Đời văn rộng dài cùng đất nước

Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) tên thật là Nguyễn Sen. Ông được xem là một nhà văn lớn, một 'người khổng lồ' của nền văn học Việt Nam hiện đại với gần 200 tác phẩm đủ các thể loại.

Bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi, từ rất sớm, các sáng tác của Tô Hoài được sự đón nhận của công chúng. Sự nghiệp văn học của ông kéo dài qua các giai đoạn, gắn với sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20.

Sự nghiệp cầm bút rực rỡ mà ông có, ngoài tài năng thiên bẩm, sự rèn luyện ngòi bút không ngơi nghỉ, còn chịu ảnh hưởng bởi những biến động dữ dội của thời cuộc. Ông may mắn vừa kế thừa được những thành tựu của những người khai phá, vừa là nhân vật góp phần tạo nên một chặng đường mới của văn học.

Khi Tô Hoài chưa viết văn, Hoàng Ngọc Phách đã viết tiểu thuyết Tố Tâm, Nguyễn Công Hoan đã cho in nhiều truyện ngắn trào phúng và kịch của Vũ Đình Long đã được công diễn khắp nơi, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Trước đó, bằng những nỗ lực không mệt mỏi của những trí thức cấp tiến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của dân tộc. Từ tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887, đến Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách là cả một chặng đường dài với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, của văn học nước nhà.

Năm 1937, khi Tô Hoài bắt đầu có những bài viết đầu tiên in trên các báo: Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy thì dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam đã bước sang thời kỳ thứ hai (1936-1939), và đến khi Dế mèn phiêu lưu ký-tác phẩm ghi dấu tên tuổi của ông ở chặng đầu sự nghiệp-ra đời vào năm 1941 thì dòng văn học này đã tiến vào thời kỳ phát triển cao nhất (1940-1945). Có thể nói rằng, giai đoạn đầu sự nghiệp cầm bút của Tô Hoài là giai đoạn mà những mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam thời kỳ 1930-1945 đã đến đỉnh điểm. Chính vì vậy, những tác phẩm ông viết vào giai đoạn này: Dế mèn phiêu lưu ký (1941), Giăng thề (1941), O chuột (1942), Quê người (1942), Nhà nghèo (1944), Cỏ dại (1944) hoặc là tràn đầy niềm tin vào tương lai cách mạng, vào thế giới đại đồng, hoặc là hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường. Cho đến những năm cuối đời, các trang viết của ông vẫn chung thủy với những vẻ đẹp nhọc nhằn của nhân dân lao động, vẻ đẹp của Hà Nội từ những góc khuất bình dị nhất.

Khuynh hướng sáng tác của Tô Hoài thời kỳ đầu biểu hiện sự phân hóa của văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1940-1945. Khi mà một số nhà văn hiện thực phê phán chọn lựa tấn công chế độ thực dân một cách gián tiếp bằng việc “trình bày những cảnh khốn nạn của nhà giàu và những cảnh khốn cùng của xã hội nhà nghèo” (nhận xét của Nguyễn Công Hoan) thì Tô Hoài cùng với các nhà văn khác như Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân... tỏ rõ sự ảnh hưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam (1943). Họ, tuy không trực tiếp bóc trần những mâu thuẫn giai cấp trong xã hội và cổ vũ cho tinh thần đấu tranh của quần chúng như thời kỳ Mặt trận Dân chủ, nhưng vẫn thể hiện một thái độ không thỏa hiệp với những bất công, đồng thời phản ánh được không khí ngột ngạt, bí bách, đòi hỏi phải có sự đổi thay. Những sáng tác của Tô Hoài thể hiện một kiểu chủ nghĩa nhân đạo mang màu sắc giai cấp, tính chiến đấu và tinh thần lạc quan cách mạng. Nhiều câu văn của ông trong Xóm giếng ngày xưa bộc lộ sự mong mỏi về ngày mai tươi sáng của đất nước: “Tuổi trẻ chúng ta bây giờ đi đâu? Cất bước trong buổi sớm mai, nhằm cái phía chân trời mới đỏ thắm màu hy vọng, những người thanh niên bốn phương của đất nước”, hay: “Tôi hướng về những đốm nhà tranh nắng trong núi, nghĩ đến một phương trời nào rộng rãi, tự do. Tự do như núi cao. Tự do như sông dài...”.

