Đòn bẩy sinh kế để không ai bị bỏ lại phía sau: Bài 2 - Triển vọng mới

Tháng 7, Mộc Châu nắng nhuộm vàng khắp thung lũng; băng qua các đồi nương, cánh đồng lúa đang gieo mạ, chúng tôi như cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp níu chân người và triển vọng phát triển du lịch cộng đồng của các bản làng trên vùng đất 'cửa ngõ' Sơn La.

Hướng đi bền vững

Với địa thế khá đẹp, trong số 15 homestay của bản Vặt, homestay Hoa Mộc Miên của vợ chồng chị Lương Thị Hồng Tươi là địa chỉ lưu trú đang rất “hot”, được cộng đồng du lịch yêu thích mỗi lần đến Mộc Châu. Homestay bằng gỗ rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ; không gian yên tĩnh, xung quanh vườn bơ, vườn dâu tây quả trĩu cành; thư thả phóng tầm mắt từ cửa sổ nhà sàn là cánh đồng lúa xanh ngắt, trải dài mênh mông. Cùng với lưu trú, homestay này còn phục ăn uống; trải nghiệm làm nông dân cho du khách.

Du lịch cộng đồng như một triển vọng mới mở ra cơ hội đổi thay cho cộng đồng. Ảnh AOP

Du lịch cộng đồng như một triển vọng mới mở ra cơ hội đổi thay cho cộng đồng. Ảnh AOP

Vừa bán hàng từ thác Dải Yếm về, chị Tươi rạng rỡ, đon đả chuyện trò, rót nước mời khách. Chị Tươi tâm sự, trước khi AOP triển khai dự án, gia đình chị làm homestay trước là để ở, nhưng do có nhiều người hỏi lưu trú nên vợ chồng chị bàn bạc mở dịch vụ lưu trú chuyên đón khách từ vốn vay ngân hàng và AOP. Đến thời điểm này, dù bị tác động của dịch Covid-19, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, homestay đã đón lượng khách bằng cả năm 2019.

Vốn chỉ quen trồng ngô, trồng lúa, chị Lèo Thị Chơ không chỉ biết lên nương rẫy, bán hàng tại thác Dải Yếm mà hiện đã là chủ Homestay Quốc Khánh, và là một thành viên năng nổ của Tổ nhóm dịch vụ tại bản Vặt. Nếu trước khi tham gia vào Tổ nhóm dịch vụ của bản Vặt, chị khá nhút nhát thì giờ đã rất tự tin trong giao tiếp, phục vụ khách du lịch. “Trước đây nhà có khách là để cho chồng ra tiếp, giao lưu, nhưng giờ chị đã tích cực tham gia, chia sẻ cùng chồng; hay trước cứ nghĩ nhà sàn lát gạch thì mới sạch, nhưng khi cán bộ AOP tư vấn tận dụng vật liệu tự nhiên gia đình đã cắt giảm được chi phí đầu tư cho homestay; tham gia dịch vụ du lịch cộng đồng, thu nhập của gia đình cũng bớt chật vật, vì cứ có khách là có tiền”- chị Chơ cười nói.

Phụ nữ dân tộc thiểu số bản Vặt nay đã bận rộn với làm dịch vụ du lịch ngoài thời gian lên nương rẫy. Ảnh Nguyễn Nam

Hơn 10 năm làm trưởng bản, nhắc đến anh Hà Văn Trọng là cả xã Mường Sang ai cũng đều biết đến, bởi anh chính là một trong những nhân tố quan trọng và có tầm nhìn của bản Vặt; là người tích cực động viên bà con bám trụ với dự án GROW theo như nhận xét của cán bộ AOP. Theo chân trưởng bản Hà Văn Trọng trekking (đi bộ đường dài) bản Vặt, chúng tôi càng hiểu rõ hơn vai trò và sự nhiệt huyết của vị trưởng bản này đối với các hoạt động sinh kế của bản Vặt.

Sau gần 3 giờ đồng hồ trekking, dừng chân bên con suối Tá Văng Hay nước trong vắt, mát lạnh, trưởng bản Hà Văn Trọng vừa nhặt những túi rác ven suối, vừa hồ hởi giới thiệu thêm các địa danh mới của bản rất mộc mạc, nhưng chân thành. Đánh giá về tác động của mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) của bản, trưởng bản Hà Văn Trọng cho biết, hiện cứ vào dịp cuối tuần, bản Vặt đón khá đông các đoàn khách về tham quan; các homestay gần như kín chỗ; bà con tất bật tham gia đón tiếp khách, bầu không khí rộn ràng lan tỏa khắp bản.

