Đời vua Thái Tổ, Thái Tông nào? (Truy tìm xuất xứ mấy câu ca dao)

Ca dao xưa là sản phẩm tinh thần của nhân dân ta. Nó phản ánh đời sống tâm hồn và trí tuệ của người lao động, thường là của tầng lớp bình dân. Đặc trưng nổi bật của ca dao là tính truyền miệng và cũng thường có những dị bản (bản khác nhau). Vậy nên, xác định nguồn gốc xuất xứ của từng câu ca dao là một công việc rất khó khăn. Chính vì lẽ ấy mà một số nhà sưu tầm nghiên cứu ca dao xưa, đôi khi cũng có những sai sót, thậm chí là cả những sai lầm nghiêm trọng, khiến người đọc đời sau cũng theo đó mà hiểu không đúng về nội dung và hoàn cảnh ra đời của một số câu ca dao quen thuộc. Một số nhà nghiên cứu lười biếng, cũng mắc căn bệnh 'ăn theo nói leo', cứ thế mà chép theo, nói theo.Thật là đáng tiếc. Chúng tôi xin dẫn một vài ví dụ sau đây, để chứng minh điều đó !

Một góc thành nhà Mạc ở Lạng Sơn. Ảnh do tác giả cung cấp.

Một góc thành nhà Mạc ở Lạng Sơn. Ảnh do tác giả cung cấp.

1.“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,Con bế con dắt, con bồng con mang”2.”Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”…

Riêng câu thứ 2, cũng có bản chép:

“Đời vua Thái Tổ Thái TôngLúa chín đầy đồng, trâu chẳng thèm ăn”

Lâu nay, khi viết về giai đoạn Hậu Lê (1428-1527), người ta cho rằng hai câu ca dao trên đây nội dung ca ngợi các triều vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và vua Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long) ở thời Lê Sơ. Sách CA DAO TỤC NGỮ VIỆT NAM cũng có chú thích rằng mấy câu ca dao ở trên là nói về các vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và vua Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long).

Tuy nhiên, tôi cho rằng đấy chẳng qua cũng chỉ là một sự ngộ nhận chưa đủ chứng lý, hoàn toàn không sát với thực tế lịch sử. Theo thiển ý của chúng tôi, nội dung hai câu ca dao trên đây là nói về các triều vua Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) và vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), bởi những lý do sau đây:

1.Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược ở Lam Sơn (Thanh Hóa) khoảng năm 1418. Trước đó, nhân dân ta đã phải sống dưới ách đô hộ của giặc Minh vô cùng tàn bạo. Chúng tàn sát dân ta, vơ vét, cướp bóc, đốt phá sạch, đằng đẵng hàng hai chục năm trời, khiến kinh tế nước ta kiệt quệ, dân ta vô cùng điêu đứng lầm than. Chúng “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”(Nguyễn Trãi). Hơn thế nữa, chúng còn chủ trương tiêu diệt nền văn hóa của ta. Cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi kéo dài hàng chục năm và kết thúc thắng lợi vào năm 1427. Năm 1428, Lê Lợi (1385-1433) lên làm vua (Lê Thái Tổ), xây dựng nhà nước phong kiến quân chủ chuyên chế.

Tác giả Vũ Bình Lục đi thực tế vùng Tây Bắc.

