Đòn bẩy thực hiện giảm nghèo bền vững ở Vân Đồn

Xác định việc nâng cao thu nhập là yếu tố quyết định của công tác giảm nghèo, huyện Vân Đồn đã rất chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân. Cách làm này giúp người dân tiếp cận phương thức sản xuất mới, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước thoát nghèo bền vững.

Thu hoạch cam tại gia đình anh Trần Văn Hậu, thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên. Ảnh: Dương Hương

Thu hoạch cam tại gia đình anh Trần Văn Hậu, thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên. Ảnh: Dương Hương

Những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở Vân Đồn khá cao. Theo kết quả rà soát của Phòng LĐ-TB&XH huyện, đến cuối năm 2017 trên địa bàn huyện vẫn còn 421 hộ nghèo, chiếm 3,54%. Trước thực tế này, Vân Đồn xác định muốn giảm nghèo bền vững thì phải giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người dân, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vì vậy huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm cho lao động nông thôn, nhất là vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Với những hộ cần vốn để sản xuất, chăn nuôi, các đoàn thể đứng ra tín chấp hỗ trợ hội viên vay vốn, đối với những lao động có nhu cầu học nghề, huyện cũng tạo điều kiện tổ chức các lớp dạy nghề...

Căn cứ vào kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND cấp xã giao cán bộ chuyên môn rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề của từng hộ. Trong năm 2018, huyện đã mở 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 105 học viên. Nhờ tham gia học nghề tại đây, nhiều lao động đã có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện còn chủ động liên kết với một số doanh nghiệp để đào tạo, tạo việc làm tại chỗ cho lao động khi kết thúc khóa học. Năm 2018, huyện đã giải quyết việc làm cho 1.475 lao động (trong đó, 168 lao động được tạo việc làm thông qua vay vốn quỹ quốc gia, 10 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, 717 lao động được làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện và tỉnh, tự tạo việc làm tại chỗ cho 580 lao động) đạt 147,5% kế hoạch tỉnh giao.

Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Vân Đồn còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại giống mới năng suất, chất lượng cao vào thay thế dần các giống cũ của địa phương. Nhiều mô hình mới đã phát huy hiệu quả như: Trồng cây ba kích, nuôi lợn rừng, nuôi trồng thủy sản... Hình thức huy động vốn, tổ tiết kiệm, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế… được các tổ chức hội, đoàn thể duy trì tích cực, giúp hội viên nghèo có vốn phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình bà Phạm Thị Xuyến, thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng là một trong những hộ thoát nghèo trong năm 2018.

Vạn Yên là một trong những xã có số hộ nghèo tương đối cao. Trước đây, toàn xã có đến 44,4% hộ nghèo. Xác định được tiềm năng, lợi thế của Vạn Yên là rất phù hợp với việc mở rộng chăn nuôi theo hình thức trang trại và trồng cây cam bản địa cùng với một số loại cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với xã triển khai dự án mở rộng diện tích trồng cam, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, cây ba kích và nuôi lợn, gà thương phẩm… Hiện nay, xã đang triển khai làm vườn ươm giống cây cam với số lượng lớn. Từ những chính sách ưu tiên cho hộ nghèo, đến nay nhiều gia đình đã có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Không chỉ vậy, một điểm đáng ghi nhận ở Vân Đồn đó là việc tạo điều kiện cho người dân nhận các diện tích mặt nước biển và hỗ trợ giống vốn, kinh nghiệm để nuôi trồng các loài nhuyễn thể như: Tu hài, hàu biển, ốc, ngọc trai… Trước đây, những diện tích mặt nước biển của hầu hết các xã tuyến đảo có giá trị kinh tế thấp, thì đến nay đang trở thành những mỏ vàng của người dân. Hằng năm, từ lĩnh vực nuôi trồng các loài nhuyễn thể, nhiều người dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông Hoàng Quang Nhật, thôn Đông Hải, xã Đông Xá, khẳng định: Gia đình tôi nuôi tu hài và hàu biển từ những năm 2005, mỗi năm gia đình tôi đều thu được trên 100 triệu đồng tiền lãi.

Có thể thấy, những mô hình này đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân địa phương, đặc biệt là đối với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, từ đó nâng cao thu nhập cho các gia đình, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Theo thống kê, đến cuối năm 2018 số hộ nghèo giảm còn 267 hộ, chiếm 2,24% (giảm 154 hộ, tỷ lệ giảm 1,3%), đạt 106% kế hoạch tỉnh giao.

Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện: Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong năm 2019 huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức để người nghèo tự lực vươn lên; phân bổ hợp lý các nguồn lực. Trong đó, tập trung công tác đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hiểu Trân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201902/don-bay-thuc-hien-giam-ngheo-ben-vung-o-van-don-2422454/