Trưởng bản Hà Văn Trọng hướng dẫn khách trekking. Ảnh Nguyễn Nam

Dẫu còn nhiều khó khăn, song theo trưởng bản Hà Văn Trọng, nhờ du lịch mà tình hình kinh tế của bản đã khởi sắc hơn, hiện chỉ còn 2 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo; 98% hộ đạt gia đình văn hóa. “Ngoài việc bà con nhận thức hơn về gìn giữ các nét văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, cảnh quan, phấn khởi nhất là bà con dân bản có thêm kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ cho du khách, đồng thời, qua khách du lịch, có thể kết nối, mở rộng thị trường, tìm thêm đầu ra cho nông sản…” - trưởng bản Vặt cho biết.

Đánh giá thêm về thực trạng phát triển DLCĐ của bản Vặt, anh Vũ Quang Tuyển - cố vấn kỹ thuật của dự án GROW thông tin, đến nay, nguồn thu từ dịch vụ du lịch, trong đó bao gồm cả bán hàng ở thác Dải Yếm, dịch vụ homestay đang trở thành nguồn thu quan trọng của người dân. Homestay Hoa Mộc Miên của vợ chồng chị Lương Thị Hồng Tươi ở bản Vặt còn kết hợp làm trang trại dâu tây kết hợp cho khách trải nghiệm, bán thêm cả các sản phẩm nông nghiệp như bơ, mận, chanh leo… cho nguồn thu lên tới cả trăm triệu mỗi năm.

Nông sản của bà con dân tộc thiểu số đã có thêm kênh tiêu thụ từ thị trường khách du lịch. Ảnh Nguyễn Nam

Vừa qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới du lịch nói chung nhưng riêng với bản Vặt thì theo như đánh giá của cán bộ AOP, là ảnh hưởng không nhiều lắm. Do trước đây du lịch chưa phải là nguồn thu chính của người dân, nên đợt dịch họ cũng bị dừng đón khách mất khoảng 2 tháng, tuy nhiên họ lại có các nguồn thu khác từ nông sản. Sau giãn cách, lượng khách đã trở lại bản tương đối đông. Về lâu dài, bản Vặt có nhiều thuận lợi vì quanh đó có rất nhiều điểm đến nổi tiếng của Mộc Châu nên không khó để thu hút khách.

Tuy nhiên, theo anh Vũ Quang Tuyển, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến kế hoạch chung của dự án AOP, bởi dự án kỳ vọng sau 2 năm triển khai dự án có thể đón được hơn 60.000-70.000 khách từ 28 homestay, nhưng bây giờ dự án cũng đang phải điều chỉnh lại mục tiêu, đón khoảng 40.000 khách.

Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Vặt. Ảnh Nguyễn Nam

Chia sẻ lợi ích, gắn kết cộng đồng

Ông Hà Văn Quyết làm trưởng bản Dọi gần 20 năm, là một điển hình làm kinh tế của xã Tân Lập, là người tiên phong của du lịch bản Dọi. Nhận thức được phát triển du lịch bền vững, ngôi nhà sàn của gia đình ông Quyết đến nay được xem là của quý của bản Dọi, bởi vẻ đẹp mộc mạc, nguyên bản đặc trưng nhất. Với kinh nghiệm, sự nhanh nhạy trong làm kinh tế, và có tiếng nói trong cộng đồng, ông Quyết hiện là trưởng nhóm nhiệt huyết nhất bản, và là thành viên ban chỉ đạo cố vấn du lịch cho cộng đồng của xã Tân Lập.

Trong 5 hộ làm du lịch tại bản Dọi tiếp tục được ông cầm tay chỉ việc, cải tạo nhà cửa, vườn cây, hỗ trợ đón tiếp, phục vụ du khách. “Sau khi thôi phụ trách nhà máy chế biến chè Tân Lập, tôi có thêm thời gian cho du lịch, qua đó mà gắn bó và yêu thích lĩnh vực này hơn. Nhờ đó, có hộ khách đông, thường hay gọi tôi sang giúp một tay, rồi khách nào có nhu cầu tham quan bản, cũng nhờ luôn tôi làm hướng dẫn viên. DLCĐ của bản Dọi từ ngày có sự hỗ trợ từ dự án AOP như hồi sinh và đang có hướng đi mới” - ông Quyết cho hay.

