Đói vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải tìm tới 'tín dụng đen'

Các chuyên gia chỉ ra rằng, những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn 'tín dụng đen.

Hơn nửa số doanh nghiệp không thể nộp thuế

Phát biểu tại Diễn đàn chuyên đề Vốn – Tài chính diễn ra sáng nay (21/8), một vấn đề băn khoăn được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến là sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay.

Phó Thủ tướng dẫn số liệu thống kê cho biết, tính đến 31/12/2016, có đến 53% hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận. Con số 47% doanh nghiệp có lợi nhuận và nộp thuế dù đã là bước tiến rất lớn nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, một nền kinh tế mà có đến 53% doanh nghiệp không thể nộp thuế cho thấy hoạt động kinh doanh lại thiếu khả quan.

"Phải chăng do tình trạng vốn mỏng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính cao cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu nhà nước còn hạn chế", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, chúng ta cần xem tình trạng cơ cấu của thị trường mất cân đối chỗ nào - giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn. Trong hoạt động tín dụng mất cân đối giữa tỷ trọng với các dịch vụ gia tăng, như phi ngân hàng, nhiều tổ chức tín dụng chủ yếu là dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng.

Một vấn đề nữa được Phó Thủ tướng nói đến là vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển.

Doanh nghiệp phải tìm tới tín dụng đen

Điều phối tại phiên thảo luận về Tái cấu trúc thị trường Vốn - Tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp lớn và có quy mô trung bình.

Tuy nhiên, theo ông Thành, những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn "tín dụng đen.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt cho hay, từng tham gia cấu trúc nhiều doanh nghiệp, ông nhận thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được chia thành 3 loại, trong đó, phần lớn là những thanh niên, kỹ sư đi lên từ đam mê, mong muốn khởi nghiệp.

"Nhóm doanh nghiệp này không biết gì về vốn trong khi việc tiếp cận ngân hàng, gặp nhiều khó khăn. Vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen", ông Hùng nói.

Ông cũng chi ra rằng, tín dụng đen hiện rất dễ tiếp cận khi chỉ cần tìm kiếm cụm từ 'cho vay vốn' trên internet sẽ ra khoảng 20 triệu kết quả.

"Thị trường có nhiều loại hình cho vay, nhưng chi phí sử dụng tương đối cao. Có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen", ông Hùng thông tin.

"Tín dụng đen" không hẳn là xấu

Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý với tín dụng đen, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho rằng, "đen" ở đây không hoàn toàn là xấu, vì ở góc độ nào đó nó cũng góp phần tạo điều kiện cho người vay tiền. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả.

"Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta phải thể chế hóa, chính thức hóa những tín dụng đen như thế nào, cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này. Cùng với đó là công tác truyền thông, giáo dục người dân trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng đen, trong khi đó, nhà nước, cần có biện pháp quản lý thị trường này hiệu quả", ông Warrick Cleine nói.

Ông Warrick Cleine cũng cho rằng, các ngân hàng cần có thủ tục gọn nhẹ để người dân tiếp cận khoản vay một cách hiệu quả.

"Ví dụ, một người nông dân muốn vay để mua một con bò cần tín chấp như thế nào, điều này cũng hoàn toàn khác với khoản vay của các doanh nghiệp. Do đó, chúng ra cần có cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào khoản vay, quy mô và đối tượng", ông Warrick Cleine nói.

Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng quỹ tín dụng đen không phải xấu. Thậm chí với thế giới, tín dụng đen đã tồn tại từ rất lâu dưới dạng cũng hoạt động như ngân hàng nhưng không được công nhận. Vì vậy, chúng ta đang đứng trước thực tiễn do cung cầu mà hình thức này tồn tại.

"Có hai cách tiếp cận với tình trạng này, đó là làm sao hợp thức hóa được, cơ quan thuế cần có bằng chứng ở mức độ hợp lý, như ở nhiều nước, họ phải tính toán một tỷ lệ nào đó phù hợp. Thứ hai là chúng ta phải nghiên cứu sử dụng dịch vụ về thuế, đơn cử thuế tư nhân... để giải trình hợp lý", ông nói.

LÂM AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doi-von-doanh-nghiep-nho-va-vua-buoc-phai-tim-toi-tin-dung-den-3465672.html