Đối thủ Thổ Nhĩ Kỳ 'thừa nước đục thả câu', Nga 'một tay dẹp loạn'?

Khi diễn biến cuộc chiến Armenia-Azerbaijan bắt đầu lên cao trào, những thế lực đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu hành động.

Armenia-Azerbaijan nối lại các cuộc giao tranh từ hôm 27/9.

Armenia-Azerbaijan nối lại các cuộc giao tranh từ hôm 27/9.

"Xung đột đóng băng" giữa Armenia và Azerbaijan đã bùng phát trở lại và thu hút sự quan tâm của quốc tế, đặc biệt khi Liên Hợp Quốc trong tuần qua đã kêu gọi các cuộc đàm phán khẩn cấp, do lo ngại một cuộc chiến toàn diện sắp nổ ra.

“Long tranh hổ đấu”

Giao tranh hỏa lực giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tiếp diễn vào cuối tháng 9 tại khu vực Nagorno-Karabakh vốn âm ỉ căng thẳng từ nhiều thập kỷ. Nguyên nhân xung đột bắt nguồn từ việc Nagorno-Karabakh nằm trong khu vực lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan nhưng phần lớn người dân nơi đây là người Armenia và luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO đã tuyên bố sẽ hỗ trợ đồng minh lâu năm Azerbaijan trên chiến trường hoặc trên bàn đàm phán trong trường hợp cần thiết. Trong bài phát biểu tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, Ankara sẽ "làm những điều cần phải làm" khi được hỏi liệu có hỗ trợ quân sự trong trường hợp Baku yêu cầu hay không.

Khi giao tranh một lần nữa quay trở lại Nagorno-Karabakh, cùng với lập trường hùng hồn của Ankara, đã có những lo ngại rằng xung đột giữa Armenia và Azerbaijan có thể trở thành điểm nóng mới thu hút các thế lực nước ngoài vào tham gia xâu xé lợi ích.

Đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngồi không yên

Phân tích trên The New Arab, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi Jonathan Fenton-Harvey tin rằng lập trường công khai đứng hẳn về phía Azerbaijan của Thổ Nhĩ Kỳ có thể kích hoạt phản ứng từ các đối thủ là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.

Cả hai quốc gia vùng Vịnh này đều coi chính sách đối ngoại quyết đoán của Ankara là mối đe dọa đối với tham vọng bá quyền của mình ở Trung Đông và Bắc Phi. Abu Dhabi đặc biệt không hài lòng với Ankara vì đã cản trở kế hoạch ở nhiều điểm nóng khác nhau, bao gồm cả Syria và Libya. Bởi vậy, nước này muốn làm suy yếu Thổ Nhĩ Kỳ ở bất cứ đâu có thể.

UAE là bên ủng hộ lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở Libya, trong khi Ankara hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở phía bên kia chiến tuyến. Còn tại, Syria, Abu Dhabi cũng xích lại gần chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria vào tháng 3 năm ngoái, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiến dịch quân sự chống lại ông Assad với sự ủng hộ của phe đối lập Syria. UAE được cho là đang tìm cách hợp nhất Syria và Libya thành một mặt trận thống nhất chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi Azerbaijan là đồng minh thì UAE đã phát triển mối quan hệ kinh tế và quốc phòng gắn kết hơn với Armenia sau nhiều chuyến thăm lẫn nhau giữa các Bộ trưởng trong thập kỷ qua. Điều này cho thấy UAE cũng đang tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực Kavkaz và việc tăng cường quan hệ với Armenia có thể là một phần trong kế hoạch.

Pháp lo ngại “thông điệp hiếu chiến”

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ở một động thái khác, Pháp cũng lên tiếng bày tỏ sự đoàn kết với Armenia. Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng ông lo ngại về cái gọi là "thông điệp hiếu chiến" của Thổ Nhĩ Kỳ, nói thêm rằng "chúng tôi sẽ không chấp nhận việc" Ankara hỗ trợ Azerbaijan trong "cuộc tái chinh phục miền Bắc Karabakh".

