Đòn bẩy cao, nhà đầu tư lưu ý gì khi mua chứng quyền có đảm bảo?

Chứng quyền có bảo đảm (CW) được xem là sản phẩm 'hot' nhất trong năm nay sẽ chính thức giao dịch vào ngày 28/6.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm được HOSE chính thức nghiên cứu từ năm 2012 và đến nay CW đã sẵn sàng cho việc giao dịch trên HOSE.

Đây là sản phẩm chứng khoán phổ biến, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư tại nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới. Với đặc điểm là tỷ lệ đòn bẩy cao, chi phí đầu tư thấp, giao dịch và thanh toán dễ dàng chứng quyền thu hút nhà đầu tư cá nhân.

Theo CTCK BIDV, CW hiện phát triển nhanh tại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan. Sản phẩm này thích hợp với các thị trường có số lượng đông đảo nhà đầu tư cá nhân, giao dịch ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn và có nhu cầu sử dụng đòn bẩy cao.

Điển hình nhất là trên thị trường chứng khoán Đài Loan, CW đã được triển khai lần đầu tiên từ 9/7/2003. Đến năm 2018, tổng giá trị giao dịch của CW đạt 22,6 tỷ USD tăng 22% so với cùng kỳ và sử dụng 199 mã cổ phiếu.

Với nhiều ưu điểm, CW kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam.

Chứng quyền sẽ được vận hành như thế nào?

Theo hướng dẫn của HOSE, một mã chứng quyền khi giao dịch sẽ có phải có những yêu cầu bao gồm loại quyền, mã chứng khoán cơ sở, năm phát hành, thứ tự đợt phát hành.

Các chứng quyền hiện tại đều là chứng quyền mua, kiểu Châu Âu - chỉ thực hiện tại ngày đáo hạn CW. CW được thanh toán bằng tiền mặt là khoản chênh lệch giữa Giá Thanh toán và Giá thực hiện.

Với mỗi chứng khoán cơ sở sẽ tương ứng với một số lượng chứng quyền nhất định, được gọi là tỷ lệ chuyển đổi.

Theo quy định, cổ phiếu cơ sở của CW phải đáp ứng các điều kiện là:

• Thuộc rổ VN30, HNX30. Giá trị vốn hóa không thấp hơn 5.000 tỷ

• Tổng khối lượng giao dịch tối thiểu là 25% freefloat bình quân hoặc GTGD tối thiểu 50 tỷ (trong 6 tháng gần nhất)

• Tỷ lệ freefloat từ 20% trở lên

• Thời gian niêm yết từ 06 tháng

• Có lãi và không có lỗ lũy kế

• Không bị cảnh báo, tạm ngừng giao dịch, hủy niêm yết

Trong khi đó, điều kiện với tổ chức phát hành là:

• Vốn điều lệ và chủ sở hữu cao hơn 1.000 tỷ đồng

• Không có lỗ lũy kế

• Được cấp phép đủ các nghiệp vụ kinh doanh.

• Không bị cảnh báo, tạm ngừng, đình chỉ hoạt động hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản

• BCTC kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ

Cùng với đó, công ty chứng khoán phải ký quỹ 50% tổng giá trị CW phát hành, thực hiện phòng ngừa rủi ro và phát hành CW theo tỷ lệ an toàn tài chính.

Hiện HOSE đã công bố danh sách 26 mã đáp ứng các điều kiện để trở thành chứng khoán cơ sở cho CW.

Danh sách các CTCK tham gia bán chứng quyền trong lần đầu ra mắt.

Trong đợt cấp phép phát hành lần đầu, UBCKNN đã cấp giấy chứng nhận chào bán cho 7 tổ chức phát hành với 10 mã chứng quyền có kỳ hạn từ 3 tháng đến 6 tháng, mức giá của mỗi chứng quyền giao động trong mức thấp nhất là 1.200 đồng và mức giá cao nhất là 2.990 đồng.

Ngay sau khi kết thúc thời gian chào bán, các tổ chức phát hành sẽ thực hiện các thủ tục lưu ký chứng quyền tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và niêm yết để giao dịch trên HOSE. Dự kiến ngày giao dịch đầu tiên của các chứng quyền là ngày 28/6/2019.

Hoạt động tạo lập thị trường CW.

Trong quá trình giao dịch, công ty chứng khoán sẽ được tham gia tạo lập thị trường: khi không có lệnh mua/bán, yết giá chào mua/bán trong biên bộ 5%.

Nếu xuất hiện các sự kiện như trả cổ tức, chia tách cổ phiếu, giá CW sẽ không đổi mà thay vào đó là giá thực hiện và tỷ lệ chuyển đổi được điều chỉnh. Dưới đây là ví dụ về trường hợp một cổ phiếu trả cổ tức bằng tiền mặt 2.000 đồng/cổ phiếu.

Rủi ro và những điều cần lưu ý

Với đặc tính đòn bẩy cao, chứng quyền cũng được xem là "con dao hai lưỡi" với nhà đầu tư. Trong ví dụ dưới đây, nếu vào ngày đáo hạn, giá chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện thì nhà đầu tư mất trắng khoản đánh cược vào CW.

Theo tính toán của HOSE, CW là một sản phẩm có tính đòn bẩy rất cao, gấp 10 lần so với cổ phiếu. Khi giá chứng khoán cơ sở thay đổi sẽ tác động làm giá CW thay đổi rất mạnh.

Trong ví dụ minh họa trên cho thấy khi giá cổ phiếu thay đổi ở mức 7%, thì giá CW thay đổi trong mức 70% (gấp 10 lần).

So với vòng đời của cổ phiếu có thể xem là vô thời hạn (phụ thuộc vào tình hình công ty), vòng đời của CW chỉ từ 3 - 24 tháng. Giá trị CW có thể bị sụt giảm khi CW càng gần đến ngày đáo hạn.

Ngày giao dịch cuối cùng của CW là 02 ngày trước ngày đáo hạn.

Giá thanh toán khi thực hiện quyền là bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu cơ sở trong 05 ngày giao dịch trước ngày đáo hạn.

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt lưu ý đến sự khác biệt về thuế nếu bán CW vào ngày giao dịch cuối cùng so với việc không bán và thực hiện quyền.

Trong ví dụ trên, nếu giữ chứng quyền qua ngày giao dịch cuối cùng, sẽ xuất hiện chênh lệch tiền thuế là 6.650 đồng. Tại thị trường Thái Lan, điều này đã dẫn đến thông lệ gần 100% CW sẽ được chốt lời vào ngày giao dịch cuối cùng. Do đó, nhà đầu tư Việt Nam sẽ cần phải lưu ý các mốc thời gian giao dịch của chứng quyền.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/don-bay-cao-nha-dau-tu-luu-y-gi-khi-mua-chung-quyen-co-dam-bao-3510866.html