Giai đoạn văn học kháng chiến chống thực dân Pháp, khi mà văn học phải hướng đến đông đảo quần chúng theo khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa-Văn hóa hóa kháng chiến”, không ít nhà văn hiện thực phê phán băn khoăn với câu hỏi: “Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào?” hoặc băn khoăn nghi ngại liệu rằng đem nghệ thuật phục vụ chính trị thì có phải là nghệ thuật không? Riêng Tô Hoài đã nhanh chóng có những tác phẩm thực sự giá trị: Núi cứu quốc (1948), Xuống làng (1950), Truyện Tây Bắc (1953). Tập Truyện Tây Bắc đã đoạt giải nhất tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956. Nhiều tác phẩm mà ông sáng tác trong giai đoạn này đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1, năm 1996.

Giai đoạn văn học kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giai đoạn mà thơ ca và âm nhạc được xem là một binh chủng đặc biệt nhằm đánh thức lòng yêu nước, tình cảm Nam-Bắc một nhà, Tô Hoài cũng để lại dấu ấn với các tác phẩm: Mười năm (1957), Vỡ tỉnh (1962), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (1971), Người ven thành (1972). Trong đó, tiểu thuyết Miền Tây đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1970. Ngoài ra, giai đoạn này, ông cũng bắt đầu viết về công việc sáng tác của mình (Một số kinh nghiệm viết văn của tôi-1959, Người bạn đọc ấy-1963). Những chia sẻ về nghề văn của Tô Hoài, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị với những người chọn công việc viết lách làm nghề nghiệp.

Sau năm 1975, giữa bức tranh văn học Việt Nam phong phú, đa dạng với nhiều bè phối tương đối phức tạp, được tạo nên bởi nhiều thế hệ cầm bút có quan điểm nghệ thuật rất khác, thậm chí đối lập, trái ngược nhau, Tô Hoài vẫn giữ được phong độ sáng tác của một cây bút lão luyện. Các tác phẩm của ông giai đoạn này như: Những ngõ phố, người đường phố (1980), Quê nhà (1981), Hoa hồng vàng song cửa (1981)... thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước tiếp tục được độc giả yêu mến.

Từ năm 1986, cột mốc đánh dấu thời kỳ đổi mới của văn học Việt Nam, Tô Hoài vẫn viết nhiều, viết khỏe với đủ thể loại từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi cho đến cả các bài báo ngắn... Giai đoạn này, ông trăn trở và chiêm nghiệm nhiều hơn về những vẻ đẹp của phong tục đang dần mất đi, về những nhôm nhoam của phố phường trong thời kỳ phát triển "nóng" về kinh tế. Và đâu đó, có cả những xót xa về quá khứ với những vết thương đau đớn mà đất nước phải trải qua. Có thể nói rằng, vốn sống phong phú của ông giúp cho tác phẩm của ông luôn mới và hấp dẫn, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào.

Tô Hoài được nhớ đến như một nhà văn của thiếu nhi, của thiên nhiên Tây Bắc, của phong tục Việt Nam và của phố phường Hà Nội. Ở mảng đề tài nào ông cũng tạo lập được một giá trị riêng, không thể nhòe lẫn. Đặc biệt, Hà Nội trong tác phẩm của Tô Hoài là một Hà Nội bình dị của sinh hoạt đời thường qua cuộc sống của tầng lớp trung lưu và người nghèo khổ. Những con người, những phong tục trong trang viết của ông chân thực, không tô vẽ nhưng thấm đẫm tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Ngòi bút của Tô Hoài, dù tả vật, tả cảnh hay tả người đều vừa xác thực, vừa cởi mở, lấp lánh nhiều màu sắc. Có lẽ bởi văn là người mà Tô Hoài, như nhiều người đã từng gặp ông nhận xét: Khó mà tách bạch ra được chỗ nào là nhà văn, chỗ nào là nhà báo, nhà quản lý.

Một đời cần cù đi, chiêm nghiệm và viết, ông được các cây bút đương thời đánh giá là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Tạ thế ở tuổi 94, khép lại một hành trình gần một thế kỷ, với 70 năm cầm bút, Tô Hoài đã gắn cuộc đời mình với sự phát triển của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Tiến sĩ TẠ ANH THƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/doi-van-rong-dai-cung-dat-nuoc-636212