Đối tượng Nguyễn Văn Dương đã 'rửa' hàng trăm tỷ đồng kiếm được từ cờ bạc như thế nào?

Ngày 12-11, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án 'Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Theo kết quả điều tra, tổng số tiền các đối tượng thu lợi bất chính qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là hơn 9.853 tỷ đồng; trong đó hai đối tượng cầm đầu: Nguyễn Văn Dương hưởng lợi hơn 1.655 tỷ đồng; Phan Sào Nam hưởng lợi hơn 1.475 tỷ đồng. Để biến hàng trăm tỷ đồng tiền bẩn có được nhờ tổ chức đánh bạc thành tiền sạch, Nguyễn Văn Dương đã rửa tiền một cách rất tinh vi qua Công ty cổ phần đầu tư UDIC.

Công ty cổ phần (CP) đầu tư UDIC đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 29-1-2010 tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội gồm 3 cổ đông sáng lập, với số vốn 6 tỷ đồng, trong đó Nguyễn Văn Dương góp 45% vốn, trụ sở tại số nhà 190 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội; Nguyễn Văn Dương làm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật.

Sau nhiều lần tăng vốn điều lệ, đến ngày 28-4-2016, công ty thay đổi đăng ký lần thứ 12, tăng vốn điều lệ lên 925,3 tỷ đồng, trong đó Nguyễn Văn Dương cam kết góp 99,564% vốn điều lệ. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, ngày 17-4-2017, Nguyễn Văn Dương chuyển nhượng vốn cho một số cá nhân, công ty và rút vốn về. Tuy nhiên, trước khi rút hết vốn, Nguyễn Văn Dương đã dùng Công ty CP đầu tư UDIC làm nơi rửa tiền bẩn có được từ tổ chức đánh bạc.

Để đủ điều kiện về năng lực tài chính tham gia dự thầu dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn, ngày 19-1-2015, Nguyễn Văn Dương, lúc đó là Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư UDIC đã họp HĐQT và thống nhất tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ lên 500 tỷ đồng, Dương cam kết góp 85,04% vốn điều lệ.

Để nâng vốn, Dương mượn chứng minh nhân dân của Bùi Minh Huệ, Nguyễn Ngọc Thảo, Đào Thị Ngọc Bích để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Chỉ trong 6 ngày cuối tháng 9- 2015, Dương đã thành lập 3 công ty: Ngày 24-9-2015, thành lập Công ty CP Xây dựng và Thương mại Trường Thịnh do Bùi Minh Huệ làm giám đốc; ngày 29-9-2015 thành lập Công ty CP Kinh doanh xây dựng và Thương mại Miền Bắc do Đào Thị Ngọc Bích làm giám đốc; ngày 30-9-2015, thành lập Công ty CP Kinh doanh xây dựng và Thương mại Thủ Đô do Nguyễn Ngọc Thảo làm giám đốc.

Sau khi có 3 công ty này, Dương chỉ đạo nhân viên soạn thảo các hợp đồng để Công ty CP đầu tư UDIC ký hợp đồng giao khoán công việc với các công ty và cá nhân. Trong đó ký hợp đồng trị giá 82,5 tỷ đồng với Công ty Trường Thịnh; ký hợp đồng trị giá 76,5 tỷ đồng với Công ty Thủ Đô; ký hợp đồng trị giá hơn 228,3 tỷ đồng với ông Đào Văn Bân là em ruột mẹ Dương; ký hợp đồng trị giá 144,6 tỷ đồng với Nguyễn Ngọc Thảo.

Nguyễn Văn Dương được dẫn giải tới phiên tòa sáng 12-11.

Nguyễn Văn Dương được dẫn giải tới phiên tòa sáng 12-11.

Để chứng minh năng lực tài chính của Công ty UDIC đã được các cổ đông góp vốn theo đúng điều lệ, ngày 19-10-2015, Dương đưa cho Lưu Thị Ngọc, thủ quỹ của Công ty CP đầu tư UDIC 4 tỷ đồng để nộp vào tài khoản cá nhân của Dương mở tại Ngân hàng Tiên Phong. Năm ngày sau, Dương lại đưa cho Ngọc 20,079 tỷ đồng để nộp tiếp vào tài khoản của Dương. Sau đó, Dương chuyển 24 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP đầu tư UDIC cũng mở tại Ngân hàng Tiên Phong.

Nhưng ngay sau dó, Dương chỉ đạo Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty UDIC ký các hợp đồng và ủy nhiệm chi chuyển luôn 24 tỷ đồng này cho một trong các công ty Trường Thịnh, Thủ Đô, Miền Bắc và ông Bân, bà Thảo với nội dung để thực hiện các hợp đồng mà Công ty UDIC đã ký với các công ty và cá nhân này.