Ở thời vua Lê Thái Tổ trị vì, đất nước ta vừa trải qua chiến tranh tàn khốc, lâu dài, tất nhiên việc khôi phục nền kinh tế suy kiệt như vậy, không thể một sớm một chiều mà xong được, chưa nói là phục hưng đất nước điêu tàn sau nhiều năm chiến tranh. Thêm nữa, nền chính trị nước ta thời Lê Thái Tổ vẫn chưa được hoàn toàn ổn định. Một số thủ lĩnh các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, trước đó đã thần phục nhà Minh, đến khi giặc Minh bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi nước Đại Việt, họ vẫn chưa chịu phục tùng chính quyền trung ương. Lê Lợi phải sai con trưởng Tư Tề đi đánh dẹp. Năm 1432, chính Lê Lợi đã phải trực tiếp cầm quân đi đánh dẹp thủ lĩnh người Thái ở châu Ninh Viễn (Lai Châu) là Đèo Cát Hãn. Cuộc hành binh ở vùng rừng núi xa xôi vô cùng gian khổ, dẫu có thắng lợi, nhưng phí tổn đương nhiên không phải là ít. Trong khi đó, ở triều đình, bọn gian thần tiểu nhân bất tài xu thời nổi lên như ong, thao túng chính sự, làm xã tắc nghiêng ngả. Lê Lợi đã nghe theo bọn xiểm nịnh, đồng thời cũng muốn thu vén quyền lợi cho dòng họ mình, đã ra tay giết hại các đại công thần khai quốc như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn…Nguyễn Trãi cũng bị bắt giam, sau đó lại may mắn được tha, rồi từ đó thất sủng. Trong tình hình ấy, cuộc truy sát còn kéo dài khiến trăm họ bất an, làm sao có thể yên ổn làm ăn được? Làm sao có thể thúc đẩy nền kinh tế đến thịnh vượng được? Sáu năm ngồi trên ngai vàng, Lê Thái Tổ chỉ có khả năng cũng cố được quyền lực, chứ chưa có thành tựu đáng kể về kinh tế.

Lê Lợi (Thái Tổ) mất (1433), năm ấy ông mới 49 tuổi. Con trưởng Tư Tề đã sớm bị gạt khỏi ngôi Thái tử, có thể nguyên nhân chủ yếu do Tư Tề là học trò của Nguyễn Trãi. Lê Nguyên Long (Thái Tông) lên làm vua khi ấy mới 11 tuổi. Mọi quyền bính đều nằm trong tay một số vị công thần xuất thân võ tướng, không biết chữ, nay trở thành quyền thần, lộng thần như Lê Vấn, Lê Sát v.v…Đến tuổi trưởng thành, Lê Thái Tông bắt đầu thâu tóm quyền lực, giết Lê Sát, Lê Ngân và nhiều kẻ gian thần, lộng thần khác. Ông muốn cùng Nguyễn Trãi thực hiện kế sách phục hưng đất nước, nhưng lại bị “nhóm lợi ích”, đứng đầu là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh và bọn hoạn quan thao túng quyền lực, bày mưu mô tàn độc, giết hại cả ba họ đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi. Cuộc truy sát còn kéo dài cả mấy năm sau, khiến nhiều gia đình ly tán, khiến đất nước đau thương không dứt. Vua Lê Thái Tông (1423-1442) cũng chết trong vụ âm mưu thâm độc này, vào tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), tại Lệ Chi Viên, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Ở thời vua Lê Thái Tông, vẫn còn diễn ra nhiều cuộc hành binh đánh dẹp các cuộc xâm lấn của Chiêm Thành, đồng thời chống lại các cuộc nổi loạn của một số thủ lĩnh chưa chịu quy phục nhà Lê, cho nên việc cung cấp quân lương cho quân đội, tốn phí không thể nói là ít. Sự nghiệp của vua Lê Thái Tông chủ yếu còn ở mức chuẩn bị cho một chiến lược phục hưng, chứ chưa thể tạo ra một xã hội thịnh vượng như ở thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497) sau này.

Nhà sử học Trần Huy Liệu viết rằng, Nguyễn Trãi đã phải chết oan ức vì cái triều đại “Ngu xuẩn và hèn hạ nhất do chính ông dựng lên”. Thế nên, hai câu ca dao trên đây, theo ý tôi là không phải được dân gian sáng tác để ca ngợi các triều vua Lê Thái Tổ và vua Lê Thái Tông !

