Đối xử công bằng với nghi phạm trong các giai đoạn tố tụng

Việc thực thi Công ước chống tra tấn được thể hiện rất rõ trong các quy định pháp luật của Việt Nam. Và một cách cụ thể nhất chính là những biện pháp để đảm bảo đối xử công bằng đối với người tình nghi phạm tội trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội (Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, Điều 9 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015). Theo đó, người bị tình nghi thực hiện hành vi có tính chất tra tấn được hưởng những quyền giống như những người bị tình nghi thực hiện các hành vi phạm tội khác.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp người bị tình nghi phạm tội trong các giai đoạn tố tụng cũng như bảo đảm mọi hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đã dành một chương với 30 Điều quy định các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã có một chương riêng với 27 Điều quy định các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13): người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự năm quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (các Điều 16, 71): người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.

Thực hiện đúng các quy định của pháp luật, CQĐT trong CAND đã tiếp nhận, xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa trong giai đoạn điều tra, cụ thể là: năm 2012, cấp 3.795 giấy chứng nhận bào chữa; năm 2013, cấp 7.508 giấy chứng nhận bào chữa; năm 2014, cấp 8.752 giấy chứng nhận bào chữa; năm 2015, cấp 9.280 giấy chứng nhận bào chữa.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà CQĐT, VKS và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án (Điều 64). Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định cụ thể về nguồn chứng cứ gồm: vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác (Điều 64). Đồng thời, quy định cụ thể về thu thập chứng cứ (Điều 65).

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 kế thừa quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về chứng cứ và bổ sung các nguồn thu thập, xác định chứng cứ gồm: dữ liệu điện tử; kết luận định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, truy tố, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác. Đồng thời, bổ sung quy định những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự năm quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự (Điều 87). Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã mở rộng diện chủ thể có thể đưa ra chứng cứ. Theo đó, những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án (khoản 3 Điều 88).

Trong tất cả các giai đoạn tố tụng, mọi chứng cứ đều phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực. Do đó, nếu thông tin, tài liệu được thu thập không đúng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì sẽ không có giá trị chứng minh trong quá trình tố tụng. Những người tiến hành tố tụng phải xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm.

Như vậy, có thể thấy khi truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ tội phạm nào thì việc thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong các giai đoạn tố tụng đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không có sự phân biệt về tính chất, mức độ của nghiêm trọng của tội phạm hay người phạm tội. Nếu việc thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ không đáp ứng được các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự sẽ không được sử dụng trong bất kì giai đoạn tố tụng nào.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doi-xu-cong-bang-voi-nghi-pham-trong-cac-giai-doan-to-tung-195166.html