Điều này có thể kích hoạt sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Pháp và UAE, hai quốc gia vốn có các vấn đề chính sách đối ngoại khác nhau nhưng đã thiết lập mối quan hệ bền chặt do có chung sự đối kháng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara và Paris cũng có những mâu thuẫn ngày càng lớn ở Libya và Đông Địa Trung Hải.

Bên cạnh đó, trong khi Iran kêu gọi ngừng bắn giữa hai bên, các nhà phân tích cho rằng Tehran nghiêng về Armenia nhiều hơn, quốc gia mà họ đã thiết lập một “liên minh” trong vài thập kỷ qua. Các báo cáo cho thấy, Tehran đang gửi vũ khí cho Armenia, nhưng nước này vẫn lên tiếng phủ nhận.

Trong khi những tuyên bố như vậy có thể khiến Riyadh do dự hơn trong việc hỗ trợ Armenia, mối quan hệ ngày càng tăng giữa UAE và Iran có thể dẫn đến sự liên kết hơn nữa giữa hai quốc gia nhằm phục vụ mục đích cuối cùng là chống lại Ankara.

Trông chờ nhân tố Nga

Một nhân tố chính khác được cho là sẽ tham gia vào cuộc chơi đó là Nga. Moscow có mối liên hệ văn hóa mạnh mẽ với Armenia. Giới quan sát tin rằng, Tổng thống Vladimir Putin luôn muốn tăng cường ảnh hưởng rộng rãi hơn đối với các quốc gia trước kia từng là một phần của Liên Xô. Mặc dù Nga và Armenia không có chung đường biên giới nhưng Armenia là đồng minh thân cận của Nga tại khu vực Kavkaz giữa Biển Đen và Biển Caspi, bao gồm cả việc sở hữu một căn cứ quân sự lớn của Nga, cũng như có hiệp ước quân sự.

Cho đến nay, Nga vẫn đang thể hiện vai trò tương đối trung lập, khi kêu gọi hai bên ngừng leo thang. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là các nước đối tác như Thổ Nhĩ Kỳ làm tất cả những gì có thể để ngừng bắn và quay lại giải quyết cuộc xung đột này một cách hòa bình bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”.

Cũng như các cuộc xung đột khác trong giai đoạn đầu, Moscow hiện đang đứng từ xa quan sát. Và với việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng thỏa hiệp ở những điểm nóng ở Syria và Libya để duy trì mối quan hệ, nên khả năng xảy ra xích mích giữa hai bên tại khu vực Nagorno-Karabakh là khó xảy ra.

Nga vốn có quan hệ chặt chẽ với cả Azerbaijan và Armenia đồng thời bán vũ khí cho cả hai nước. Điều này khiến giới quan sát tin rằng Moscow không muốn xung đột giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra sẽ gây mất ổn định khu vực phía Nam đất nước.

UAE có thể hy vọng rằng Moscow có lập trường rõ ràng hơn trong việc ủng hộ Armenia chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này đặt mục tiêu tiếp tục hưởng lợi từ ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực của Moscow, đã củng cố mối quan hệ với Tổng thống Putin ở Trung Đông và Bắc Phi, và thậm chí đã vận động Nga đứng về phía mình ở Yemen và Libya.

Mặc dù xung đột Armenia-Azerbaijan đang ở giai đoạn đầu, các nhà quan sát đang theo dõi cách phản ứng của các đối thủ của Ankara, cụ thể là UAE và Saudi Arabia. Giới phân tích dự doán, hai nước ít nhất sẽ sử dụng cuộc xung đột này như một cái cớ để cô lập Thổ Nhĩ Kỳ. Khi diễn biến cuộc chiến bắt đầu lên cao trào, những thế lực nước ngoài khác mới bắt đầu hành động.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doi-thu-tho-nhi-ky-thua-nuoc-duc-tha-cau-nga-mot-tay-dep-loan-a492891.html