Đòn bẩy kinh tế tri thức

Trọng dụng trí thức và phát triển kinh tế tri thức đang là ưu tiên số một của TP HCM khi các lãnh đạo thành phố này có xu hướng quy hoạch các đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, khu công nghệ cao tại vùng lõi và ngay tại các trung tâm công nghiệp lớn của thành phố.

TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh.

Ngay từ đầu năm 2019, UBND TP HCM chính thức cho triển khai 4 trung tâm cốt lõi của Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, với tầm nhìn đến 2025. Theo chuyên gia Trịnh Lân, thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, việc tranh thủ thời cơ trong bối cảnh TP HCM đang được trao cơ chế đặc thù (Nghị quyết 54) của Quốc hội là một nhiệm vụ cấp thiết, hơn nữa còn kịp tiệm cận với quy mô phát triển của các đô thị ngay trong khu vực. Nếu không nắm lấy thời cơ này thì sẽ còn tụt hậu ngày càng xa hơn.

Chuyên gia này lý giải, trong thời đại công nghệ số thì kinh tế tri thức đóng vai trò đòn bẩy, là hạt nhân kết nối, tổ chức lại và thúc đẩy đổi mới các yếu tố sản xuất. Do vậy, ai nắm được tri thức thì người đó sẽ ở vào địa vị chi phối kinh tế - xã hội; còn khu vực nào hội tụ được nhiều tri thức nhất, khu vực đó sẽ trở thành trung tâm của nền kinh tế.

Mới đây tại một hội thảo chuyên đề về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhứt, từ Học viện Cán bộ TP HCM đã nêu ra các yêu cầu cơ bản để tạo đà cho phát triển kinh tế tri thức, nhất là phải giải quyết được những chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống các cơ quan nhà nước của thành phố nói chung và bộ máy hành chính nói riêng.

Lúc đương thời, cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng Khoa học TP HCM cũng đề xuất với các lãnh đạo TP HCM về việc khích lệ, động viên, tạo động lực về cơ chế, chính sách để đẩy kinh tế tri thức đi lên.

Giáo sư Giao nhắc lại giai đoạn ngay sau khi thống nhất đất nước thì lực lượng trí thức tại Sài Gòn - TP HCM khá đông đảo, bao gồm nhiều giáo sư đại học, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, luật gia, nhân sĩ, các nhà hoạt động báo chí, tôn giáo,…Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự quyết đoán của những người đứng đầu, nhất là vai trò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã giúp cho thành phố luôn giữ được vai trò đầu tàu của khu vực phía Nam.

Nhìn lại hành trình 30 năm đổi mới, nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá đúng vai trò của TP HCM ở khía cạnh đóng góp ngân sách, thu hút các thành phần đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch phát triển. Nếu như năm 2011 thành phố đóng góp cho ngân sách trung ương là 27,7% thì đến năm 2014 đã tăng lên 30% và giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tăng gấp đôi. GDP bình quân đầu người, vì thế cũng tăng 12%/năm và đến nay ở một số thời điểm đã chạm mốc 6.000 USD/người.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khu vực thôi, nền kinh tế của thành phố vẫn được nhìn nhận là còn thiếu tính cạnh tranh và bộc lộ không ít các yếu kém. Đó là những vấn đề của thể chế kinh tế thị trường chưa đầy đủ và đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo. Hơn nữa, cải cách hành chính diễn ra chậm chạp, khiến cho năng lực hỗ trợ của nền hành chính cho phát triển kinh tế còn hạn chế, thậm chí trong nhiều trường hợp còn chưa tạo ra được môi trường cạnh tranh sáng tạo. Thật may, thành phố đang có những bước chạy đà tích cực, khi nhìn nhận đầu tư, đãi ngộ cho đội ngũ trí thức và phát triển kinh tế tri thức là nhiệm vụ sống còn.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, từng nhiều năm giám sát cơ quan chính quyền thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đánh giá khó khăn lớn nhất của thành phố trong phát triển kinh tế tri thức là những ràng buộc về cơ chế, thể chế và năng lực quản lý điều hành. Mặc dù đang được cải thiện tích cực, nhưng hiện tại thành phố vẫn chưa được phân cấp phân quyền mạnh, chưa có cơ chế phù hợp cho một đô thị đặc biệt, mà lẽ ra đó là mô hình chính quyền đô thị.

Trong khi đó, chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trong nhiều phát biểu cũng đã nhìn nhận thời cơ đã đến và chưa khi nào thành phố ở vào cơ hội lớn đến thế, nhưng vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.

Do đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu là phải nhanh hơn, cả trong việc phát hiện vấn đề nhanh, đề xuất giải pháp nhanh, nhất là việc huy động nguồn lực trong dân và phải làm để có kết quả nhanh hơn. Nếu để chậm sẽ không đáp ứng được mong mỏi của người dân và yêu cầu của phát triển, đặc biệt phải tận dụng được tài nguyên con người. Bởi vì, 10 triệu dân là 10 triệu động lực sáng tạo.

Hơn bao giờ hết, để kinh tế tri thức phát triển, thể chế quản lý điều hành phải có sự thay đổi phù hợp. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học tha thiết muốn một thời kỳ mới mà TP HCM dám mạnh mẽ, nhìn vào những tồn tại của mình để thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý thành phố trong khơi nguồn tối đa những tiềm năng hiện có của thành phố này.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/don-bay-kinh-te-tri-thuc-tintuc429726