Đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ chính sách khuyến công trên địa bàn An Giang

Ngày 11-7-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND quy định về quy trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 10-8-2016 của UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh).

1. Đối tượng áp dụng: tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thành phố bao gồm: doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn: viết tắt là cơ sở CNNT)

2. Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí khuyến công

Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước. Nội dung nhiệm vụ, đề án phù hợp với nội dung quy định tại Điều 4 và ngành nghề phù hợp với danh mục ngành nghề quy định tại Điều 5 của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Nhiệm vụ, đề án được phê duyệt của UBND tỉnh, huyện. Đã đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cam kết thực hiện hoặc thụ hưởng từ đề án khuyến công chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ.

3. Nội dung và mức hỗ trợ cho các cơ sở CNNT

3.1 Ngân sách tỉnh: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật (mới). Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí (không quá 800 triệu đồng). Mô hình của các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng. Mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng.

- Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí (không quá 400 triệu đồng).

Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Ảnh: H.C

- Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí (không quá 300 triệu đồng). Riêng mức hỗ trợ đầu tư dây chuyền công nghệ tối đa không quá 1,5 lần.

- Hỗ trợ 100% chi phí vé máy bay cho các cơ sở CNNT tham gia đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài (số người theo quyết định của UBND tỉnh).

- Thưởng cho sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn bao gồm: giấy chứng nhận, khung, kỷ niệm chương và tiền thưởng đạt giải cấp tỉnh 3 triệu đồng/sản phẩm.

- Hỗ trợ để thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp tỉnh. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thành lập (không quá 40 triệu đồng).

- Hỗ trợ để hình thành cụm liên kết DN công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí (không quá 120 triệu đồng).

- Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay để đầu tư nhà, xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong 2 năm đầu (không quá 400 triệu đồng/cơ sở CNNT).

- Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở CNNT. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí (không quá 240 triệu đồng).

- Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí (không quá 1,2 tỷ đồng).

- Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí (không quá 400 triệu đồng).

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, gồm: san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 6 tỷ đồng/cụm công nghiệp.

- Hỗ trợ các phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại cơ sở CNNT:

+ Cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia (do Bộ Công thương chứng nhận): chi phí mua sắm ban đầu trang thiết bị, dụng cụ quản lý dùng để trưng bày. Mức hỗ trợ tối đa không quá 56 triệu đồng/phòng trưng bày.

+ Cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực: chi phí mua sắm ban đầu trang thiết bị, dụng cụ quản lý dùng để trưng bày. Mức hỗ trợ tối đa không quá 32 triệu đồng/phòng trưng bày.

3.2 Ngân sách cấp huyện

- Hỗ trợ thành lập DN sản xuất CNNT tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, gồm: hoàn thiện kế hoạch kinh doanh; dự án thành lập DN và chi phí liên quan đến đăng ký thành lập DN. Mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/DN.

- Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong nước. Mức hỗ trợ 80% giá thuê gian hàng.

- Thưởng cho sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn bao gồm: giấy chứng nhận, khung, kỷ niệm chương và tiền thưởng đạt giải cấp huyện 1,5 triệu đồng/sản phẩm.

- Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm CNNT. Mức hỗ trợ tối đa không quá 28 triệu đồng/nhãn hiệu.

- Hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT trong các lĩnh vực: lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí (không quá 28 triệu đồng/cơ sở).

- Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí (không quá 50 triệu đồng/cơ sở CNNT).

TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ TƯ VẤN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH AN GIANG

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/doi-tuong-dieu-kien-muc-ho-tro-chinh-sach-khuyen-cong-tren-dia-ban-an-giang-a258167.html