Đội tuyển Nga: World Cup 2018 và 'bài học nhãn tiền' mang tên Nam Phi

Với tư cách đội chủ nhà, đội tuyển Nga đương nhiên được xếp vào nhóm hạt giống khi FIFA tiến hành lễ bốc thăm chia bảng tại WC 2018.

Đội tuyển Nga đã may mắn khi rơi vào bảng đấu có sự hiện diện của các đội tuyển Uruguay, Ai Cập và Saudi Arabia.

Ngoài đội tuyển Uruguay có sức mạnh vượt trội, các đối thủ còn lại đều được đánh giá là có sức mạnh tương đương với đội chủ nhà. Với lợi thế sân nhà, đội tuyển Nga đang tự tin vào việc giành 1 trong 2 tấm vé của bảng đấu để đi tiếp vào vòng trong.

Tuy nhiên, trong bóng đá, đặc biệt là một giải đấu mang tầm thế giới như WC, mọi chuyện đều có thể xảy ra, nếu không cẩn thận, đội tuyển Nga sẽ đi vào vết xe đổ của đội tuyển Nam Phi tại kỳ WC được tổ chức 8 năm về trước.

EURO 2008, giải vô địch bóng đá Châu Âu lần thứ 13 do Liên đoàn bóng đá Châu Âu tổ chức trên các sân vận động thuộc 2 quốc gia Áo và Thụy Sỹ, đã chứng kiến đội tuyển Nga trình diện một lứa cầu thủ được xem là thế hệ vàng của bóng đá nước này trong những năm gần đây.

EURO 2008 là dấu ấn duy nhất mà đội tuyển Nga làm được tại các giải đấu lớn.

Với đầu tàu là Andrey Arshavin cùng với những cái tên như Roman Pavlyuchenko, Konstantin Zyryanov…đội tuyển Nga dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên tài năng, Guus Hiddink đã xuất sắc vượt qua Hà Lan để lần đầu tiên góp mặt tại vòng bán kết của một giải đấu mang tầm châu lục.

Mặc dù phải dừng bước tại bán kết trước đội tuyển Tây Ban Nha (đội tuyển sau này đã trở thành tân vương của giải đấu), tuy nhiên, đội tuyển Nga vẫn xứng đáng nhận được những lời tán dương sau những màn trình diễn tuyệt vời.

Và đó là dấu ấn duy nhất mà bóng đá Nga làm được khi tham gia các giải đấu mang tầm khu vực và thế giới. Kể từ thời điểm chính thức mang tên đội tuyển Nga tham dự kỳ WC 1994 tại Mỹ, Nga đã tham dự 5 kỳ EURO (trừ EURO 2000 tại Bỉ và Hà Lan) và 3 kỳ WC đó là WC 1994 tại Mỹ, WC 2002 tại Nhật Bản - Hàn Quốc và WC 2014 tại Brazil, nhưng kết quả họ giành được tại tất cả các giải đấu đó thật sự tệ hại.

"Những chú gấu Nga" chưa một lần vượt qua được vòng bảng, chứ chưa nói đến vòng 1/16 hay vòng tứ kết. Những tưởng EURO 2008 là cú hích đánh dấu sự vươn mình của bóng đá Nga, nhưng cũng giống như những trường hợp của đội tuyển Bulgaria, Romania tại WC 1994; đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ năm 1998; đội tuyển Hàn Quốc năm 2002, đội tuyển Cộng hòa Séc tại EURO 1996…đội tuyển Nga không thể tái hiện lại kỳ tích mà họ đã làm được tại EURO 2008. .

WC 2014, đội tuyển Nga phải dừng bước ngay tại vòng bảng sau khi chỉ có được 2 trận hòa trước Hàn Quốc và Algérie.

Giờ đây, "Thế hệ vàng" của đội tuyển Nga với những cái tên như Andrey Arshavin; Roman Pavlyuchenko…đã lùi vào quá khứ. Đội tuyển Nga đến với WC lần này với lực lượng hầu hết là các cầu thủ đang thi đấu tại giải vô địch quốc gia Nga, trong số 23 tuyển thủ được dự WC lần này chỉ có 2 cầu thủ đang thi đấu tại nước ngoài, đó là các trường hợp của thủ môn Vladimir Gabulov (CLB Brugge, Bỉ) và tiền vệ Denis Cheryshev (CLB Villarreal, Tây Ban Nha).

So với những Suarez, Cavani, Godin, Gimenez (Uruguay) và Salah, Elneny (Ai Cập) thì danh tiếng và đẳng cấp của những ngôi sao được xem là niềm hy vọng của nước Nga như Alexsandr Golovin, Alan Dzagoev lại không được sánh bằng. Sự thua thiệt về những yếu tố đẳng cấp và kinh nghiệm do ít được thi đấu trong môi trường bóng đá đỉnh cao có lẽ sẽ khiến đội tuyển Nga gặp khó khăn tại giải đấu năm nay.

