Đôi vợ chồng nỗ lực vượt qua khó khăn sau hoàn lương để trở thành triệu phú

Vợ chồng ông Lường Văn Tiếng và bà Lò Thị Phương, người dân tộc Thái là một trong những tỷ phú nông dân ở bản Sài Lương (xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Để trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi như hiện nay, hai vợ chồng đã phải nỗ lực vượt qua sai lầm buôn ma túy trong quá khứ.

Vì khó khăn nên buôn ma túy

Dáng người nhanh nhẹn, làn da rám nắng, giọng nói chân chất là đặc điểm nhận dạng của cặp vợ chồng của ông Tiếng. Năm 1986, hai vợ chồng Lường Văn Tiếng và bà Lò Thị Phương phải lòng nhau rồi nên duyên vợ chồng ở xóm nghèo Sài Lương.

Sau đám cưới, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn thông qua việc làm rẫy, khai hoang. Khi 4 đứa con ra đời, áp lực về tiền bạc đè nặng lên đôi vai của hai vợ chồng vì làm rẫy bị mất mùa, làm gì cũng không nên. Khi đó, cuộc sống khó khăn tiền kiếm được khó hơn trong khi các con đến tuổi ăn học, chi phí lo cho sinh hoạt gia đình tăng lên.

Vợ chồng ông Tiếng khi đã trở thành nông dân sản xuất giỏi sau khi hoàn lương

Vợ chồng ông Tiếng khi đã trở thành nông dân sản xuất giỏi sau khi hoàn lương

Những áp lực cơm áo gạo tiền đã khiến hai vợ chồng tìm mọi cách để có thể kiếm tiền nhanh nhất. Do đó, hai người đã buôn bán chất ma túy trái phép nhằm trang trải cuộc sống. Thế nhưng họ ngày càng lún sâu vào việc buôn má túy, hoàn cảnh gia đình thêm khó khăn và bị xóm làng xa lánh.

Sau đó, hai vợ chồng bị công an bắt với bản án 2 năm tù giam vì tội buôn bán chất ma túy trái phép. Vào tù, những đứa con của hai vợ chồng ở nhà phải tự bươn chải cuộc sống. Họ bắt đầu cảm thấy có lỗi về việc làm sai trái của mình. Do đó, hai vợ chồng ông Tiếng cố gắng cải tạo để mau chóng hoàn lương, phục thiện.

Trở về làm nông, chăm lo làm ăn

Sau khi ra từ với quyết tâm hoàn lương, hai vợ chồng ông Lường Văn Tiếng đã bắt đầu làm lại cuộc đời với công việc làm rẫy.

Với kinh nghiệm làm nông từ trước, hai vợ chồng xây dựng trang trại tại tỉnh lộ 110. Trên mảnh đất rộng gần 1ha của gia đình trước đây, vợ chồng cải tạo làm trang trại, tiến hành trồng lúa, nuôi vịt nhờ việc vay mượn vốn của người thân.

Việc trồng bí đao đã giúp hai vợ chồng thoát nghèo, trở thành nông dân làm kinh tế giỏi

Tuy nhiên công việc làm nông cũng không hề dễ dàng. Sau 4 năm nuôi vịt kinh tế gia đình vẫn không ổn định. Vợ chồng ông quyết định bỏ vịt sang trồng rau màu như cải bắp, su hào, súp lơ, cà chua. Điệp khúc được mùa mất giá liên tiếp xảy đến, thưa vắng thương lái, người mua nhỏ giọt, khó khăn chồng chất khó khăn hệt như những năm trước khi hai người rơi vào vòng lao lý.

Không bỏ cuộc, vợ chồng ông Tiếng chuyển sang nuôi bò nhờ trợ cấp bò của Nhà nước. Đến nay, nhà ông đã có 5 con bò. Vợ chồng ông Tiếng cũng thực hiện cải tạo lại cái ao nuôi cá với diện tích hơn 1.200m2 giúp thu nhập ổn định nhờ việc mua bán cá thuận lợi.

Thời điểm biến vợ chồng thành tỷ phú nông dân là khi trồng bí đao. Năm 2018, vợ chồng ông kết nối được với một số công ty trồng bí đao, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, vợ chồng ông bỏ công chăm bón. Vụ đầu tiên trúng lớn, khi bí tiêu thụ hết, lãi hơn trăm triệu đồng trả đủ nợ và có số dư sau bao nhiêu năm làm lụng vất vả,

Vậy là cả một đời làm nông cực nhọc, bèo bọt, họ cũng đã thành công và trở thành một tấm gương về làm kinh tế giỏi nhờ siêng năng, chịu khó vươn lên trong lao động sản xuất. Đến nay, kinh tế gia đình vợ chồng ông Tiếng đã ổn định. Hai vợ chồng vẫn tiếp tục nỗ lực sản xuất, chăm lo làm ăn để dần vơi đi vết nhơ buôn bán cái chết trắng đã từng sai lầm trong quá khứ.

Hữu Long

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/qua-khu-buon-cai-chet-trang-cua-doi-vo-chong-trieu-phu-5138/