Đòn 'ăn miếng trả miếng' leo thang, công ty Mỹ tại Trung Quốc nên 'thắt dây an toàn'

Không chỉ ở phía Trung Quốc, giờ đây chính các doanh nghiệp và tập đoàn thương mại của Mỹ cũng lo ngại về hậu quả của cuộc xung đột thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thép Trung Quốc là mặt hàng bị Mỹ tăng thuế nhập khẩu

Thép Trung Quốc là mặt hàng bị Mỹ tăng thuế nhập khẩu

Chỉ một ngày sau quyết định hôm 15-6-2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 25% với một loạt các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD, Bắc Kinh đã tung đòn đáp trả. Ủy ban thuế quan Trung Quốc cho biết sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ tổng trị giá 50 tỷ USD. 545 mặt hàng nông sản, cá và phương tiện giao thông từ Mỹ với giá trị 34 tỷ USD sẽ được áp dụng mức thuế quan mới ngay từ ngày 6-7, trong khi thời gian áp thuế bổ sung đối với 114 mặt hàng còn lại sẽ được thông báo sau.

Tác động ngay lập tức xuất hiện. Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã bắt đầu đánh giá những thiệt hại từ các biện pháp thuế của Trung Quốc. Với 12,8% trong tổng doanh thu năm 2017 là từ Trung Quốc, Boeing được xem là một trong những công ty đa quốc gia Mỹ dễ bị tổn thương nhất trước một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tập đoàn lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp Cargill cùng Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ (AAFA) thì kêu gọi Washington và Bắc Kinh đối thoại để các doanh nghiệp và người tiêu dùng không bị ảnh hưởng.

Nếu tính riêng trong lĩnh vực thương mại, trong cuộc đối đầu này, Trung Quốc không có nhiều thế mạnh. Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trị giá 505 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 130 tỷ USD từ Mỹ sang Trung Quốc. Điều này có nghĩa Chính phủ Mỹ vẫn còn có rất nhiều sự lựa chọn để áp thuế nhập khẩu thêm đối với hàng hóa Trung Quốc. Còn Trung Quốc, nếu Bắc Kinh cũng đáp trả theo cách như vậy thì sẽ đến lúc không còn đủ hàng hóa Mỹ để Trung Quốc đánh thuế.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Larry Hu của Ngân hàng Macquarie (Australia), Bắc Kinh không thiếu các con bài khác để trả đũa ngoài hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, giáo dục, nơi Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn so với Trung Quốc. Theo ngân hàng đầu tư Nomora (Nhật Bản), hơn 50% mức thặng dư thương mại 39 tỷ USD trong ngành dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đến từ chi tiêu của du khách Trung Quốc đến thăm Mỹ và du học sinh Trung Quốc đang theo học ở các trường ở Mỹ.

Trung Quốc cũng có thể áp dụng chiêu thức đáp trả khác như đã sử dụng với Hàn Quốc, đó là gây khó khăn hơn cho hoạt động kinh doanh của các công ty lớn Mỹ tại thị trường Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là thị trường khổng lồ đối với các thương hiệu hàng đầu của Mỹ như Apple, Starbucks… Bắc Kinh có thể gây khó khăn cho các công ty Mỹ bằng các cớ như cáo buộc vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm… để đóng cửa một phần các hoạt động kinh doanh của họ.

Còn một “vũ khí” khác mà các chuyên gia kinh tế ví như “vũ khí hạt nhân kinh tế” mà Bắc Kinh có thể sử dụng để trừng phạt Mỹ là khối lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ khổng lồ với trị giá 1.170 tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ. Nếu Trung Quốc mua trái phiếu Mỹ ít hơn hoặc bán trái phiếu Mỹ, Chính phủ Mỹ phải tìm các nhà đầu tư khác để thay thế. Điều này có thể khiến lãi suất cơ bản của đồng USD và lãi suất trái phiếu Mỹ tăng lên, khiến chi phí trả lãi cho khoản nợ quốc gia khổng lồ của Mỹ cũng tăng theo.

Chính vì thế, nhiều người cho rằng nếu sự ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng leo thang, các công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc nên “thắt dây an toàn” để chuẩn bị cho một chặng đường gập ghềnh trong thời gian tới. Lời cảnh báo này càng có tính cấp thiết bởi ông Donald Trump dự tính tiếp tục đánh thuế với 100 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/don-an-mieng-tra-mieng-leo-thang-cong-ty-my-tai-trung-quoc-nen-that-day-an-toan/771770.antd