Đòn bẩy cho logistics nông sản châu thổ Cửu Long

Tọa đàm 'Đòn bẩy cho logistics nông sản đồng bằng công Cửu Long (ĐBSCL)' vừa diễn ra tại Hậu Giang, lần đầu tiên mô hình logistics 'Một điểm đến đa dịch vụ' dành riêng cho nông sản xuất khẩu được đưa ra.

Các diễn giả đánh giá mô hình này là giải pháp tối ưu, toàn diện nhất từ trước đến nay về logistics, để nông sản ĐBSCL phát triển bứt phá; giải quyết triệt để thực trạng “giải cứu nông sản” nhức nhối nhiều năm qua; đồng thời giúp nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh với nông sản các nước, đặc biệt là Thái Lan.

Châu thổ Cửu Long là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của châu thổ này đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Chưa kể, tình trạng một số cảng trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua các cảng ở ĐBSCL.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua các cảng ở ĐBSCL.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu, ĐBSCL rất thiếu các trung tâm logistics trọng điểm. Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm, và phải đưa lên TP Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi, trong khi hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển. Những điểm hạn chế này dẫn đến thực trạng nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics. Chi phí logistics hiện tại đang chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý, cụ thể là lên đến 30% giá thành sản phẩm, khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc…

Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Hạnh Nguyễn Logistics (chủ đầu tư trung tâm logistics “Một điểm đến đa dịch vụ”), cho biết trung tâm này giải quyết được tất cả các khó khăn của 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và nhà nhập khẩu.

Riêng với nhà nông, trung tâm sẽ là nơi quy tụ hằng trăm thương nhân để bà con nông dân giao dịch, chào bán nông sản. Đặc biệt, có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như tập quán bao đời nay. Điều này giúp bà con không còn gặp áp lực về thời gian chốt giá, thoải mái tìm đầu ra cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận công bằng so với công sức, tiền của đã đầu tư, đồng thời không còn lâm cảnh “giải cứu nông sản” như thường thấy.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, đánh giá, ở Đông Nam Á, chỉ có 2 quốc gia ký EVFTA với EU là Singapore và Việt Nam. Hiệp định này đã giúp chúng ta có được lợi thế đáng kể trong cuộc chạy đua với Thái Lan, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

“Việc ra đời những trung tâm logistics kịp thời như Hạnh Nguyên Logistics tại Hậu Giang là vô cùng quan trọng, giúp hàng hóa nông sản Việt Nam có tính cạnh tranh hơn, nâng tầm chất lượng hơn trên thị trường khó tính như châu Âu. Chúng ta cần nhiều trung tâm logistics lớn như vậy nữa để phát triển bứt phá”, ông Lam chia sẻ.

Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại quốc tế đã, đang mở ra cơ hội gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước nói chung, châu thổ Cửu Long nói riêng. Phát huy lợi thế, phát triển đa dạng về nông nghiệp, thủy sản và du lịch, những năm qua, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các vùng lân cận. Đồng thời, đã có nhiều mô hình liên kết ra đời, như: Liên kết nông dân với nông dân thông qua tổ hợp tác, HTX; liên kết nông dân với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Thực hiện liên kết xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; liên kết trong nghiên cứu, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm... Điều này khiến nhu cầu về dịch vụ logistics ngày càng tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng và chủng loại dịch vụ. Cùng với đó, kinh tế vùng ĐBSCL cũng phát triển với tốc độ ổn định, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan về cơ cấu lại nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh thực hiện cơ chế liên kết vùng, gắn với triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây chính là những điều kiện thuận lợi quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp logistics ở ĐBSCL phát triển.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, để cải thiện chuỗi logistics tại ÐBSCL cần phát triển các trung tâm đầu mối - nơi hàng hóa được thu gom, chế biến, tạo giá trị gia tăng và sau đó vận chuyển đến thị trường. Trong điều kiện ÐBSCL, các trung tâm đầu mối nên được kết nối tốt với mạng lưới đường bộ và đường thủy. Cần có đường cao tốc để cải thiện kết nối, tăng khả năng tiếp cận và giảm thời gian vận chuyển...

Theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ÐBSCL sẽ có 2 trung tâm hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động. Ðây là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông và phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho vùng. Xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics tại ÐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu là rất cần thiết, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn. Các trung tâm logistics hoạt động tốt sẽ giảm thiểu chi phí đầu vào nhằm tăng giá trị hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực của vùng ÐBSCL.

Đức Văn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/don-bay-cho-logistics-nong-san-chau-tho-cuu-long-638042/