Sau khi các công ty này nhận được tiền lại cho rút hết khỏi tài khoản và chuyển tiền mặt cho Nguyễn Thị Thu Hà, kế toán Công ty CNC. Sau đó Hà lại chuyển số tiền này vào tài khoản cá nhân của Dương, sau đó Dương lại chuyển số tiền này vào tài khoản của Công ty UDIC. Chỉ với 24 tỷ đồng này, nhưng trong thời gian từ 21 đến ngày 25-10-2015, Dương đã phù phép để nâng vốn điều lệ của Công ty UDIC trên sổ sách lên 496,950 tỷ đồng.

Cũng trên sổ sách, bằng cách chuyển lòng vòng như vậy, đã thể hiện Công ty UDIC đã chuyển cho: Công ty Thủ Đô 30 tỷ đồng, Công ty Miền Bắc 40 tỷ đồng, Công ty Trường Thịnh 30 tỷ đồng, ông Bân 228,352 tỷ đồng, bà Thảo 144,648 tỷ đồng; ứng cho Nguyễn Thanh Thủy 500 triệu đồng, tạm ứng công việc cho Dương 23.950 tỷ đồng.

Số tiền hơn 23 tỷ đồng này sau đó Dương chuyển vào tài khoản của vợ là Phạm Thị Phương Minh mở tại ngân hàng Vietcombank 20 tỷ đồng. Như vậy, trên sổ sách kế toán thì đến ngày 25-10-2015, Công ty UDIC có số vốn 532,450 tỷ đồng nhưng thực chất không tăng đồng nào.

Đây không phải là lần duy nhất Dương nâng vốn cho Công ty UDIC. Đầu năm 2016, Dương chủ trì 2 cuộc họp Hội đồng cổ đông để nâng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 925, 320 tỷ đồng, trong đó Dương cam kết góp 99,564% vốn điều lệ.

Trong các ngày từ 30-3 đến 2-4-2016, Dương đưa cho Đoàn Thị Thu Hà 30 tỷ đồng và chỉ đạo Hà nộp vào tài khoản của Dương. Sau đó Dương chuyển số tiền này vào tài khoản của Công ty CP đầu tư UDIC. Và cũng bằng cách quay vòng trên sổ sách như đã từng làm năm 2015, đến ngày 14-4-2016, trên sổ sách Công ty UDIC đã có vốn điều lệ 929,397 tỷ đồng.

Ngày 17-4-2017, Dương tách Công ty CP đầu tư UDIC thành 2 công ty: Công ty CP đầu tư UDIC (mới) và Công ty CP đầu tư CNC. Việc tách công ty là để Dương bán cổ phần tại Công ty UDIC và chuyển giao dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Sau khi tách công ty, Dương bán hơn 77 triệu cổ phần, chiếm giữ 99,50% vốn điều lệ ở Công ty UDIC, tương đương số tiền hơn 777 tỷ đồng.

Nhưng thực tế tại thời điểm đó, Dương chỉ có hơn 32 triệu số cổ phần có giá trị thực, tương ứng số tiền gần 330 tỷ đồng mà Công ty UDIC đã chuyển vào Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Số cổ phần còn lại là không có thực do việc nâng khống vốn điều lệ và đã tạm ứng rút ra khỏi Công ty UDIC.

Các công ty mua cổ phần của Nguyễn Văn Dương gồm: Công ty CP tập đoàn xây dựng cầu đường Sài Gòn ký hợp đồng chuyển nhượng số 01/2017/CNCP-UDIC ngày 6-5-2017, Dương đã chuyển nhượng hơn 32 triệu cổ phần, tương đương số tiền gần 330 tỷ đồng (mua cổ phần có giá trị thực).

Số cổ phần không có giá trị thực được Dương hợp thức bằng cách: Công ty CP tập đoàn xây dựng cầu đường Sài Gòn ký hợp đồng chuyển nhượng số 02/2017/CNCP-UDIC ngày 7-5/-017, Dương chuyển nhượng hơn 6 triệu cổ phần, tương đương số tiền hơn 66 tỷ đồng; Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân ký hợp đồng chuyển nhượng số 03/2017/CNCP-UDIC, Dương chuyển nhượng hơn 7 triệu cổ phần tương đương số tiền hơn 77 tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn Hải Thạch ký hợp đồng chuyển nhượng số 04/2017/CNCP-UDIC ngày 7/5/2017, Dương chuyển nhượng hơn 7 triệu cổ phần tương đương số tiền hơn 77 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư xây dựng Hải Thạch ký hợp đồng chuyển nhượng số 05/2017/CNCP-UDIC ngày 7/5/2017, Dương chuyển hơn 22 triệu cổ phần, tương đương số tiền hơn 225 tỷ đồng.

Công ty CP tập đoàn xây dựng cầu đường Sài Gòn đã chuyển vào tài khoản cá nhân của Nguyễn Văn Dương 270 tỷ đồng theo hợp đồng chuyển nhượng số 01/2017/CNCP-UDIC ngày 6-5-2017 (Số tiền còn nợ lại là gần 60 tỷ đồng).

