Đời tôi là cả một câu chuyện buồn (kỳ cuối)

Chúng tôi lạc lối và luẩn quẩn trong nỗi đau sự giày vò của hoan lạc một thời gian ngắn nhưng đủ để không thể chịu đựng thêm… Ba chồng tôi quyết định trở lại với biển để rời xa tôi.

Kính thưa các anh các chị trong Tòa soạn Báo An ninh thế giới Giữa tháng Cuối tháng

Sau đêm say nhầu nhĩ ấy, tôi tỉnh dậy rã rời. Như người bấy lâu trôi trong những cơn hoang tưởng vô biên, tôi bắt đầu nhận ra tôi thuộc về ngôi nhà ướp vị mặn mòi của biển và nồng tanh mùi cá chứ không phải thuộc về một nơi nào xa xôi khác.

Tôi chia tay với cuộc sống cũ nhẹ tênh. Tôi thoải mái thay bộ bà ba, chạy xe gắn máy xuống bến thuyền, xắn tay lam lũ đong quà biển từ thuyền đánh cá về cập bến để chở lên chợ huyện bán. Tôi bắt đầu nhận ra tôi yêu thương biết mấy cảm giác đơn sơ thuần khiết của ngôi làng vạn chài này.

Tôi quyết định ở nhà không lên thành phố nữa. Tôi cũng nhẹ tênh nói chia tay với người tình mắt xanh tóc vàng. Tôi bỏ luôn công việc ở quán bar nhốn nháo sặc sụa mùi phố thị... bỏ hết mọi lời khuyên can của cô Út, tôi ở nhà chạy chợ bán cá và quan trọng nhất là được ở gần các con để chăm sóc chúng, được hít thở mùi biển, được nếm vị mặn khắt trên bờ ngực của ba chồng tôi mỗi đêm, được sống buông thả là chính mình trong lòng ngôi làng chài thân thương trìu mến. Cứ thế tôi như lên đồng trong cơn say sóng không dừng lại được.

Ba chồng tôi không nói gì trước quyết định dứt khoát của tôi. Tôi về ở hẳn nhà, ba chồng tôi tối ngày đi làm thợ đóng tàu biển. Trưa ba ở lại ăn cơm với cánh thợ. Tối đến, ba về nhà ăn cơm với ba mẹ con. Ăn xong ba cho mấy đứa nhỏ vào bàn học bài, kiểm tra sách vở, bút mực cho chúng để mai đi học.

Đêm đến khi bọn trẻ đã ngủ, ba chồng tôi bắc chõng ra sân độc ẩm với cút rượu nếp chưng cất từ gạo, uống đến đâu cháy cổ đến đấy. Mấy hôm đầu tôi còn uống với ba cho đến khi say lướt khướt, nhưng sau đó tôi gàn không cho ba uống nữa.

Đêm đến tôi lại lẻn qua giường ngủ cùng ba, vùi mặt thổn thức vào tấm ngực trần vạm vỡ và rắn chắc như tấm phản lim của ba, ở trên đó tôi được khóc cười thỏa mãn, và thường nếm vị mặn khắt không biết từ mùi mồ hôi muối biển của ba, hay vị mặn nước mắt tôi nhạt nhòa trên đó...

Không còn nỗi sợ hãi. Tôi liều lĩnh yêu ba chồng tôi, tôi cần ông ấy như cơm ăn, nước uống, như khí trời để thở. Tôi gần gũi và hòa tan vào ông ấy làm một. Như thể từ bao nhiêu tiền kiếp trước chúng tôi nợ nhau một món nợ u uẩn.

Cuộc tình của tôi với ba chồng thật khốn khổ.

Vì ba phải gồng mình lên chống chọi thứ tình cảm quái đản của con dâu.

Vì ba cũng thương tôi và thèm khát tôi bằng cái thèm khát cộng dồn của người đàn ông lâu ngày thiếu hơi đàn bà.

Tình yêu, hay tình dục đôi khi tôi không phân biệt nổi bởi nó như một con thú độc biết biến mình ẩn phía sâu bên trong có nọc độc của loài rắn.

