Đổi vỏ chai nhựa lấy vé xe buýt: 'Luồng gió mới' trong hoạt động xử lý rác thải

Một nghiên cứu do các chuyên gia Mỹ và Australia công bố cuối năm 2017 cho thấy, Trung Quốc và Indonesia là hai quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Hai quốc gia này chiếm 1/3 tổng lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương.

Vấn nạn rác thải nhựa

Chất thải nhựa đang là một vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống toàn cầu. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút có đến một triệu chai nhựa được tiêu thụ và mỗi năm có đến 5.000 túi nhựa dùng một lần được sử dụng.

Tài liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, mỗi năm khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương. Lượng rác thải khổng lồ này đã gây tổn thương đến hệ sinh thái biển và đe dọa sự sống của các loài sinh vật biển. Từ đó, rác thải nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người.

Năm ngoái, Indonesia thải 8,8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương, chỉ đứng sau Mỹ. Tháng 12/2017, hòn đảo Bali xinh đẹp của Indonesia đã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp về chất thải” khi bờ biển của hòn đảo này tràn ngập rác. Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp tương tự cũng được nhiều thành phố khác của Indonesia đưa ra.

Cư dân thành phố Surabaya đang đổi vỏ chai, lọ nhựa lấy vé xe buýt. Ảnh: Straitstimes.

Tầm quan trọng của việc cắt giảm chất thải nhựa là ưu tiên hàng đầu trong việc quản lý chất thải nói chung của nhiều quốc gia. Do đó, Chính phủ Indonesia đã đề ra những chính sách cụ thể. Một quyết sách quan trọng đã được Chính phủ Indonesia ban hành nhằm đẩy nhanh quá trình tái chế rác thải thành năng lượng, mang đến một luồng gió mới cho sự phát triển của hoạt động xử lý rác thải ở nước này. Chính phủ Indonesia cũng cam kết dành 1 tỷ USD mỗi năm để giảm 70% lượng rác thải nhựa ra biển trước năm 2025.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, để giải quyết triệt để lượng rác nhựa cần phải thay đổi mãnh mẽ nhận thức và hành động của mỗi cá nhân.

Sáng kiến nhân văn

Mới đây, Surabaya – thành phố lớn thứ hai ở Indonesia đã khởi xướng ý tưởng mới, vừa khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng vừa giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường. Cụ thể mỗi người dân có thể lên xe buýt có màu đỏ trong thành phố và bỏ vỏ chai, lọ nhựa vào những thùng đặt ngay trên xe hoặc nộp ngay ở điểm tập kết đặt tại bến. Theo sáng kiến mới này, vé xe buýt dài hai tiếng sẽ được đổi tối đa bằng 10 chiếc cốc hoặc 5 vỏ chai bằng nhựa tùy theo kích cỡ.

Với chương trình này, chính quyền thành phố hy vọng, Surabaya sẽ đạt mục tiêu không còn rác thải nhựa vào năm 2020.

“Vỏ chai, lọ nhưa chồng chất trong khu phố nơi tôi ở. Vì vậy, tôi mang chúng đến đây, không chỉ góp phần làm môi trường trong sạch hơn mà còn giúp giảm bớt khối lượng công việc của những công nhân thu gom rác”, cô Linda Rahmawat, một cư dân sống tại Surabaya rất ủng hộ ý tưởng mới này.

Công nhân đang phân loại chai nhựa theo kích cỡ. Ảnh: Straitstimes.

Theo Reuters, Surabaya là thành phố Indonesia đầu tiên thực hiện chương trình này. Tại Surabaya, có khoảng 400 tấn rác hàng ngày là chất thải nhựa. Trung bình mỗi ngày, một chiếc xe buýt có thể thu gom tới 250kg vỏ chai nhựa, tổng cộng khoảng 7,5 tấn mỗi tháng. Sau khi thu gom, công nhân sẽ tháo nhãn và nắp chai trước khi chúng được bán cho các công ty tái chế. Số tiền thu được sẽ dành để hỗ trợ cho hệ thống xe buýt và phát triển không gian xanh trong thành phố.