2.Triều Mạc (1527-1592) thay thế triều Hậu Lê đã suy tàn, như một sự tất yếu khách quan của lịch sử. Sau 66 năm tồn tại, Nhà Mạc phải đương đầu với thế lực phục Lê mới nổi lên từ Thanh Hóa. Chiến tranh giành giật đất đai với lực lượng lấy danh nghĩa phù Lê của Nguyễn Kim, sau đó là của Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim). Đó chính là giai đoạn nhà Lê trung hưng, quyền bính thuộc về chúa Trịnh, vua Lê chỉ là hư danh, chỉ tồn tại như một biểu tượng mà thôi. Thêm nữa, anh em Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên (Chúa Bầu) cát cứ ở phía Tây đất nước, trung tâm là tỉnh Yên Bái ngày nay, chống đối họ Mạc quyết liệt, sau lại theo về với nhà Lê trung hưng. Trong khi đó, nhà Minh vẫn chờ thời cơ đục nước béo cò. Một lúc phải đối phó với ba thế lực mạnh cả trong lẫn ngoài, nhà Mạc ở vào thế bất lợi về chính trị và quân sự. Năm 1592, Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) đánh bại quân Mạc. Nhà Mạc theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chạy lên miền núi phía Bắc tiếp tục chiến đấu. Triều Mạc vẫn còn tồn tại, kéo dài đến khoảng năm 1677 mới chính thức kết thúc. Con cháu họ Mạc phần nhiều đổi sang nhiều họ khác, trà trộn trong dân gian, hoặc nương náu ở vùng biên cương phía Bắc và vùng Nghệ Tĩnh nhiều núi non sông suối…

Sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, gọi tắt là TOÀN THƯ là bộ chính sử nước ta (trùng tên, tiếp nối với bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ do nhóm Ngô Sĩ Liên biên soạn ở thời vua Lê Thánh Tông) viết dưới thời Lê-Trịnh, hầu hết đều chép về nhà Mạc như một triều đại tiếm quyền, gọi là “Ngụy Mạc”, “Nhuận Mạc”. Và cũng chỉ được chép phụ vào kỷ nhà Lê trung hưng. Các cuốn sách như ĐẠI VIỆT THÔNG SỬ của Lê Quý Đôn, LỊCH TRIÊU HIẾN CHƯƠNG LOẠI CHÍ của Phan Huy Chú, KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC của Quốc sử quán triều Nguyễn, khi viết về nhà Mạc, cũng chỉ thấy các sách ấy dùng những ngôn từ không mấy thiện cảm. Điều này cũng không mấy khó hiểu, bởi các sử gia Lê - Trịnh, hoặc các sử gia nhà Nguyễn đương nhiên là những người “ăn cây nào rào cây ấy”. Tuy nhiên đọc kỹ, chúng ta cũng sẽ thấy các bộ sử nói trên, dù có thể không muốn, nhưng cũng phải ghi nhận những đóng góp hiển nhiên, rất tốt đẹp cho lịch sử phát triển dân tộc của nhà Mạc.

Đặc biệt, cuốn VIỆT NAM SỬ LƯỢC của ông Trần Trọng Kim khi viết về Mạc Đăng Dung còn dùng những lời lẽ bất nhã, thóa mạ vô lối. Lý do là vì Trần Trọng Kim không thể hiểu được thực chất của việc ông cháu Mạc Đăng Dung tự trói mình, lên tận biên giới đầu hàng nhà Minh như thế nào. Nhà sử học có thời kỳ làm Thủ tướng chính phủ bù nhìn tay sai thân Nhật này chỉ dựa vào các cuốn sử của các triều Lê-Trịnh và nhà Nguyễn để phán xét mà thôi. Thực ra Mạc Đăng Dung “dâng đất” cho nhà Minh, nhưng đất ấy đều là đất không thuộc quyền sở hữu của nước ta lúc đó. Mấy cái động Tê Phù, La Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng….mà Mạc Đăng Dung “dâng” cho nhà Minh, cũng tương tự như thế. Riêng mình chịu nhục, tự trói tay trá hàng để giữ cho đất nước tránh khỏi một cuộc xâm lăng tàn bạo có thể diễn ra của giặc phương Bắc, trong tình thế vô cùng ngặt nghèo lúc bấy giờ của Mạc Đăng Dung, phải được người đời sau suy ngẫm cho thấu tình đạt lý. Không nên chỉ nhìn vào hiện tượng bề ngoài mà phán xét hồ đồ được !

