Đội tuyển Đức: Đứa trẻ hư được nuông chiều

Đội tuyển Đức giống như đứa trẻ được nuông chiều thái quá khiến nó trở nên tự mãn và mất đi khát vọng hoàn thiện mình.

Trong lịch sử bóng đá xuất hiện không ít những đứa trẻ hư nhưng lại được ve vuốt, nuông chiều tới khó hiểu. Brazil từng là ví dụ và oái oăm thay, chính người Đức đã giúp cho Brazil một gáo nước lạnh để tỉnh ngộ vào 4 năm về trước.

Brazil là đội tuyển bóng đá vĩ đại với rất nhiều ngôi sao vĩ đại. Từng có thời điểm đến cả đội hình dự bị của Selecao cũng là niềm mơ ước của quá hầu hết đội tuyển trên thế giới. Thế rồi cùng với những lời tán dương của thế giới, Brazil chìm dần vào cơn mộng mị của chính mình.

Mesut Oezil sa sút phong độ tại vòng chung kết World Cup 2018. Ảnh: Reuters.

Nhiều ngôi sao Selecao trên sân cỏ vẫn nhảy samba, nhưng dứt trái bóng là đắm mình vào những bữa tiệc rượu, vào sex, vào những hoạt động vô bổ để phô trương bản thân. Nhiều cầu thủ bắt đầu trượt dài. Nhưng nền bóng đá vĩ đại ấy vì quá thừa thãi nhân tài, nên những ngọn tre chưa kịp già đi thì măng đã mọc.

Phải đến tận năm 2014, sau cả quá trình trượt dốc, Selecao rơi xuống đáy của sự kiệt quệ nhân tài và thảm họa ập tới. Cái tát trời giáng của người Đức giúp Brazil trưởng thành hơn. Cả một nền bóng đá sôi nổi, luôn cố gắng lấy quá khứ để chối bỏ hiện tại bắt đầu sống chậm lại, chú ý lắng nghe và dần thay đổi.

Đội tuyển Đức không có vinh dự được trải qua giai đoạn ngắc ngoải như Brazil trước năm 2014. Thành công của bóng đá Đức được xây dựng dựa trên sự khoa học, kỷ luật của cả một hệ thống. Người Đức không đào tạo nên những ngôi sao đi đá bóng, mà tạo nên những cầu thủ bình thường đá bóng và vụt lớn thành ngôi sao.

Thomas Muller từng là một ví dụ. Anh là một cầu thủ có rất ít kỹ năng của ngôi sao, nhưng chiến đấu bền bỉ, tuân thủ chiến thuật cộng thêm nhạy cảm tuyệt vời và trở thành sao. Bằng những mảnh ghép rất đỗi bình thường như thế, Đức bổ sung thêm ngôi sao thứ 4 trên ngực áo vào 4 năm trước.

Chức vô địch World Cup 2014 từng được tin rằng chỉ là bước khởi đầu của một thế hệ chứ chưa phải đỉnh cao nhất mà "cỗ xe tăng" có thể chinh phục. Nhưng 4 năm qua, Đức đã sống trong sự ru ngủ của thế giới. Những lời tán tụng nhiều tới mức nó hằn vào đầu huấn luyện viên Joachim Loew suy nghĩ: hệ thống mà Đức đang có là hoàn hảo.

4 năm qua, Muller đã sa sút quá nhiều. 1 năm trở lại đây, Marco Reus và Mesut Oezil cũng sa sút. Trong màu áo Arsenal, Oezil đã rất nhiều lần nhận những lời chỉ trích vì cách đá giống hệt như màn trình diễn tẻ nhạt, buồn ngủ tại World Cup 2018. Cả thế giới đều nghe thấy, chẳng lẽ một mình Loew không nghe?

Có lẽ không nghe nên Loew mới quyết định loại một cầu thủ thi đấu bùng nổ như Leroy Sane ra khỏi chiến dịch World Cup. Lý do vị huấn luyện viên này đưa ra là Sane không phù hợp với hệ thống của người Đức.

"Cỗ xe tăng" đá bài bản, khoa học, trong khi đó Sane có thiên hướng biểu diễn cá nhân. Nhưng thất bại đáng xấu hổ của Đức trên đất Nga đã chứng minh suy nghĩ của Loew có vẻ như là hệ quả của quá trình được ru ngủ đến mức mê muội.

Hệ thống của Đức không tốt như Loew tưởng. Những cầu thủ mà Loew đặt niềm tin không hay như ông tưởng. Nhưng Loew nói riêng và đội tuyển Đức nói chung giống như một đứa trẻ bướng bỉnh được nuông chiều, từ chối lắng nghe tất cả những lời can gián.

Đội tuyển Đức tại World Cup 2018 bị chính những người yêu và bênh vực "cỗ xe tăng" nhất chỉ trích là “tệ nhất trong lịch sử”. Nhưng thôi, thà sớm nhận gáo nước lạnh để tỉnh giấc còn hơn là sống dặt dẹo, mê muội trong thời gian dài, để rồi đến khi gục hẳn thì không tài nào gượng dậy nổi nữa.

Đức khác Brazil. Xứ samba có thể nhặt bừa một cậu bé trên đường phố và biến thành Coutinho, Gabriel Jesus phiên bản 2. Nhưng người Đức lại cần tới 5-10 năm để tạo nên những Thomas Mueller, Bastian Schweinsteiger, Philipp Lahm… Thế nên càng tỉnh ngộ sớm, thì ngày trở lại đỉnh cao của người Đức càng gần.

Kiều Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doi-tuyen-duc-dua-tre-hu-duoc-nuong-chieu-post855495.html