Những tài năng như Golovin liệu có đủ khả năng dẫn dắt đội tuyển Nga vượt qua vòng bảng tại giải đấu năm nay?

Và điểm yếu đó đã được bộc lộ phần nào sau loạt trận giao hữu trước thềm WC. Trận hòa Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã là trận giao hữu thứ 7 liên tiếp đội tuyển Nga không biết mùi chiến thắng. Người Nga có thể có lý do để bào chữa cho những kết quả thất vọng trên khi những đối thủ mà họ đã chạm trán trong những trận giao hữu vừa qua toàn là những đội tuyển sừng sỏ của thế giới như Brazil, Pháp, Argentina, Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, khi biết rằng đội tuyển Nga cũng không thể thắng nổi Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, những đội đã không giành được quyền tham dự giải đấu này thì chắc chắn họ sẽ phải suy nghĩ lại. Có lẽ các cổ động viên của đất nước xứ sở bạch dương cũng đã mường tượng được viễn cảnh này.

So với 3 đối thủ trong bảng đấu, đội tuyển Nga gặp bất lợi hơn khi đã không thi đấu một trấn đấu chính thức nào kể từ sau kỳ Euro 2014 tổ chức tại Pháp. Chính việc có được tấm vé chính thức với tư cách nước chủ nhà là một phần nguyên nhân khiến đội tuyển Nga thi đấu bết bát trong những trận đấu vừa qua.

Thành tích các trận giao hữu trước thềm giải đấu của Nga là không thực sự thuyết phục.

Về lối chơi, đội tuyển Nga dưới thời huấn luyện viên, Stanislav Cherchesov đang vận hành theo sơ đồ chiến thuật 3 – 5 – 2, đây là sơ đồ mà Antonio Conte đã sử dụng để đưa Chelsea trở thành tân vương của bóng đá Anh mùa 2016 – 2017.

Tuy nhiên, so với Conte, trong tay huấn luyện viên Cherchesov không có đủ quân bài để có thể vận hành tốt hệ thống sơ đồ chiến thuật này. Lực lượng đội tuyển Nga hiện tại không thể tìm ra những cầu thủ có khả năng lên công về thủ nhịp nhàng cỡ Marcos Alonso hay Victor Moses; cũng không có cầu thủ có khả năng đánh chặn từ xa và bao quát khu vực giữa sân xuất sắc như Kante hay Matic.

Alexsandr Golovin, Alan Dzagoev cũng không thể sánh với những Hazard, Fabregas…Những trận giao hữu vừa qua là quá đủ để chúng ta có thể đánh giá sơ bộ về sự thành công của đội tuyển Nga cùng với hệ thống chiến thuật 3-5-2 tại WC lần này.

Hệ thống chiến thuật 3-5-2 mà huấn luyện viên Cherchesov đang áp dụng cho đội tuyển Nga liệu có thành công tại WC sắp tới?

WC 2010 là lần đầu tiên một nước thuộc khu vực Châu Phi (Nam Phi) vinh dự được quyền đăng cai tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chính giải đấu đó đã đem đến cho đội tuyển nước chủ nhà những ký ức không mấy tươi đẹp.

Rơi vào bảng đấu với sự hiện diện của các đối thủ rất mạnh là đội tuyển Pháp, Mexico và Uruguay, Nam Phi đã không thể tạo bất ngờ dù được thi đấu trong sự cổ vũ của hàng triệu cổ động viên nhà. Họ kết thúc ở vị trí thứ 3 và trở thành đội chủ nhà đầu tiên bị loại ngay từ vòng bảng trong lịch sử các kỳ WC.

So với Nam Phi tại WC 2010, ngoại trừ Uruguay, 2 đối thủ còn lại mà Nga phải chạm trán tại bảng đấu này là Ai Cập và Saudi Arabia vẫn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với Pháp và Mexico. Nếu không thể vượt qua được vòng bảng, khả năng đội tuyển Nga thế chỗ đội tuyển Nam Phi để trở thành đội chủ nhà có thành tích tệ nhất lịch sử các kỳ WC là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Còn hơn hai ngày nữa giải đấu sẽ chính thức khởi tranh, liệu thầy trò huấn luyện viên Cherchesov có thể hạn chế những yếu điểm trên để giúp đội tuyển Nga tránh đi vào vết xe đổ của Nam Phi tại WC 2010, đồng thời giúp đội tuyển Nga có một kỳ WC đáng nhớ ngay chính trên sân nhà của họ?

(Bạn đọc: Đức Tuấn)

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/doi-tuyen-nga-world-cup-2018-va-bai-hoc-nhan-tien-mang-ten-nam-phi-d449669.html