Đội tuyển Philippines - 'đứa con ghẻ' đi tìm sự thừa nhận

Ở một quốc gia mà bóng rổ vẫn còn là môn thể thao thống trị, việc đội tuyển Philippines lọt vào bán kết AFF Cup 2018 nhuốm màu sắc kỳ lạ.

"Thế ra Philippines gặp Việt Nam? Vậy đội nào thắng? Khi nào trận đấu diễn ra?”, anh David, một anh chàng nổi tiếng trên mạng xã hội ở Philippines, thản nhiên thốt lên trong lúc dự sự kiện võ thuật One FC tại nước này. Thời điểm câu chuyện diễn ra, đội tuyển Philippines chuẩn bị bước vào cuộc chạm trán Indonesia diễn ra ngày 25/11.

Rồi khi ghé lại một khách sạn nổi tiếng ở thủ đô Manila, người viết mở đầu câu chuyện với nhân viên khuân vác hành lý: “Anh có thích bóng đá không?”. “Không. Tôi thích bóng rổ hơn”, anh chàng điển trai nở nụ cười đáp lời, rồi nhanh tay dỡ đồ cho khách.

Làm thế nào người dân quốc gia đang vươn mình mạnh mẽ ở sân chơi bóng đá hàng đầu Đông Nam Á, được dẫn dắt bởi HLV nổi tiếng Sven-Göran Eriksson, lại thờ ơ như vậy? Vòng quanh khu "City of Dreams", nơi có những khách sạn và khu mua sắm lớn, người ta chẳng thấy không khí bóng đá tồn tại.

24 giờ sau, đội tuyển Philippines với trận hòa 0-0 trước Indonesia chính thức vào bán kết, và sẽ chạm trán đối thủ sừng sỏ Việt Nam. Nhưng ngay cả khi vượt qua bảng đấu tử thần, nơi có Thái Lan, Indonesia và Singapore, bóng đá ở Philippines vẫn như đứa con không được thừa nhận.

Theo anh David, bóng đá không hề được yêu ở Philippines. Tại trường học, bóng rổ trở thành một trong những môn thể thao chính. Khi có đội tuyển quốc gia thi đấu, đài truyền hình Philippines mới trực tiếp và chỉ phát đúng trên một kênh. Chính phủ cũng không đầu tư nhiều vào bóng đá.

Ở Philippines, bóng đá như "đứa con ghẻ". Vậy mà 8 năm trước, "Azkal" lại tạo ra cơn địa chấn trong làng bóng đá Đông Nam Á. Mọi thứ bắt đầu vào ngày 5/12.

Philippines sẽ tái ngộ Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2018. Đó là trận đấu sẽ mang nhiều cảm xúc, đặc biệt với các cổ động viên yêu bóng đá Philippines. Trận thắng 2-0 trước Việt Nam trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào năm 2010 đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nền bóng đá Philippines.

Đoàn quân của HLV Simon McMenemy khi đó bị đánh giá thấp hơn rất nhiều so với thầy trò Henrique Calisto, nhà đương kim vô địch giải đấu. Song, chiến thắng ngay trên đất thủ đô Việt Nam của đội tuyển Philippines khiến cả Đông Nam Á chấn động.

Trong một bài tâm sự dài trên trang Rappler với nhan đề: "Hãy nhớ Philippines luôn là một quốc gia bóng đá", cây viết JM Siasat hồi tưởng lại sự ghẻ lạnh mà bản thân mình cùng nhiều người bạn từng dành cho môn thể thao được thế giới gọi là vua.

"Năm 17 tuổi, nếu ai đó bước vào lớp học 30 người của tôi và hỏi: 'David Beckham là ai?', sẽ chỉ có 2 người trả lời được. Tôi là một trong số 28 người còn lại, những người có khi chẳng biết Beckham chơi bóng đá", Siasat viết.

Ở hòn đảo Đông Nam Á này, những đứa trẻ được sinh ra cùng sự cuồng nhiệt bố mẹ chúng dành cho bóng rổ. Bóng đá bị phần lớn hờ hững và chỉ là những trải nghiệm thoáng qua.

Với JM Siasat, mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào mùa đông năm 2010. Chỉ tới trận thắng lịch sử ở Mỹ Đình, bóng đá ở Philippines mới thật sự bước ra ánh sáng. Câu chuyện về chàng David quật ngã gã khổng lồ Goliath (khi đó là Việt Nam) khiến dân Philippines trỗi dậy tinh thần dân tộc, sự tự hào mạnh mẽ.

Như Simon McMenemy, người góp công lớn tạo ra chiến thắng lịch sử cho bóng đá Philippines 8 năm trước, mô tả: "Hạ Việt Nam ngay ở Mỹ Đình đã làm thay đổi cả nền bóng đá Philippines. Tôi sẽ nhớ mãi khoảnh khắc ấy đến cuối đời". Sau này, đội tuyển Philippines có thêm 4 lần vào bán kết AFF Cup.

Và như hệ quả tất yếu, bóng đá được chú ý. Bắt đầu bằng những đoạn video bóng đá trên mạng, nhiều cổ động viên trẻ tuổi nhận ra sự hấp dẫn và cuồng nhiệt của môn thể thao vua. Khi tinh thần dân tộc được hòa quyện, người Philippines nhận ra rằng họ cũng quan tâm bóng đá.

Hãy công bằng, trước khi những sân bóng rổ tràn ngập khắp đất nước, hay Manny Pacquiao khiến quyền Anh trở thành môn thể thao được chú ý, Philippines có một lịch sử bóng đá không tầm thường.