Sau khi mua cổ phần, Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn sở hữu Công ty Công ty CP đầu tư UDIC (mới) và Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Các công ty mua cổ phần của Dương theo hợp đồng số 02, 03, 04, 05 nói trên vẫn chuyển tiền cho Công ty cổ phần đầu tư UDIC (mới) để cùng thực hiện dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ khẳng định, sau khi có tiền thu lời bất chính do vận hành game bài Rikvip (giai đoạn 1), Nguyễn Văn Dương đã 2 lần sử dụng tổng số tiền 54 tỷ đồng (năm 2015 sử dụng 24 tỷ đồng, năm 2016 sử dụng 30 tỷ đồng) để quay vòng, nâng khống vốn cam kết góp vào Công ty UDIC theo điều lệ là hơn 893 tỷ đồng.

Nếu chỉ căn cứ vào sổ sách kế toán của Công ty UDIC thì thời điểm 25-10-2015 Nguyễn Văn Dương đã có số tài sản trị giá hơn 496 tỷ đồng (không kể số vốn 36 tỷ đồng đã góp trước đó vào Công ty UDIC); đến thời điểm 12-4-2016 thì Nguyễn Văn Dương đã có số tài sản trị giá hơn 893 tỷ đồng.

Song trên thực tế không phải như vậy, mà Nguyễn Văn Dương đã sử dụng số tiền do tổ chức đánh bạc có được sau này hoàn trả vào số tiền đã khai khống trước đó, che giấu nguồn gốc số tiền do tổ chức đánh bạc mà có, với tổng số tiền là hơn 576 tỷ đồng. Số tiền còn lại hơn 316 tỷ đồng là giá trị nộp khống vào Công ty UDIC.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương cho rằng, trong tổng số tiền hơn 576 tỷ đồng nộp lại nói trên chỉ có hơn 329 tỷ đồng Dương bán cổ phần cho Công ty CP tập đoàn xây dựng cầu đường Sài Gòn là có thực, còn lại là quay vòng vốn để nộp hoàn trả nhằm triệt tiêu các khoản mà Công ty UDIC đã chi khống cho các doanh nghiệp, cá nhân mà Dương mượn tên khi nâng vốn điều lệ.

Kiểm tra trên sổ sách của Công ty UDIC và sao kê tài khoản của Đoàn Thị Thu Hà thấy có rất nhiều lần Dương tạm ứng ở Công ty UDIC và đề xuất chuyển sang tài khoản cá nhân Đoàn Thị Thu Hà, sau đó Hà rút luôn và khai đem về trả cho Dương. Sau ngày Hà rút tiền, lại thấy có người nộp tiền vào Công ty UDIC nhưng không phải là Hà nộp.

"Do vậy, đến nay chỉ đủ căn cứ quy kết Nguyễn Văn Dương phạm tội rửa tiền với số tiền gần 330 tỷ đồng nộp vào Công ty UDIC để chuyển vào Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Đến năm 2017, Dương bán cổ phần ở Công ty UDIC và thu tiền về, trong đó có 150 tỷ đồng gửi tiết kiệm; hơn 61 tỷ đồng sử dụng mua 2 tầng 5 và 6 tòa nhà Icon 4 làm Trụ sở Công ty CNC và bị Cơ quan điều tra kê biên" - cáo trạng khẳng định.

Hiện cơ quan chức năng đã tạm giữ, phong tỏa của Dương một lượng lớn tài sản, trong đó tạm giữ 4 xe ôtô (gồm 1 chiếc Mercedes S500, 1 xe AudiA8, 1 xe Toyota Landcruiser, 1 xe Lexus LX570), hơn 70,648 tỷ đồng, 1.327 USD, 32.000 Rup. Phong tỏa hơn 8,188 tỷ đồng trong các ngân hàng và hai sổ tiết kiệm có tổng số 150 tỷ đồng.

An ninh được thắt chặt tại phiên tòa:

8 giờ sáng ngày 12-11, TAND tỉnh Phú Thọ khai mạc phiên tòa.Do số lượng bị cáo, người tham gia phiên tòa có khoảng 200 người nên TAND tỉnh Phú Thọ đã bố trí địa điểm xét xử tại sân tòa với diện tích khoảng 1.000 m2, sức chứa gần 2.000 người có thiết kế khung sắt, mái che kiên cố.

Việc kiểm tra an ninh được Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành rất kỹ càng. Trước khi vào khu vực xét xử, những người tham dự bắt buộc phải mở các túi xách tư trang vật dụng và cho qua máy quét kim loại. Báo chí tham dự phiên tòa được bố trí vào một khu vực riêng để tác nghiệp.

Vụ án này có tổng cộng 30 luật sư bào chữa cho bị cáo, 3 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. TAND tỉnh Phú Thọ cũng triệu tập 3 điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ tới tòa để phục vụ quá trình xét xử. Ngoài ra, còn có 87 người/công ty cũng được triệu tập tới tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng.

Tân Lương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/doi-tuong-nguyen-van-duong-da-rua-hang-tram-ty-dong-kiem-duoc-tu-co-bac-nhu-the-nao-519853/