Đối tượng cứa cổ tài xế taxi ở Bắc Ninh sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo luật sư, đối tượng dùng dao cứa và vùng cổ nạn nhân là vùng trọng yếu trên cơ thể, rất dễ gây tử vong khi bị đứt khí quản. Anh T. không chết là ngoài ý muốn chủ quan của các nghi phạm.

Trước đó, vào đêm 28/7, anh Nguyễn Văn T. (SN 1992), trú huyện Gia Lâm (Hà Nội) - tài xế của một hãng xe taxi ở Hà Nội) trong quá trình chạy xe taxi đã đón 2 khách nam ở khu vực Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.

2 vị khách đã yêu cầu anh T. chở lòng vòng từ Ninh Hiệp đến khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) rồi quay về bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Đến bến xe, khách tiếp tục yêu cầu chở về khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Chưa dừng lại, khách lại tiếp tục nói rằng muốn ra sân bay Nội Bài. Đến sân bay họ lại yêu cầu tài xế chở về Từ Sơn (Bắc Ninh).

Thấy 2 vị khách ngồi trên xe liên tục thay đổi địa điểm nên anh T. cảnh giác gọi điện đàm cho các đồng nghiệp đến hỗ trợ, đồng thời hạ kính xe đề phòng biến cố có thể cầu cứu.

Đến khoảng 1h ngày 29/7, khi khách yêu cầu chở vào một con đường cụt và vắng ở khu vực Từ Sơn, tài xế nhất định từ chối và yêu cầu 2 vị khách xuống xe thì anh bất ngờ thanh niên ngồi ghế ngay phía sau ghế lái rút con dao bấm cứa cổ.

Anh T. đang điều trị tại bệnh viện.

Bị tấn công, anh T. phản xạ chống trả, chạy ra khỏi kính xe cầu cứu. Các đối tượng lạ mặt sau đó đã tẩu thoát.

Trao đổi với PV về vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu có thể thấy hành vi của các đối tượng là man rợ, thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nghi phạm ngồi sau lái đã rút con dao bấm cứa cổ anh T. Do đã có sự chủ động từ trước , anh T. phản xạ chống trả, chui ra khỏi xe cầu cứu nên may mắn thoát chết trong gang tấc. Đối tượng dùng dao cứa và vùng cổ nạn nhân là vùng trọng yếu trên cơ thể, rất dễ gây tử vong khi bị đứt khí quản vì đây là vùng chỉ có lớp da mỏng bảo vệ phía ngoài. Anh T. không chết là ngoài ý muốn chủ quan của các nghi phạm.

Theo Luật sư Thơm, hành vi phạm tội của các nghi phạm đã cấu thành tội Giết người và Cướp tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm g, n khoản 1 Điều 123 và Điều 168 BLHS 2015.

Đối với tội Cướp tài sản, các nghi phạm sẽ phải đối mặt hình phạt tương ứng với trị giá tài sản nhằm chiếm đoạt. Kết quả quả định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ làm căn cứ xử lý tương ứng bị cáo theo định khung hình phạt được quy định tại Điều 168 BLHS 2015.

Đối với tội Giết người, do nạn nhân không chết, nên thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt thì mức hình phạt cao nhất các nghi phạm phải đối mặt đến 20 năm tù giam.

Luật sư Thơm nêu quan điểm, đây là vụ án Giết người, Cướp tài sản do các nghi phạm thực hiện. Hành vi phạm tội của nghi phạm đã xâm hại đến quyền được sống và quyền sở hữu tài sản của người khác một cách trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải xử nghiêm minh bằng pháp luật hình sự.

Tuệ An

Nguồn ANTT: http://antt.vn/doi-tuong-cua-co-tai-xe-taxi-o-bac-ninh-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-248480.htm