Các homestay được hỗ trợ đang có hướng phát triển bền vững. Ảnh Nguyễn Nam

So với nhiều mô hình DLCĐ khác, chị Lê Thị Hiền – cán bộ thực địa của Dự án GROW - cho rằng, AOP đặc biệt quan tâm đến việc tạo lợi ích cho nhiều người; vì vậy, quá trình triển khai dự án GROW, AOP luôn định hướng cộng đồng cùng hỗ trợ nhau trong cung cấp dịch vụ, thông qua việc xây dựng các tổ nhóm dịch vụ khác nhau, để người dân chia sẻ các dịch vụ chứ không phải một hộ gia đình làm tất cả. Theo chị Hiền, tại bản Vặt, không chỉ có nhóm homestay mà còn có nhiều nhóm cộng đồng khác như nhóm thổ cẩm, nhóm xe đạp, nhóm văn nghệ… hỗ trợ nhau bằng cách nhà này có dịch vụ này rồi thì nhường dịch vụ khác cho các hộ còn lại và cùng động viên nhau hoạt động.

Với hướng đi bền vững đó, hơn một nửa chặng đường thực hiện, Dự án GROW đã đạt hiệu quả ngoài mong đợi, tính đến tháng 7/2020, đã có 334 người dân cải thiện sinh kế (đạt 65% chỉ tiêu cuối dự án); 276 phụ nữ tăng thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng (đạt 86,2% chỉ tiêu cuối dự án); 16 tổ nhóm dịch vụ được thành lập, trong đó 13 tổ nhóm do phụ nữ lãnh đạo; 17 điểm lưu trú tại nhà dân (homestay) được cải tạo phù hợp, đạt chất lượng cao và đón khách; 745 triệu đồng doanh thu từ các dịch vụ DLCĐ do dự án hỗ trợ tại hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ.

Phát triển du lịch cộng đồng tại bản Vặt, bản Dọi đang mang lại nhiều triển vọng đổi thay về kinh tế, xã hội cho cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây. Ảnh Nguyễn Nam

Đánh giá cao Dự án mà AOP đang triển khai hỗ trợ cho bản Vặt, bản Dọi, bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch huyện Mộc Châu - cho hay, với hỗ trợ mô hình DLCĐ theo hướng xây dựng các tổ nhóm dịch vụ do cộng đồng, cấp hỗ trợ về vốn và kĩ thuật để các hộ cải tạo cơ sở vật chất làm homestay, xây dựng các sản phẩm DLCĐ khác ngoài lưu trú, tập huấn kĩ năng cho các hộ làm DLCĐ, nâng cao nhận thức về giới để hướng tới thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ dân tộc thiểu số vào chuỗi du lịch, gây dựng tài sản và từ đó tự tin hơn, có tiếng nói hơn trong gia đình và cộng đồng... AOP đã góp phần quan trọng, cùng với chính quyền huyện thúc đẩy DLCĐ trên địa bàn phát triển theo hướng bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng.

Tổ văn nghệ bản Vặt. Ảnh Nguyễn Nam

Nhằm xây dựng, khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch trên lợi thế thế mạnh của địa phương, bà Nguyễn Thị Hoa thông tin thêm, huyện Mộc Châu xác định mục tiêu phát triển các điểm DLCĐ trở thành 1 trong 5 điểm du lịch vệ tinh của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Theo đó, ngoài bản Vặt, bản Dọi, năm 2020, huyện Mộc Châu sẽ phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn bản Pa Phách 1 và Pa Phách 2, xã Đông Sang là bản dân tộc Mông có tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu; phối hợp với tổ chức GREAT triển khai thực hiện dự án “quản lý toàn diện điểm đến du lịch Mộc Châu” hỗ trợ xây dựng bản DLCĐ bản Tà Số, xã Chiềng Hắc.

Để đẩy mạnh phát triển DLCĐ, huyện sẽ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá các dự án lớn về du lịch, dịch vụ được phát triển theo hướng có chất lượng; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai các dự án, huy động các nguồn lực để triển khai sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường bộ, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện, đường vào các khu du lịch...” - bà Hoa nhấn mạnh.

Với sự phát triển của DLCĐ, kinh tế du lịch của Mộc Châu tăng trưởng cao, bền vững, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội chung của huyện thời gian qua. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến thu hút được trên 5.652.000 lượt khách, riêng năm 2019 đạt 1.250.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 67.000 lượt; doanh thu xã hội trung bình mỗi năm đạt trên 1.100 tỷ đồng.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-bay-sinh-ke-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-bai-2-trien-vong-moi-140659-140659.html