Đòn bẩy giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0

Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng giúp DN nhanh chóng tiếp cận và tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - về vấn đề này.

CMCN 4.0 đang mở ra cơ hội to lớn để DN xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Tôi hoàn toàn đồng ý và chia sẻ với quan điểm này. Có lẽ không còn phải nghi ngờ gì nữa về những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cho DN trong việc đổi mới hiện đại hóa công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh của các DN. Không chỉ là vấn đề nâng cao hiệu quả hay chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ mang đến cơ hội cho các DN trong việc tạo ra giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.

Tôi cho rằng, cuộc CMCN 4.0 không chỉ là vấn đề mang công nghệ nào vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các DN nên nhìn nó như một yếu tố, điều kiện mới tác động tới mỗi DN, là một cơ hội để các DN xem lại định hướng phát triển, đưa ra những kế hoạch để hiện thực hóa cơ hội. Tôi tin rằng, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa các công nghệ mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, DN sẽ có cơ hội để tiến nhanh về phía trước, tạo ra những bước phát triển đột phá.

Vậy ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của DN Việt Nam với cuộc CMCN 4.0? DN Việt đã tận dụng được hết những lợi ích cuộc cách mạng này mang lại hay chưa?

Năm 2017 - 2018, Bộ Công Thương đã tiến hành một cuộc khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng của các DN sản xuất công nghiệp trong tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 dựa trên Bộ chỉ số đánh giá của Hiệp hội công nghiệp chế tạo của Đức. Kết quả khảo sát cho thấy, về cơ bản, các DN có mức tiếp cận thấp ở tất cả các khía cạnh về chiến lược và cơ cấu tổ chức, vận hành thông minh, nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh, dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu và người lao động.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng đây là kết quả khảo sát của Bộ Công Thương đã thực hiện ở thời điểm hơn 2 năm trước. Qua làm việc với các DN của Bộ Công Thương thời gian qua, chúng tôi cũng thấy rằng, DN đang rất quan tâm và bắt đầu có những bước đi, kế hoạch để hiện thực hóa. Tôi tin rằng, tại thời điểm này, các DN đã nhìn nhận được những cơ hội cũng như những lợi ích mà cuộc CMCN 4.0 có thể mang lại. Để tận dụng được, hay nói cách khác là để trở thành một nhà máy thông minh, một DN số sẽ cần một hành trình dài với quyết tâm của DN cũng như vai trò đòn bẩy, hỗ trợ từ phía nhà nước.

Phát triển nhà máy số chính là tâm điểm của cuộc CMCN 4.0 và đây cũng là định hướng ưu tiên lớn của ngành Công Thương. Xin ông chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ cụ thể của Bộ giúp DN chuyển đổi số thành công?

Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 vào trong hoạt động sản xuất của DN, hỗ trợ DN phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã dành nhiều nguồn lực và tập trung triển khai nội dung này. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về sản xuất thông minh trong các lĩnh vực: Cơ khí, nhựa, điện tử, bia, logistics. Các nội dung đó đã được chúng tôi triển khai lồng ghép trong các chương trình khoa học - công nghệ cấp Bộ Công Thương và cấp quốc gia cùng với sự tham gia của các DN. Chúng tôi hy vọng kết quả triển khai những mô hình sẽ được đánh giá, nhân rộng cho các DN trong ngành.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ, kết nối DN trong nước với các DN có thế mạnh trong phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã hợp tác cùng Tập đoàn Siemens của Đức để hỗ trợ điểm một số DN thực hiện việc đánh giá mức độ sẵn sàng trong phát triển nhà máy thông minh; từng bước hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch và lộ trình để thực hiện chuyển đổi số.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030. Thiết kế nội dung của đề án sẽ tập trung cụ thể hóa những hoạt động hỗ trợ cũng như việc xây dựng năng lực, hình thành hệ sinh thái phục vụ phát triển sản xuất thông minh cho các DN ngành Công Thương.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-bay-giup-doanh-nghiep-tiep-can-cong-nghe-40-151169.html