Biết yêu là chết mà ba vẫn cứ bị cuốn vào tôi. Đêm nào ba cũng khuất phục dưới sức vóc đàn bà tuổi ba mươi của tôi. Trong cơn bã bời của thân xác, tôi gục xuống trong nỗi bẽ bàng, còn ba thì chỉ biết lặng im ôm chặt tôi vào lòng mà khóc.

Hạnh phúc tủi cực quá. Hạnh phúc khiến cho tôi phát điên, và cũng nhấn tôi xuống nỗi muộn phiền bẽ bàng.

Để sáng ra, tôi không dám ngước mặt nhìn thẳng đôi mắt trong veo của hai đứa con tôi. Để ngày rằm, mồng một, đặt trái cây lên ban thờ mẹ chồng và chồng, tôi cúi đầu không dám nhìn sâu vào đôi mắt hiền từ của họ. Đôi mắt như luôn muốn dò tôi một câu hỏi: "Tại sao? Tại sao"?

Tại sao tôi lại muốn có ba chồng tôi mà không phải là một người đàn ông nào khác. Tại sao số phận lại run rủi tôi vướng vào cuộc tình loạn luân này mà cả tôi và ba đều biết như vậy là quá sai, trái với đạo đức và thuần phong mỹ tục.

Phải chăng mất mát quá lớn của gia đình mà trong đó cả ba và tôi đều là nạn nhân đã khiến cho ba con tôi thương xót nhau hơn, gần gũi nhau hơn, lầm lẫn nhau hơn. Phải chăng đau khổ và cô đơn đã giằng níu chúng tôi lại bên nhau, sưởi ấm cho hai trái tim lạnh giá. Hay tình thương quá lớn trong ba đối với các con tôi, với tôi đã vô tình dẫn dụ trái tim tôi lầm đường lạc lối.

Biết lí giải ra sao. Tôi góa chồng khi còn quá trẻ. Ba góa vợ khi chưa già. Chúng tôi sống cùng nhau trong một căn nhà, tôi là đàn bà, còn ba chồng tôi là đàn ông… Phải chăng giữa đàn ông và đàn bà có những lí lẽ riêng mà lí trí và con tim cũng trở nên mù lòa, bất lực.

Chúng tôi lạc lối và luẩn quẩn trong nỗi đau sự giày vò của hoan lạc một thời gian ngắn nhưng đủ để không thể chịu đựng thêm… Ba chồng tôi quyết định trở lại với biển. Ông nhận làm thuyền trưởng cho một gia đình trong làng chài lấy tiền lương gửi lại cho tôi nuôi các con và tiếp tục xuống biển ra khơi, sống một cuộc đời lênh đênh trên sóng.

Từ đó ba tôi ít khi lên bờ và trở về nhà nữa mặc cho gia đình bên nội bên ngoại và bao người chòm xóm khuyên can. Chỉ khi nào thuyền về neo bến, ba mới lên thăm hai cháu nội một lúc rồi ba lại đi.

Tôi biết ba muốn tránh tôi, ba muốn giữ cho gia đình những thứ cần giữ. Ba cũng muốn tôi sống một cuộc đời bình thường như bao người đàn bà khác. Còn chút lương tâm và trách nhiệm của một người đàn ông trụ cột trong gia đình, ba không thể ném nốt nó xuống biển. Ba hi sinh vì thương tôi, thương hai đứa cháu nội của ba.

Nhưng ba không hề biết rằng ngày ba đi, tôi đã mang trong người giọt máu của ba.

Cuộc đời của tôi tiếp tục chuỗi ngày đau khổ. Khi biết tôi sắp sinh thêm một đứa trẻ nữa, ba bặt tin luôn, không còn quay trở lại đất liền. Ba cũng không còn làm thuyền trưởng cho gia đình đánh cá trong làng. Ba chuyển qua chủ thuyền khác ở làng khác rồi lênh đênh nay đây mai đó trên biển. Hàng tháng ba vẫn tìm cách gửi tiền công về cho tôi nuôi hai cháu nội và thêm một đứa con gái với ba…

Dân vạn chài lắm chuyện nhưng được cái sống nhân hậu vị tha. Tò mò đấy, đồn đoán đấy nhưng rồi vẫn cư xử với nhau độ lượng. Không biết có phải sống với biển, đối diện với thiên nhiên dẫu hiền hòa mà khắc nghiệt, nên người vạn chài rộng lượng với nhau nhiều hơn, sống thể tất cho nhau nhiều hơn, và nhìn nhận mọi việc cũng vị tha hơn chăng.

