Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?
Nhớ lại kỳ World Cup được tổ chức ở châu Á năm 2002, vũ điệu Samba đã cuốn trôi tất cả.
Khi đội trưởng Cafu giương cao cúp vàng FIFA trên đất Nhật Bản năm 2002, có lẽ không một người hâm mộ “Selecao” nào có thể ngờ được từ đó đến nay đội bóng con cưng của họ sẽ phải trải qua chặng đường dài đầy khó khăn, thử thách, đau khổ đến nhường này.
Hào quang trong quá khứ
Nhớ lại kỳ World Cup được tổ chức ở châu Á năm 2002, vũ điệu Samba đã cuốn trôi tất cả. Dù cho, đó là một Thổ Nhĩ Kỳ rất khó chịu; một tuyển Anh đầy rẫy ngôi sao như Beckham, Owen, Gerrard, Lampad… hay một tuyển Đức lì lợm với Micheal Ballack, Oliver Kahn, Mirolav Klose… Tất cả lần lượt phải gục ngã trước dàn sao vàng - xanh được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Filipe Scolari.
Khi đó, một Ronaldinho mới 22 tuổi, lần đầu dự World Cup nhưng trình diễn thứ bóng đá ma thuật, tinh quái với đỉnh cao là pha đá phạt thần sầu khiến thủ môn huyền thoại David Seaman chỉ còn biết đứng nhìn bóng bay vào lưới, mở ra chiến thắng 2-1 trước người Anh ở tứ kết. Bỏ qua những tháng ngày phải làm bạn với chấn thương ở Inter Milan, Ronaldo de Lima đã trở lại đúng với biệt danh “Người ngoài hành tinh”.
Nên nhớ, 8 bàn thắng Ronaldo ghi được trên đất Hàn Quốc và Nhật Bản không chỉ giúp anh giành danh hiệu “vua phá lưới” thuyết phục mà thành tích đó còn sừng sững tồn tại đến World Cup 2022, tiền đạo Mbappe của Pháp mới có thể tái lập thành tích này.
Mùa Hè 2002 cũng là giải đấu đỉnh cao của những huyền thoại Brazil đang bước vào độ chín trong sự nghiệp như Roberto Carlos, Lucio, Rivaldo… Và đó còn là màn “chào hàng” của tài năng trẻ 20 tuổi
Ricardo Kaka – người sau này đi vào lịch sử bóng đá thế giới với tư cách là một huyền thoại, một lãng tử hào hoa bậc nhất… Tất cả đã giúp vũ điệu Samba trở nên nóng bỏng, quyến rũ nhất có thể. “Selecao” giành chiến thắng tuyệt đối ở vòng bảng, tiến vào trận chung kết theo kịch bản dễ dàng, rồi đè bẹp tuyển Đức 2-0 để lên đỉnh thế giới.
Nhắc lại về giải đấu năm xưa để thấy được rằng người Brazil từng sở hữu một đội bóng hùng mạnh thế nào. Vũ điệu Samba ngày đó không chỉ là tập hợp của những siêu sao kiệt xuất mà còn trình diễn thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, không thể lẫn vào đâu được. Nhưng! Đó là tất cả những gì đẹp đẽ nhất về một Brazil hào hoa ngày nào còn lưu lại trong tâm trí người hâm mộ.
Vì đâu nên nỗi?
Đúng 22 năm sau khoảnh khắc Cafu cùng các đồng đội bước lên đỉnh vinh quang, đội tuyển Brazil kết thúc Copa American 2024 trong sự thất vọng tràn trề, bị Uruguay loại từ tứ kết.
Chứng kiến màn trình diễn nhạt nhòa của đội nhà, huyền thoại Ronaldinho đã thốt lên đau đớn trên kênh YouTube Cartoloucos: “Tôi sẽ không xem bất kỳ trận đấu nào của Brazil. Đội ngũ hiện tại thiếu động lực, thiếu niềm vui, thi đấu không tốt, cũng không có bóng đá”. Nhật báo thể thao Ole của
Argentina đã mượn hình ảnh của “Ro vẩu” để xát thêm nỗi đau cho đối thủ truyền kiếp: “Anh không sai bất cứ điều gì cả, Dinho”!
Đã quá xa rồi cái ngày Brazil có thể “làm mưa, làm gió” trên đấu trường quốc tế. Những con số thống kê không hề biết nói dối. Kể từ sau chức vô địch thế giới thứ 5, họ đã không còn biết thế nào là không khí của một trận chung kết World Cup. Hơn 2 thập kỷ qua, Brazil bị loại từ tứ kết 4 kỳ World Cup 2006, 2010, 2018, 2022.
Kỳ World Cup duy nhất họ vào được bán kết là khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà năm 2014. Nhưng đó là một giải đấu thảm họa mà không người Brazil nào muốn nhắc đến. Trên thánh địa Mineirão, thầy trò huấn luyện viên Scolari bị đội tuyển Đức đánh bại bằng tỷ số kinh hoàng 7-1.
Vì sao nền bóng đá hùng mạnh như Brazil “ngủ đông” kéo dài hàng thập kỷ? Đã có hàng loạt vấn đề được nêu ra. Đó có thể là do cầu thủ Brazil thi đấu ở châu Âu từ rất sớm nên dễ bị “Âu hóa”.
Họ không còn giữ được bản sắc chơi bóng ngẫu hứng, bản sắc đường phố bị mai một nên không còn gây được bất ngờ cho các đối thủ lớn ở châu Âu vốn luôn nổi tiếng về tính khoa học, thực dụng.
Đa số cầu thủ Brazil ngày nay thường bị tiền bạc chi phối, ra nước ngoài thi đấu từ khi còn rất trẻ, kiếm được những bản hợp đồng béo bở cùng rất nhiều tiền nên giảm động lực phấn đấu. Những cầu thủ này sớm sa vào các cuộc ăn chơi, dẫn tới “sớm nở tối tàn”.
Nguyên nhân nữa được mang ra mổ xẻ là người Brazil đang chịu thiệt thòi thời “toàn cầu hóa”. Trong giai đoạn bùng nổ công nghệ hiện nay, những nền bóng đá mạnh của thế giới như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… phát huy được lợi thế khoa học, công nghệ để sử dụng phân tích đối thủ.
Những bảng thống kê chi tiết về sở trường, sở đoản, thói quen chơi bóng, di chuyển… của cầu thủ Brazil đều bị các đối thủ nắm trong “lòng bàn tay” dẫn tới “Selecao” rất dễ bị bắt bài tại các kỳ World Cup.
Ngoài ra, chất lượng đi xuống của giải vô địch quốc gia Brazil, sự yếu kém của bộ máy tổ chức nền bóng đá nước này, những bê bối tài chính trong liên đoàn bóng đá quốc gia… Tất cả đã “chung tay” đẩy bóng đá Brazil ngày càng đi xuống, mất phương hướng, bị các đối thủ lớn bỏ lại phía sau.
Đội tuyển Brazil 5 lần vô địch World Cup vào các năm 1958, 1962, 1970, 1994, 2002. Đến nay, thành tích này vẫn là kỷ lục thế giới. Đức và Italy là 2 đội tuyển xếp sau với thành tích 4 lần vô địch cho mỗi đội. Tuy vậy, từ năm 2002 đến nay, cả Đức và Italy đều đã có thêm một lần vô địch, trong khi với “Selecao” vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-tuyen-brazil-bao-gio-cho-den-ngay-xua-post694226.html