Liên đoàn Bóng đá Philippines thậm chí được thành lập từ năm 1907. Trong tư cách một thuộc địa của người Tây Ban Nha, bóng đá chính là môn thể thao số một khi ấy. Những năm tháng đó, Philippines đánh bại Trung Quốc để vô địch giải đấu đầu tiên của bóng đá châu Á (Far Eastern Games). Năm 1917, họ thậm chí còn đánh bại Nhật Bản... 15-2.

Paulino Alcantara, một cầu thủ sinh ra ở thành phố Iloilo (Tây Philippines), ghi 369 bàn sau 357 trận và giữ kỷ lục ghi bàn của CLB Barcelona trong 87 năm.

Khi người Mỹ thế chân Tây Ban Nha trong những cuộc chuyển giao chính trị, bóng đá bị phớt lờ bởi chính quyền, và hiển nhiên bóng rổ trở thành vua cho tới nay.

Suốt thời gian đó, đội tuyển bóng đá Philippines như kẻ lót đường của khu vực. Mọi chuyện chỉ khác đi vào mùa đông năm 2010. HLV Simon McMenemy, chứng nhân lịch sử của chiến thắng 2-0 trước Việt Nam, sau này vẫn còn bồi hồi nhớ lại cột mốc lịch sử ấy.

Nhưng vị HLV sinh ra tại Scotland không phải người đặt nhiều dấu ấn nhất trong hành trình lột xác của "The Azkals", biệt danh của đội tuyển quốc gia Philippines.

Nhắc tới sự chuyển mình của bóng đá Philippines, phải nhắc đến HLV Thomas Dooley. Trong 4 năm nắm đội tuyển, HLV người Đức đưa Philippines từ một nền bóng đá hạng bét ở ASEAN, lên vị trí 111 trên bảng xếp hạng FIFA vào tháng 5/2018, vị trí cao nhất trong lịch sử nền bóng đá nước này.

Khi Thomas Dooley đến, bóng đá Philippines từng hai lần lọt vào bán kết AFF Cup (2010, 2012). Tất cả nhờ dấu ấn mạnh mẽ của các HLV và cầu thủ đến từ châu Âu.

Họ có Martin Steuble 37 lần khoác áo đội tuyển quốc gia nhưng gần như cả sự nghiệp toàn học và chơi bóng ở châu Âu, hay Patrick Reichelt từng chơi bóng ở Bundesliga, Alvaro Silva có thời gian chơi cho Malaga, rồi Daisuke Sato đang chơi ở giải vô địch quốc gia Romania .

Trong một bài phân tích về nền bóng đá Philippines, trang Fox Sports Asia nhận định: "Sự có mặt của những đứa con trở về từ ngoại quốc là nguyên nhân lớn dẫn đến thành công của bóng đá Philippines. Các cầu thủ này sinh ra và lớn lên ở những quốc gia coi bóng đá là môn thể thao vua, và khi trở về quê hương, họ đã làm thay đổi nhiều thứ".

Bóng đá Philippines giờ nỗ lực đi tìm sự thừa nhận. Sự thừa nhận rằng những thành công hiện tại của họ không phải là ăn may. Sự thừa nhận rằng Philippines cũng là "một quốc gia bóng đá", như lời cây viết JM Siasat.

Nhiều cầu thủ địa phương, những người sinh ra và lớn lên trong nước đã bắt đầu chú ý đến bóng đá. Những CLB đã bắt đầu nghĩ cho kế hoạch 10 hay 15 năm trong việc phát triển đào tạo trẻ.

Dù vậy, bóng rổ vẫn đang thống trị tại Philippines. Hồi tháng 4, những nhà tổ chức của NBA - giải bóng rổ nhà nghề Mỹ - đã mở văn phòng đại diện thứ 4 ở Philippines, kỷ lục tại một quốc gia Đông Nam Á.

Cedelf Tupas, một nhà báo thể thao nổi tiếng của tờ Inquirer tâm sự: "Sau tất cả, nền bóng đá Philippines cần một danh hiệu. Điều đó có thể thay đổi mọi thứ."

Đó có lẽ là lý do HLV nổi tiếng Sven-Goran Eriksson được bổ nhiệm vào tháng 10/2018 với mức lương kỷ lục 80.000 USD/tháng. Một vụ bổ nhiệm có thể phản ánh phần nào sự chuyển biến mạnh mẽ trong tình yêu bóng đá của người Philippines, và tham vọng của họ.

Không phải ngẫu nhiên mà trước giải, những người làm bóng đá ở Philippines đã coi việc “không lọt vào tới chung kết AFF Cup 2018 là một nỗi thất vọng”.

Sau rất nhiều năm sống dưới cái bóng của nhiều môn thể thao, bóng đá Phillippines cần một cú hích. Chức vô địch AFF Cup có thể là một cú hích như thế.

Đồng ý rằng, đường tới chức vô địch AFF Cup với đội tuyển Philippines vẫn còn dài, nhưng mỗi chiến thắng lúc này như thêm những thanh gỗ góp phần giúp đống lửa bùng cháy dữ dội hơn, cựu HLV Dooley từng nói.

Còn theo thủ quân Phil Younghusband, anh sẽ nỗ lực giúp bóng đá trở thành đứa con được yêu trong mắt người hâm mộ.

Vũ Duy
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doi-tuyen-philippines-dua-con-ghe-di-tim-su-thua-nhan-post895418.html