'Đời tôi sóng nhạc bay lên' - hồi ký của nhạc sĩ Phong Nhã

Cuốn hồi ký không chỉ đầy ắp kỷ niệm của nhạc sĩ Phong Nhã, mà còn bổ sung những thông tin quý, sự kiện lịch sử của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”.

Bao thế hệ thiếu nhi Việt lớn lên, gắn bó, cất tiếng hát ca khúc ấy của nhạc sĩ Phong Nhã. Không chỉ có Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, nhạc sĩ Phong Nhã gắn bó với tuổi thơ bao người với những ca khúc như: Đội ca (Cùng nhau ta đi lên), Nhanh bước nhanh nhi đồng, Kim Đồng, Đội ta lớn lên cùng đất nước

Nhạc sĩ Phong Nhã qua đời năm 2020, để lại cho thế hệ sau gần 200 ca khúc. Trước khi nhạc sĩ mất, gia đình đã gửi tới nhà xuất bản Kim Đồng tập hồi ký của ông. Nhưng sách chưa kịp ra thì tác giả đã qua đời. Gom góp từ hồi ký, di cảo mà ông để lại, nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện cuốn Đời tôi sóng nhạc bay lên.

Tập hồi ký, di cảo được hình thành từ những văn bản đánh máy, viết tay, bản photo, tư liệu gia đình và cả văn bản do người thân chép lại theo lời kể của nhạc sĩ Phong Nhã khi còn sống.

 Sách Đời tôi sóng nhạc bay lên. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Sách Đời tôi sóng nhạc bay lên. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Trang hồi ký đầy ắp kỷ niệm

Cuốn sách được phát hành dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2001). Những trang hồi ký chân thật, giản dị, sâu nặng ân tình của nhạc sĩ Phong Nhã giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời và con đường đến với âm nhạc của tác giả Đội ca.

Mỗi trang viết đều là sự mở lòng chia sẻ của nhạc sĩ Phong Nhã về cuộc đời, công việc của mình. Phong Nhã (sinh năm 1924), sớm mồ côi mẹ và có người chị khuyết tật. Những năm đói nghèo, cả nhà ông đưa nhau lên Hà Nội kiếm sống, trú trọ nơi này sang phố khác. Những kiến thức mà ông có được phần lớn từ tự học.

Tuổi thiếu niên của ông là những năm tháng nhọc nhằn, phụ giúp gia đình mưu sinh, nhưng niềm say mê học tập giúp ông vượt qua khó khăn.

Từ một cậu học trò nhỏ, ông đi dạy học tư rồi tham gia phong trào học sinh yêu nước, dần trưởng thành trong phong trào cách mạng. Chứng kiến thời khắc lịch sử Cách mạng Tháng Tám, nhạc sĩ Phong Nhã đã viết nên những ca khúc đầy thành kính về Bác Hồ.

Toàn quốc kháng chiến, Phong Nhã lên Việt Bắc, học tập, tham gia xây dựng cơ sở nơi chiến khu, viết báo thiếu nhi, tổ chức phân công thực hiện báo Đội… Những ca khúc của ông luôn gắn với sự trưởng thành của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Không chỉ thành công trong sự nghiệp âm nhạc, Phong Nhã là người xây dựng, góp phần phát triển cơ quan báo chí của Đội, là tổng biên tập đầu tiên của báo Thiếu niên Tiền phong.

Tập nhạc Cùng nhau ta đi lên tuyển chọn những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phong Nhã. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Viết sử Đội bằng âm nhạc

Trong phần đầu tập hồi ký, nhà xuất bản Kim Đồng in lại bài viết năm 1984 của nhạc sĩ Văn Chung về âm nhạc Phong Nhã. Nhạc sĩ Văn Chung đánh giá ca khúc của Phong Nhã có ý nghĩa lớn với phong trào của Đội: “Và có thể nói rằng, thông qua các bài hát của anh (Phong Nhã), các em sắp xếp lại gần thành một biên niên sử Đội, chứng tỏ Đội Thiếu niên Tiền phong lớn lên cùng đất nước, và Phong Nhã cũng lớn lên cùng đất nước, cùng đàn em thân yêu”.

Từ khi còn trẻ tuổi, chứng kiến những giờ phút lớn lao của dân tộc và vinh dự được nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu, Phong Nhã đã viết Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.

Các ca khúc như Nhanh bước nhanh nhi đồng, Kim Đồng… đều thể hiện lòng hăng say cách mạng của lớp măng non. Tác phẩm Cùng nhau ta đi lên của ông đã trở thành Đội ca, thôi thúc thiếu nhi rèn luyện, xây dựng xã hội tương lai.

Ông cũng là tác giả quen thuộc với bao Đội viên như: Đội ta lớn lên cùng đất nước, Hành khúc Đội, Bài ca sum họp

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phong Nhã nhớ về hành trình trở thành nhạc sĩ của mình: “Nhớ lại một thời sôi nổi là bí thư đầu tiên Hội Nhi đồng cứu quốcThủ đô trong Cách mạng Tháng Tám. Các em đòi hát. Lúc đó chỉ có phần nhiều bài hát của người lớn. Anh phụ trách biết chút ít âm nhạc. Thế là cứ mạnh dạn làm bài hát cho các em hát. Bài hát được các em đón hát. Phấn khởi quá, lại làm tiếp. Lại được các em hát. Rồi được gọi là ‘nhạc sĩ’ lúc nào không biết”.

Ông cũng tâm sự trong hồi ký rằng chủ đề ông có cảm xúc mãnh liệt nhất là "Bác Hồ với thiếu nhi".

Trong gia tài gần 200 tác phẩm của mình, ông tâm đắc nhất với ba ca khúc viết về Bác Hồ.

“Ba bài hát đó có thể nói như một liên khúc dâng lên từ buổi ban đầu, mừng vui bên Bác, đến lúc Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng”, nhạc sĩ Phong Nhã viết.

Nho Quan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-toi-song-nhac-bay-len-hoi-ky-cua-nhac-si-phong-nha-post1214706.html