Đòi tiền nhà máy giấy VNT19 làm nghĩa trang cũng khó

Từ khi xây dựng nhà máy bột giấy VNT19, nhân dân thôn Phú Long 1 (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) không còn nơi mai táng dẫn đến việc mai táng tùy tiện trên đất chuyên trồng lúa nước, gần khu dân cư làm ảnh hưởng môi trường, gây mất đoàn kết trong nhân dân.

Nhà máy bột giấy VNT19 đang trong giai đoạn xây dựng

Chính quyền xã Bình Phước đang đau đầu trong việc đòi tiền từ Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 (chủ đầu tư nhà máy bột giấy VNT19) để làm nghĩa trang chôn cất người chết.

Nhiều người dân xã Bình Phước bức xúc: “Nhiều năm qua do chưa có khu nghĩa trang chung nên việc chôn cất và mai táng người quá cố ở địa phương tập trung chủ yếu tại khu vực đồi Cà Ninh. Tuy nhiên, hiện nơi này đã bị thu hồi để làm nhà máy giấy VNT19 nên khi người thân qua đời không biết chôn ở đâu”. Một số trường hợp bí quá nên phải chôn ở dưới ruộng, khu vườn sát bên hông nhà.

Dù biết việc mai táng, chôn cất trên đất ruộng, vườn gần nhà là không đúng nhưng chính quyền Bình Phước không dám đến can thiệp vì không biết chỉ nơi chôn ở đâu.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó bí thư xã Bình Phước cho biết: “Tại nhiều cuộc họp trước khi giải tỏa mặt bằng vào năm 2015, chủ đầu tư dự án nhà máy giấy VNT19 đã hứa khi nào tìm được vị trí thích hợp sẽ hỗ trợ kinh phí để làm khu nghĩa trang của xã".

Nhà máy bột giấy xây dựng nhưng không lo tới an sinh người dân địa phương

Phần lớn tích đất của xã Bình Phước nằm trong quy hoạch của KKT Dung Quất nên đến năm 2016, địa phương mới chọn được địa điểm phù hợp ở núi Phố Tinh, thuộc thôn Phú Long 2, với diện tích là 4ha làm nghĩa trang. Đáng nói là hơn 1 năm nay, dù UBND xã Bình Phước ít nhất 2 lần gửi văn bản thế nhưng chủ đầu tư dự án nhà máy giấy VNT19 vẫn chưa hỗ trợ kinh phí như đã hứa để làm nghĩa trang.

“Từ khi triển khai dự án nhà máy bột giấy VNT19 trên địa bàn xã Bình Phước, công tác an sinh của Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 chưa thực hiện. Nay vấn đề trên có liên quan đến quy hoạch của dự án nhà máy bột giấy làm ảnh hưởng đến việc mai táng của nhân dân. Vì vậy, UBND xã Bình Phước đề nghị Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 có trách nhiệm bố trí vốn để đầu tư xây dựng khu nghĩa địa tại núi Phố Tinh”, ông Nguyễn Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho hay.

Không những nghĩa trang, những công trình khác mà công ty bột giấy VNT19 hứa được chính quyền xã cho biết vẫn chưa thực hiện. Ông Nhân cho biết thêm: “Nguyên trong khu vực xây dựng nhà máy giấy VNT19 ở đồi Cà Ninh còn có 1 con đường đất rộng 5m do người dân tự mở để vào rừng lao động, vận chuyển nông sản. Khi thu hồi, chủ đầu tư dự án này cũng hứa làm một con đường mới thay thế để dân có đất nằm ngoài diện tích thu hồi đi lại sản xuất. Tuy nhiên đến nay lời hứa vẫn nằm giấy, vẫn chưa làm. Vì vậy người dân phải đi vòng lối mòn nhỏ rất xa và vô cùng khó khăn”.

Ngọn núi dự kiến xây dựng nghĩa trang mới

Được biết, ngoài dự án nhà máy giấy, xã Bình Phước là nơi được tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch KCN nhẹ Bình Hòa - Bình Phước, chuỗi đô thị Châu Ổ - Bình Long, quy hoạch khu đô thị Vạn Tường, khu dân cư Cây Dương.

“Vì vậy không sớm quan tâm đầu tư xây dựng khu nghĩa địa mai táng về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch chung đã được phê duyệt”, Chủ tịch xã Bình Phước nhấn mạnh.

Dự án nhà máy bột giấy VNT19 được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 31.3.2011.

Sau 3 lần chỉnh sửa giấy phép, dự án có công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117 ha, chủ yếu nằm ở thôn Phú Long, xã Bình Phước; tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỉ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Dự kiến đến quý 4/2019, nhà máy này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Trong quá trình xây dựng, mặc dù yêu cầu trong giấy phép là nhập khẩu máy móc mới hoàn toàn nhưng chủ đầu tư này lại nhập máy cũ đã qua sử dụng. Không những vậy, nhiều biểu hiện vi phạm khi tiến hành đánh giá tác động môi trường khiến người dân bức xúc nhưng vẫn không thấy chính quyền tỉnh Quảng Ngãi mạnh tay xử lý.

Hiện tại, vấn đề đang khiến dư luận lo lắng là chính quyền Quảng Ngãi cho phép phá khoảng 50ha rừng dừa nước trăm tuổi để làm hồ chứa nước phục vụ nhà máy sản xuất. Đây là một hệ sinh thái nuôi sống người dân ở vùng Đông huyện Bình Sơn, tuy nhiên song song với việc cho phép phá rừng tự nhiên, tỉnh Quảng Ngãi lại chi hàng chục tỉ để trồng rừng dừa mới mà chưa biết có hiệu quả hay không.

Lê Đình Dũng

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/doi-tien-nha-may-giay-vnt19-lam-nghia-trang-cung-kho-71138.html