'Đòn bẩy' thoát nghèo ở vùng khó

Thực hiện Đề án 196, từ năm 2016 đến nay trung bình mỗi năm Quảng Ninh giảm 1,12% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,2% và dự kiến sẽ xuống dưới 1% trong giai đoạn 2020-2025. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp với những cơ chế, chính sách cụ thể, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó, tạo động lực, điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Mô hình chăn nuôi dê bán hoang dã của hộ anh Chíu Văn Thoòng (thôn Khe Coóc, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu) mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh chụp tháng 3/2019)

Mô hình chăn nuôi dê bán hoang dã của hộ anh Chíu Văn Thoòng (thôn Khe Coóc, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu) mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh chụp tháng 3/2019)

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp với quan điểm: Tỉnh ban hành cơ chế chính sách - các sở, ngành tham mưu đắc lực - cấp huyện trực tiếp chỉ đạo - cấp xã trực tiếp thực hiện - thôn, bản đoàn kết, đồng lòng, người dân tích cực sản xuất và chủ động thoát nghèo - lấy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân làm trung tâm; tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu là cần thiết, trong đó ngân sách nhà nước là chủ yếu.

Cụ thể hóa Đề án 196, giai đoạn 2017-2019, tỉnh đã chi ngân sách trên 1.900 tỷ đồng để thực hiện Chương trình 135, Đề án 196. Riêng năm 2019, tỉnh bố trí cho Đề án 196 là 492,56 tỷ đồng (đạt 164,41% so với vốn đề án được phê duyệt). Đến nay, hơn 465 tỷ đồng được phân bổ xây dựng các dự án, công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Hiện tại, 100% nhu cầu về vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề nghị của các địa phương đã được tỉnh cân đối đáp ứng đủ. Riêng năm 2019, vốn hỗ trợ sản xuất được phân khai cho các thôn, xã diện ĐBKK là hơn 32 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nguồn lực từ vốn vay ưu đãi của hệ thống Ngân hàng CSXH, các nguồn hỗ trợ, quà tặng, tài trợ, xã hội hóa... cũng được tỉnh cân đối, phân bổ hợp lý, tạo động lực thoát nghèo cho người dân. Sự tích cực của người dân trong việc vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo, làm giàu cũng được thể hiện rõ với hơn 160 dự án phát triển kinh tế mới được trên 6.000 hộ nghèo vùng miền núi đăng ký thực hiện trong giai đoạn từ 2017 đến nay.

Đến nay các xã, thôn vùng biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thuộc diện ĐBKK của tỉnh đều đảm bảo 100% có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; công trình thủy lợi đáp ứng đủ trên 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích canh tác; 92,8% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trường học và trạm y tế cơ bản đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí quốc gia... Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người tại các vùng này đạt hơn 22 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,74 lần so với năm 2015; gần 89% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đạt gia đình văn hóa...

Phát triển kinh tế rừng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thoát nghèo, làm giàu. (Trong ảnh: Người dân xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ thu hoạch keo, tháng 12/2019).

Tại nhiều địa phương, đã có hàng trăm hộ dân viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo và có những cách làm cụ thể để thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững, thể hiện được sự thay đổi, chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức và ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Mỗi năm, trung bình tỉnh giảm được 1,12% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo hiện tại chỉ còn 1,2%. Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu giảm tiếp 0,16% hộ nghèo và giảm mạnh tỷ lệ hộ cận nghèo, chống tái nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% trong giai đoạn 2020-2025.

Để công tác giảm nghèo hiệu quả, tỉnh nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng Đề án hỗ trợ các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK, xã biên giới trên địa bàn tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025; tích cực triển khai đề án hỗ trợ thôn, bản của các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 của Chính phủ. Tỉnh cũng định hướng tiếp tục duy trì một số chính sách an sinh xã hội thiết yếu hỗ trợ đối với đồng bào các xã, thôn miền núi, như hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân, hỗ trợ học phí, tiền ăn bán trú cho học sinh...

Cùng với đó các sở, ngành, địa phương cũng tiếp tục đồng hành cùng đồng bào miền núi, nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Tỉnh cũng xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể hỗ trợ 2.125 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, trong đó dự kiến sẽ cân đối sử dụng hơn 1.750 tỷ đồng từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2020-2025 để thực hiện Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là động lực, đòn bẩy giúp người dân vùng khó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Minh Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/don-bay-thoat-ngheo-o-vung-kho-2464892/