Trước sau, họ Mạc không hề rước voi về dày mả tổ. Đó là điều chắc chắn. Chính vua Lê Trang Tông, con cháu nhà Lê trung hưng mới là kẻ sai người mang vàng bạc châu báu sang đút lót nhà Minh, mời quân Minh vào dày xéo nước ta, chứ không phải nhà Mạc. Lợi dụng lời mời này, nhà Minh mới có cớ sai các tướng Cửu Loan, Mao Bá Ôn đem đại quân đến biên giới nước ta “hỏi tội” vua Mạc. Họa xâm lăng đang ở nhãn tiền, lại thêm hai lực lượng đối lập trong nước lăm le chọc dao găm phía sau lưng, làm thế nào để chống được ngoại bang, đồng thời phải đối phó với nhà Lê trung hưng ở Thanh Hóa và tập đoàn Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên ở phía Tây, đó là một câu hỏi vô cùng hắc búa cho Mạc Đăng Dung. Giả đầu hàng, tạm thời chịu nhục với lịch sử, để không cho giặc ngoại xâm có cớ đem quân vào nước mình, thử hỏi trong tình thế ấy, các vị hậu bối tính sao? Danh tướng, Tề Vương, Hoài Âm Hầu Hàn Tín thời Chiến quốc bên Tàu, khi gặp cơn bĩ cực, còn phải chịu cúi đầu chui qua háng kẻ thù, để được tồn tại rồi sau đó vươn lên thực hiện ước mơ lớn. Chịu cái nhục nhỏ, để đất nước tránh được cuộc chiến tranh xâm lược, đó là một nghĩa cử phải được tôn vinh. Thêm nữa, Mạc Đăng Dung đã là Thượng hoàng, quyền điều hành đất nước còn ở cả trong tay con cháu của ông ở phía sau. Vạn nhất, giặc Minh có tiến sang, nhà Mạc vẫn sẵn sàng cho một cuộc chiến không cân sức. Các vị đời sau có hiểu được kế sách chiến lược của cha con Mạc Đăng Dung như thế nào không?

Hãy xem, sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (tục biên) viết ở thời Lê-Trịnh còn chép câu nói của Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn dặn vua Mạc Kính Cung trước khi ông mất: “Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế! Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ tranh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ thì hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào nước ta, để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng” !

Hầu hết những cuốn sử trước đó đều viết bằng chữ Hán. Cuốn ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA được viết bằng chữ Nôm, ít giá trị, Chỉ riêng cuốn VIỆT NAM SỬ LƯỢC của Trần Trọng Kim được viết bằng chữ Quốc ngữ, nên tính phổ cập của nó rất cao, lại còn được trích đưa vào sách giáo khoa bộ môn lịch sử, nên ảnh hưởng của nó trong dân chúng nhiều thế hệ khá nặng nề. Chính vì vậy, việc hiểu đúng về nhà Mạc, chiêu tuyết cho Mạc Thái Tổ Đăng Dung, quả là một công việc rất khó khăn.3.Tuy vậy, “hữu xạ tự nhiên hương”, nhà Mạc trong thời gian đầu ở thời Mạc Thái Tổ (Đăng Dung) và Mạc Thái Tông (Đăng Doanh) đã có những chính sách rất tiến bộ, do vậy đã tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước lúc bấy giờ.

Trước hết, phải kể đến CHÍNH SÁCH MỞ CỬA, xóa bỏ việc ngăn sông cấm chợ, khuyến khích giao thương, mở rộng ngoại thương. Chợ búa và việc buôn bán được tự do. Nông nghiệp, tiểu thương và đồng thời là nghề thủ công rất phát triển. Gốm sứ Chu Đậu ở Nam Sách, tỉnh Hải Dương là sản phẩm mỹ nghệ tuyệt kỹ, chẳng những được dùng rộng rãi trong nước, mà còn được xuất khẩu đi tới vài chục nước trên thế giới, được một số bảo tàng lớn ở châu Âu lưu giữ như những báu vật của nhân loại. Khách buôn nước ngoài cũng được khuyến khích vào giao thương với nước ta. Văn hóa, giáo dục đều phát triển rực rỡ. Các kiến trúc văn hóa như đình chùa được xây dựng khang trang, điêu khắc chạm trổ hoa văn vô cùng tinh xảo. Khoa cử chọn ra người tài ở thời nhà Mạc rất đáng được ghi nhận. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ra thi ở thời Mạc Thái Tông (Đăng Doanh) và đỗ Trạng nguyên, khi ông đã 45 tuổi, chứ ông không ra thi và làm quan cho nhà Lê trung hưng. Dù không ưa nhà Mạc, nhưng sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (tục biên) cũng không thể bỏ qua những thành tựu mọi mặt của xã hội nước ta thời nhà Mạc. TOÀN THƯ viết:

“Họ Mạc ra lệnh cấm người các xứ trong ngoài cầm giáo mác và dao nhọn. Ai vi phạm thì cho phép ty (lực lượng bảo vệ pháp luật - VBL) bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc của nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên” !

