Đòn bẩy phát triển đô thị sáng tạo

Sáng 23/11, UBND TP Hồ Chí Minh cùng Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố (HUBA) tổ chức Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2018, với chủ đề Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - vai trò động lực của doanh nghiệp (DN). Tại đây, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, nguồn nhân lực tại chỗ.

Công ty phát triển phần mềm trong Khu Công nghệ cao Quang Trung.

Kỳ vọng phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đây là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn nhằm thảo luận vai trò của DN trong việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông. Để xây dựng đô thị thông minh, thành phố đã triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó điểm nhấn là xây dựng Khu đô thị sáng tạo gồm: Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức.

Theo kế hoạch phát triển đô thị của lãnh đạo UBND thành phố, Khu đô thị sáng tạo phía Đông nói trên sẽ trở thành hạt nhân trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời là nền tảng để triển khai Đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố. “Khu đô thị sáng tạo của thành phố sẽ kết nối chặt chẽ 3 chức năng. Trong đó có trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Khu đô thị sáng tạo sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao theo chuẩn quốc tế”, ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay.

TPHCM đang kỳ vọng nhiều vào việc phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông vì nơi đây tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, khu chế xuất - khu công nghiệp; trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm… Ngoài ra, việc triển khai Khu đô thị sáng tạo càng thuận lợi hơn khi thành phố được Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.

UBND TPHCM khẳng định, muốn xây dựng thành công Khu đô thị sáng tạo, thành phố cần có sự gắn kết, tương tác giữa tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là Nhà nước - nhà DN - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính. DN vừa đóng vai trò trung tâm, vừa là động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Chính quyền thành phố cam kết, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, khung pháp lý minh bạch sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư trên địa bàn trong việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông”.

Cộng hưởng giữa nguồn lực và chính sách

Đánh giá cao sự sáng tạo, phát triển của TPHCM, tuy nhiên ông Ousmane Dion - Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, để phát huy vai trò của Khu đô thị sáng tạo phía Đông, cần liên kết chặt chẽ với các khu vực xung quanh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. TPHCM tiếp tục nâng cao hiệu suất của môi trường kinh doanh, đặc biệt là coi trọng nguồn vốn về con người. Nghĩa là phải có chính sách thu hút, giữ chân, phát triển nhân tài.

“Để thu hút được các nhân tài trong và ngoài nước chắc chắn thành phố phải tạo đươc môi trường sinh động hơn nhằm cân bằng trong cuộc sống cũng như làm việc”, TS Ahmad Magard- Tổng Thư ký Liên đoàn Sản xuất Singapore nhận định.

Bàn thêm về môi trường đầu tư - yếu tố hàng đầu thu hút doanh nghiệp, TS Ahmad Magard chia sẻ, khu vực phía Nam, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM đã có sự thay đổi rất lớn. Quan trọng nhất chính là nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn. Hy vọng, thành phố tiếp tục cải thiện tốt môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp. Song song với sự cố gắng của thành phố vẫn cần Chính phủ hỗ trợ. Về nguồn nhân lực, Chính phủ cần phải đầu tư nhiều hơn vào vốn con người, tập trung phát triển nhân tài. Cần có cơ chế khuyến khích cho khối tư nhân để họ mạnh dạn hơn trong việc tiếp xúc với các viện, trường nghiên cứu để đào tạo nhân lực, đổi mới trang thiết bị công nghệ theo hướng hiện đại. “Quan trọng vẫn là tạo ra môi trường sống, làm việc thông thoáng. Bởi vì, hiện nay áp lực về giao thông ảnh hưởng đến môi trường làm việc” - TS Ahmad Magard lưu ý.

Liên quan đến nguồn nhân lực thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo phía Đông nói riêng và định hướng phát triển TPHCM trở thành đô thị sáng tạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố có nhiều tiến sĩ, hơn 5 triệu sinh viên. Vì vậy, thành phố phải tận dụng điều kiện thuận lợi này nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu. Để thực hiện có hiệu quả tốt hơn, Khu đô thị sáng tạo phải giúp các bên thúc đẩy, tương tác qua lại cùng phát triển nhanh.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/don-bay-phat-trien-do-thi-sang-tao-tintuc423475