bắn một loạt đạn từ bờ biển phía Đông, trong một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm tăng áp lực buộc ông Trump quay trở lại bàn đàm phán.

“Quân bài” này tuy cũ, nhưng được đưa ra vào thời điểm ông Trump đang hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Vì vậy nó có nguy cơ xóa tan những thành quả mà ông cho rằng mình đã làm được hơn những người tiền nhiệm, trong quan hệ với Triều Tiên. Đó là việc buộc Triều Tiên hứa ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Phản ứng trước vụ thử “vũ khí” của Triều Tiên, Tổng thống D.Trump tỏ ra khá thận trọng. Ông nói: “Tôi tin rằng ông Kim Jong Un hoàn toàn nhận ra tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên và sẽ không làm gì để chấm dứt nó. Ông ấy cũng biết rằng tôi đang ủng hộ và sẽ không muốn thất hứa với tôi. Thỏa thuận sẽ đạt được thôi”.

Triều Tiên rõ ràng đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng khi đưa ra quân bài của mình. Theo các quan chức Hàn Quốc, các thử nghiệm được tiến hành sáng thứ Bảy là loạt đạn “tầm ngắn”. Bình Nhưỡng thì cho rằng đó là rocket và “vũ khí dẫn đường chiến thuật” (chứ không phải tên lửa đạn đạo). Bằng cách bắn vũ khí tầm ngắn, Triều Tiên vừa có thể gia tăng áp lực cho các cuộc đàm phán bị đình trệ với Mỹ, song vẫn không kích động quá mạnh Tổng thống D.Trump.

Triều Tiên không nói rõ loại “vũ khí dẫn đường chiến thuật” nào được đưa ra thử nghiệm, nhưng theo những bức ảnh mà Hãng thông tấn nhà nước (KCNA) đăng tải, đây giống như quả tên lửa tầm ngắn được giới thiệu lần đầu tiên trong cuộc diễn hành của quân đội hồi tháng 2 năm ngoái.

Song dù gì thì đây vẫn là các vụ thử vũ khí nghiêm trọng nhất của Triều Tiên kể từ sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào tháng 11-2017. “Sự khiêu khích vừa rồi cho thấy ông Kim Jong Un đang ngày càng trở nên bi quan về việc có thể đạt thỏa thuận với ông Trump”, Lee Byong-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul, nói với tờ New York Times.

Còn nhớ, cuộc gặp thượng định Mỹ - Triều lần thứ 2 ở Hà Nội hồi tháng 2 đã đột ngột kết thúc khi Tổng thống D.Trump từ chối đề nghị của ông Kim về việc Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt với Triều Tiên, để đổi lấy việc Bình Nhưỡng dỡ bỏ một phần chương trình vũ khí hạt nhân. Mỹ muốn Triều Tiên phải từ bỏ toàn bộ. Sau khi trở về nhà, ông Kim cho biết sẽ “cho” Tổng thống D.Trump thời hạn đến cuối năm nay để đưa ra một đề xuất mới.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên Kênh CBS, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng, vấn đề chính hiện nay là liệu Chủ tịch Kim có đồng ý từ bỏ vũ khí của mình hay không. Ngoại trưởng Mỹ tỏ ý hoài nghi: Ông ấy (Kim Jong Un) đã nói với tôi hàng chục lần là sẽ làm như vậy.

Mỹ có lý do để nghi ngờ. Năm 1994, sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tới mức gần như nối lại cuộc xung đột hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, dưới sáng kiến của Tổng thống Bill Clinton, Bình Nhưỡng đã đóng băng sản xuất hạt nhân trong vài năm. Nhưng thực tế họ vẫn mua các thiết bị làm giàu uranium từ Pakistan và chế tạo bom nguyên tử.

Khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức, lại có cuộc khủng hoảng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên và cha của ông Kim Jong Un đã cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 2006. Mới đây nhất năm 2017, Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành thử bom nhiệt hạch.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288559/don-bay-trong-dam-phan.html