Đối tượng mạo danh Tuấn 'khỉ' gọi điện cho 'hiệp sĩ' Hải nhờ dẫn ra đầu thú bị xử lý thế nào?

Theo một số chuyên gia pháp luật, hành vi của người mạo danh Tuấn 'khỉ' gọi điện cho 'hiệp sĩ' Nguyễn Thanh Hải nhờ dẫn ra đầu thú cần được xử lý nghiêm.

Công an tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đã mời S.Q.K. (21 tuổi, ngụ xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau) lên làm việc để làm rõ thông tin mạo danh Lê Quốc Tuấn (Tuấn “khỉ”, 33 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP. HCM) – nghi can trực tiếp gây ra vụ xả súng đẫm máu tại Củ Chi hôm 29/1 (mùng 5 Tết Nguyên Đán), để gọi “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải đề nghị dàn xếp đầu thú.

Theo Tuổi Trẻ, nam thanh niên này thừa nhận hành vi mạo danh Tuấn “khỉ” để gọi đến số của hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, từ đó nhờ hiệp sĩ này dẫn ra đầu thú với lực lượng chức năng. Sau khi gọi điện xong, bị vợ K. phát hiện và la mắng nên đối tượng này đã gỡ bỏ sim điện thoại.

Theo lời của đối tượng K, việc liên hệ với hiệp sĩ Hải mạo danh Tuấn “khỉ” chỉ nhằm mục đích trêu chọc. Trong quá trình làm việc với công an, K. có trình một giấy chứng nhận tâm thần.

Nghi phạm Lê Quốc Tuấn (Tuấn “khỉ”)

Nghi phạm Lê Quốc Tuấn (Tuấn “khỉ”)

Phân tích vấn đề này, luật sư Lê Quang Vũ, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết trên Thanh Niên, việc giả danh gọi điện cho “hiệp sĩ” nói mình là nghi can trong vụ nổ súng bắn chết nhiều người ở Củ Chi, sẽ ra đầu thú với mong muốn được gặp vợ con như vậy là sai và vi phạm pháp luật bởi vụ án này người dân cả nước đang theo dõi và quan tâm về việc truy bắt nghi can Tuấn “khỉ”. Đối tượng lại gọi điện gây lạc hướng điều tra, cản trở việc điều tra của Cơ quan công an trong vụ án cực kỳ nghiêm trọng này.

Đối tượng K. đã mạo danh Tuấn “khỉ” gọi điện cho “hiệp sĩ” Hải nhờ dẫn ra đầu thú

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, liên quan tình tiết trên, cần xác minh làm rõ giấy chứng nhận tâm thần mà người đàn ông tên K. xuất trình. Bởi người tâm thần không thể minh mẫn đến mức nghĩ ra những chiêu trò tinh vi như vậy để lừa dối cơ quan chức năng, làm nhiễu loạn thông tin trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vậy.

Theo đó, đối với những người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật mà họ gây ra.

Tuy nhiên, khi xem xét quyết định mức phạt, hình phạt, cơ quan chức năng sẽ áp dụng một mức phù hợp bởi yếu tố bệnh lý. Việc hạn chế khả năng nhận thức do yếu tố bệnh lý được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý.

Trong trường hợp đối tượng K. đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng cố ý thực hiện hành vi để cản trở hoạt động điều tra thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp nhận thức hạn chế, mục đích không phải để cản trở hoạt động điều tra mà chỉ là trêu đùa đối với Hiệp sĩ Hải thì chỉ có thể bị xử phạt hành chính nếu người này đủ tỉnh táo, minh mẫn lúc thực hiện hành vi.

Linh Chi (tổng hợp)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/phap-luat/mao-danh-tuan-khi-goi-dien-cho-hiep-si-hai-bi-xu-ly-the-nao-6965467.html