Đòn bẩy đúng lúc

Dự kiến ngay từ tháng 3 này, hàng loạt giải pháp ưu tiên hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ đến được với các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Dự kiến ngay từ tháng 3 này, hàng loạt giải pháp ưu tiên hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ đến được với các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Trong đó, có gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa khoảng 30 nghìn tỷ đồng, theo tinh thần của Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Hai tháng đầu năm nay, cả nước có 16.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019. Số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục phá sản và hoàn thành thủ tục phá sản tuy giảm so với cùng kỳ, nhưng tính gộp cả ba hình thức rời bỏ thị trường này thì tổng số DN ngừng hoạt động trong hai tháng qua đã lên đến 28.400 DN, không quá cách biệt so với con số 29.400 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong cùng thời gian. Ở góc độ phát triển có thể thấy rằng, sự phá sản của DN phần nào phản ánh quá trình chuyển dịch cơ cấu tự nhiên và năng động của DN Việt Nam. Với đặc thù hơn 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ, ngay khi gia nhập thị trường cho kết quả không như kỳ vọng, nhà đầu tư sẽ làm thủ tục phá sản, chuyển sang thành lập DN mới hoặc tạm đóng cửa. Trong mọi nền kinh tế thị trường luôn có một tỷ lệ DN thành lập mới và DN bị phá sản; việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế. Bên cạnh đó, trong số DN phá sản có một số lượng DN nhất định từ lâu đã không còn hoạt động, đến nay mới bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu.

Điểm đáng lưu ý là, hai tháng đầu năm chưa phản ánh đầy đủ tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến tình hình “sức khỏe” của cộng đồng DN, do độ trễ của công tác thống kê. Những con số gây sốc có thể sẽ xuất hiện trong hoạt động đăng ký kinh doanh từ tháng sau, khi những DN chịu tác động trực tiếp không còn khả năng chống đỡ. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ bảy năm trở lại đây; khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu nhất so với cùng kỳ bốn năm, khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch như ngồi trên đống lửa. DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng khó khăn chồng chất, do nguồn nguyên liệu đầu vào dự trữ không đáp ứng đủ trong vòng hai tháng tới; đầu ra cũng khó khăn do thị trường xuất khẩu đóng lại theo mạch đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo năm 2020, số lượng DN thành lập mới sẽ có xu hướng giảm ở hầu hết các lĩnh vực (15/17 ngành) so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực được dự báo giảm mạnh nhất là nghệ thuật, vui chơi giải trí; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô-tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống, kéo theo sụt giảm mạnh về lao động. Trong vòng xoáy đó, DN nhỏ và vừa cùng với hợp tác xã sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Phản ứng nhanh của Chính phủ về các giải pháp kinh tế được ví như liều “thuốc tăng lực” giúp DN nâng cao sức chống chịu, hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020. Bên cạnh các giải pháp cấp bách như đã đề ra tại Chỉ thị số 11, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), phục vụ DN một cách hiệu quả, thực chất hơn nữa. Theo các chuyên gia, giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện MTKD cũng phải được thực hiện khẩn trương, quyết liệt như chống dịch để giảm chi phí cho DN, giúp cộng đồng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này. Không những thế, việc tăng tốc cải thiện MTKD, thực hiện được mục tiêu vào tốp 4 nền kinh tế có MTKD và năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN như đã đề ra tại Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn có tác dụng thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp để cộng đồng DN Việt Nam đông hơn về số lượng và mạnh hơn về chất lượng. Đây là yếu tố tiên quyết để gia tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43531002-don-bay-dung-luc.html