Tôi cắn răng sinh thêm một đứa con không có cha. Làng xóm, gia đình không ai nói ra nói vào trước mặt tôi hay cố tình làm tôi tổn thương. Có chăng chỉ thì thầm to nhỏ sau lưng chút đỉnh rồi lại việc nhà ai người nấy tỏ. Mọi người vẫn qua lại giúp đỡ tôi khi tôi vượt cạn, chăm sóc tôi những ngày đầu trứng nước. Chính cái tình mộc mạc ấy mà tôi không bao giờ nỡ rời bỏ quê hương để đi nơi khác mưu sinh nhằm quên đi những ưu phiền, hay để xóa bỏ ký ức nặng nề.

Tôi sống quãng đời còn lại đơn độc, cặm cụi nuôi ba con khôn lớn, hương khói cho mẹ chồng và cho chồng rồi lặng lẽ ngóng ba về. Mỗi năm tháng qua đi, tôi càng thưa dần tin tức về ba. Sau đó thì bặt tin hẳn, không còn nhận được món tiền ba gửi qua ai đó mang về, cũng không biết được ông còn sống hay đã chết. Người đi biển đồn nhau ba tôi gặp nạn trên biển từ lâu. Người thì nói ba tôi đã bỏ đi biệt xứ với thuyền đánh cá nước ngoài…

Tóc tôi dần bạc trắng. Cả ba đứa con tôi lớn lên. Tôi kiên quyết không cho các con trai tôi làm nghề đi biển như ông nội và ba của chúng. Tôi thường tâm sự với các cháu sau này lớn lên, các con sẽ lên thành phố kiếm việc làm và học nghề.

Nhưng chưa đợi đủ lớn, hai đứa con trai của tôi đã lặng lẽ rời bỏ mẹ năm 16 tuổi. Chúng lên thành phố mà không nói một lời với mẹ, để rồi từ đó đến nay đã gần 5 năm, các cháu biệt xứ không thấy đứa nào trở về thăm mẹ lấy một lần. Bằng trực giác của người mẹ, tôi đoán các con đã nghe được lời dị nghị từ phía gia đình tôi hoặc ai đó ở trong làng về đứa em gái không có cha của chúng.

Có lẽ chúng không chịu đựng nổi câu chuyện mà người lớn hoặc ai đó đã vô tình kể cho chúng nghe. Mười sáu tuổi, chúng vẫn còn là những đứa trẻ, chúng đã bỏ học và ra đi vì không thể ở lại và cũng có thể không tha thứ nổi cho mẹ chúng dù chúng yêu và thương mẹ, bởi mẹ là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho bọn trẻ lớn khôn.

Ngày nhỏ, chúng rất nhớ ông nội, mỗi lần lâu không thấy ông nội về thăm chúng lại đòi tôi xuống biển tìm ông và đón ông trở về. Chúng có nhiều tình cảm sâu nặng với ông nội, bởi ký ức về người cha máu mủ quá ít mà tuổi thơ của chúng chật đầy những kỷ niệm về ông nội. Chỉ cần có ý nghĩ ông nội vì mẹ mà không trở về đã gây nên vết thương quá lớn trong tâm hồn chúng. Vết thương đó từng làm kiệt quệ tinh thần tôi, làm rỏ máu trái tim đã chai sạn vì tuổi tác như tôi, huống gì với những đứa trẻ còn đang quá non nớt.

Đứa con gái khốn khổ của tôi cũng không chịu đựng nổi những đồn đoán từ bi kịch gia đình nên con cũng bỏ lên thành phố. Không một đứa nào ở lại làng. Và không một đứa con nào trở về thăm mẹ, để biết mẹ còn sống hay đã chết…

Đã gần 7 năm trôi qua, tôi sống cô độc trong căn nhà bao phủ bởi những nỗi đau và hoài niệm… Ở xã, tôi bị liệt vào danh sách người cô đơn không nơi nương tựa. Có thể đấy là cái giá tôi, ba chồng tôi, các con tôi phải trả cho những sai lầm của cuộc đời tôi.