Một xã hội tốt đẹp như vậy, do sự lãnh đạo của nhà Mạc, thử hỏi trong lịch sử nước ta, có triều đại phong kiến nào đạt được như vậy hay không? Chẳng phải đấy là hình ảnh của xã hội thời Nghiêu Thuấn trong truyền thuyết bên Tàu hay sao? Giả sử không có sự trỗi dậy tranh giành quyền lợi cá nhân của nhà Lê - Trịnh, gây chiến tranh chống lại nhà Mạc, làm cho đất nước phải sống trong cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, đất nước ta sẽ phát triển thịnh vượng như thế nào! Điều này phải vài trăm năm sau, Nhật Hoàng Minh Trị mới làm được ở nước Nhật, để nước Nhật trở thành một cường quốc. Việc xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, mở rộng công thương, giao thương, phát triển nông nghiệp, an sinh xã hội, đẩy mạnh ngoại thương, thậm chí, theo thiển nghĩ của tôi, còn đi trước cả thời kỳ bao cấp, ngăn sông cấm chợ ở nước ta mới đây, những bốn trăm năm. Một thời đại huy hoàng như thế do nhà Mạc tạo dựng lên, chẳng phải là một kỳ tích vĩ đại hay sao ? Chỉ có điều đáng tiếc là đến đời cháu chắt nhà Mạc, như vua Mạc Mậu Hợp, cũng chẳng khác gì cháu chắt của vua Lê Thánh Tông, chỉ biết hưởng lộc cha ông, đắm chìm trong váy lĩnh quần hồng, tha hóa, rồi chết yểu, khiến đất nước suy yếu…Việc các quan chép sử ở triều Lê - Trịnh và Nguyễn có những thiên kiến sai lệch, cục bộ về triều nhà Mạc, âu cũng là điều dễ hiểu. Ngày nay, chúng ta có thêm những cứ liệu mới, cùng với tư duy và phương pháp luận nghiên cứu lịch sử khoa học, nên có cái nhìn rộng rãi công bằng hơn, đủ để chứng minh vai trò to lớn của nhà Mạc, đặc biệt là ở triều Thái Tổ và Thái Tông trong lịch sử phát triển của dân tộc. Dưới hai triều vua Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, đất nước phồn vinh thịnh vượng, an sinh xã hội đạt đến mức lý tưởng như thế, hoàn toàn phù hợp với nội dung hai câu ca dao trên.

Trước đây, đi tìm xuất xứ câu ca dao “Con cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non / Nàng về nuôi cái cùng con / Để cho anh chẩy nước non Cao bằng”, chúng tôi cũng cho rằng câu ca dao này được ra đời trong thời kỳ nhà Mạc mất quyền lãnh đạo, phải rút lui lên vùng núi Cao Bằng xây dựng thành lũy tiếp tục chiến đấu. Cảnh người vợ tiễn chồng là binh lính theo nhà Mạc lên vùng núi biên cương phía bắc và cuộc chia tay đầy nước mắt của họ, còn day dứt mãi trong tâm khảm những người hôm nay, trong lời ru trẻ thơ ngân lên cùng tiếng guốc võng mài mòn bóng trăng đêm, thật não nùng khôn xiết !

Hai câu ca dao “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông / Con bế con dắt, con bồng con mang” và “Đời vua Thái Tổ Thái Tông / Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn” thể hiện sự ngợi ca của nhân dân đối với nhà Mạc ở giai đoạn đầu, cực thịnh. Còn câu ca dao “Con cò lặn lội bờ sông ? Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non / Nàng về nuôi cái cùng con / Để cho anh chẩy nước non Cao Bằng” được dân gian sáng tác ở thời kỳ nhà Mạc thua trận, phải bồng bế nhau rút lên miền núi Cao Bằng, thuộc biên giới Việt –Trung vậy !

V.B.L

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/doi-vua-thai-to-thai-tong-nao-truy-tim-xuat-xu-may-cau-ca-dao-80287