Người phụ trách vấn đề giao thông của thành phố Surabaya, ông Irvan Wahyu Drajad cho biết: “Indonesia là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Vì vậy, thông qua sáng kiến này, chúng tôi hy vọng nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa”.

Chung tay đẩy lùi rác thải nhựa

Không chỉ riêng Indonesia, thời gian gần đây, nhiều quốc gia cũng nhận thức tầm quan trọng của việc cắt giảm rác thải nhựa trong mục tiêu chung bảo vệ môi trường toàn cầu. Từ năm 2014, Chính phủ Thái Lan đã đưa vấn đề xử lý rác thải trở thành ưu tiên của chương trình nghị sự với các chính sách giảm sử dụng túi nilon, chai lọ nhựa tại các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp; đưa ra lệnh cấm đồ nhựa tại các điểm du lịch. Với mục tiêu tái chế 60% rác thải nhựa vào năm 2021, Chính phủ nước này cũng xem xét đánh thuế đối với túi nhựa.

Tại Philippines, dù vẫn chưa có lệnh cấm sử dụng túi nilon trên toàn quốc song chính quyền một số địa phương đã bắt đầu kiểm soát việc sử dụng túi nhựa. Một số trung tâm thương mại cũng đã thay thế túi nilon bằng túi giấy, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng các loại túi có thể tái sử dụng.

Còn tại Nhật Bản lại có những quy định hết sức nghiêm ngặt về phân loại rác thải để tối đa hóa việc tái sử dụng và tái chế rác thải. Theo Viện quản lý rác thải nhựa, trên 1/5 lượng rác thải nhựa đã được tái chế tại quốc gia này và phần lớn số còn lại được tái sử dụng như nguyên liệu đốt hoặc tổng hợp điện năng... Khoảng 10% rác thải được xử lý theo hình thức thiêu hủy và chưa đến 10% lượng rác thải nhựa được chôn vùi.

Hay như trong đầu năm nay, Chính phủ Anh đã đưa ra một đề án mới nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại quốc gia này. Mỗi người dân tại xứ sở sương mù sẽ phải trả một khoản tiền đặt cọc khi mua chai lọ nhựa và chỉ được nhận lại khi hoàn trả chai đã sử dụng. Với đề án này, Chính phủ Anh hy vọng sẽ đạt được những kết quả như đã từng áp dụng với túi nilon cách đây 3 năm. Cụ thể, từ năm 2015, khoản phí cho một chiếc túi nilon tại nước này là gần 5 bảng Anh. Chính sách được thực hiện nghiêm túc ở hầu hết các cửa hàng đã giúp Anh cắt giảm được gần 9 tỷ túi nilon.

Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đứng đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra biển. Trong vài năm gần đây, nhiều chương trình nhằm cắt giảm lượng rác thải nhựa cũng như nâng cao nhận thức của người dân đã được triển khai tại nước ta. Ví như, Liên minh Hạ Long - Cát Bà đã tổ chức ba đợt dọn dẹp ven biển quy mô lớn với hơn 300 tình nguyện viên, thu gom gần 4 tấn rác nhựa dọc 4km bờ biển.

Trong tháng 6 vừa qua, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) phối hợp với Vườn quốc gia Bái Tử Long và Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh đã tổ chức chương trình sáng tác các tác phẩm nghệ thuật từ rác thải nhựa và xốp trên biển. Chương trình đã thu hút rất nhiều nhóm tác giả tham dự. Thông qua nghệ thuật, các tác giả mong muốn người dân, du khách nâng cao nhận thức về ô nhiễm từ rác thải nhựa trên biển và đưa ra những giải pháp bền vững cho vấn đề này ở Việt Nam.

Ngọc Ly

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/doi-vo-chai-nhua-lay-ve-xe-buyt-luong-gio-moi-trong-hoat-dong-xu-ly-rac-thai-d2058283.html