Kính thư: KN (Đà Nẵng)

Lời Ban biên tập

Chị KN thân mến!

Đọc câu chuyện của chị, chúng tôi đã phân vân rất nhiều. Thật ra nói chính xác thì chị đã có một cuộc tình loạn luân với ba chồng mình. Dù cuộc tình ấy xảy ra trong một thời gian ngắn, ba chị đã chủ động chấm dứt để cả hai không bị luẩn quẩn trong cuộc tình loạn luân ấy và về sau chị cũng không đi bước nữa, cắn răng ở vậy nuôi con, nhưng khi quyết định in câu chuyện của chị vào chuyên mục Những chuyện khó tin nhưng có thật chúng tôi đã đắn đo vì nhiều lẽ. Đắn đo không phải vì câu chuyện của chị quá hoang đường không từng xảy ra trong đời thực mà chúng tôi đắn đo bởi tính nhân văn của câu chuyện sau khi đưa lên phương tiện thông tin đại chúng... Thực tế trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà mọi bi kịch có thể được phơi bày trụi trần trên mặt báo thì chuyện của chị không phải quá hy hữu để không được phép chia sẻ. Chúng tôi đắn đo ở chỗ, khi in câu chuyện của chị lên mặt báo liệu có ảnh hưởng tới các con của chị. Vì rất có thể, trong thời đại internet bùng nổ, thông tin được chia sẻ hằng ngày, các con của chị đang sống và làm việc ở đâu đó sẽ đọc được câu chuyện của mẹ. Liệu có phải chúng bỏ đi vì biết được sự thật về mẹ? Hay đơn giản chúng không hề biết gì cả, chúng bỏ đi giống như những đứa trẻ khác thích khẳng định bản thân mình, muốn chứng tỏ nghị lực vươn lên. Nhưng do cuộc sống mưu sinh vất vả chúng chưa thành công, chưa có điều kiện để quay về, để báo đáp ơn sinh thành với mẹ. Liệu các con của chị sẽ phản ứng thế nào khi đọc được câu chuyện này?

Cuối cùng chúng tôi cũng đã quyết định chia sẻ lên đây câu chuyện của chị. Chúng tôi nghĩ dù sự thật có buồn, có bẽ bàng đến thế nào thì nó vẫn là sự thật. Đã đến lúc chị giãi bày hết tâm can mình với các con. Các con đã khôn lớn rồi các con có thể hiểu những góc khuất trong tâm hồn và cuộc đời quá nhiều đau khổ mất mát của mẹ và ông nội để có cái nhìn độ lượng hơn, nhân văn hơn. Và chị cũng cần phải được cởi bỏ hết lòng mình ra một lần để được tha thứ.

Chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng các con chị dù đọc được hay không thì một ngày nào đó các cháu cũng sẽ trở về tìm chị. Trên đường đời mưu sinh khó nhọc, cuộc sống sẽ dạy cho các cháu trưởng thành, các cháu thấu nhận về tình yêu thương, tình mẫu tử để có thể giác ngộ và nhận thức ra những chân giá trị không gì đánh đổi hay thay thế được, đó là gia đình, là tình mẫu tử quý giá. Chị hãy cố gắng sống tốt, và giữ gìn sức khỏe, giữ vững niềm tin rằng các con chị sẽ trở về với chị một ngày gần đây. Chúng lại sẽ sà vào lòng chị ríu rít như ngày xưa suốt tuổi ấu thơ chị nuôi nấng và chở che cho chúng.

Chúng tôi cầu mong điều đó sớm trở thành hiện thực với chị. Cuộc đời không có ai trọn vẹn và ông trời sẽ không lấy đi của ai tất cả chị ạ. Chị cũng nên lần tìm manh mối của ba chồng để biết chắc chắn nếu ông đã mất rồi thì cũng biết ngày và mộ phần ở đâu để báo đáp hương khói.

Kính thư!

ANTG CT số 203

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-kho-tin-nhung-co-that/31cuthang__-doi-toi-la-ca-mot-cau-chuyen-buon-503129/