Đối thủ của Jeff Bezos trong cuộc đua thành tỉ phú nghìn tỉ USD đầu tiên

Jeff Bezos, Mukesh Ambani hay Jack Ma - ai sẽ là tỉ phú có nghìn tỉ USD đầu tiên trên thế giới?

CEO Amazon Jeff Bezos là ứng viên hàng đầu để trở thành tỉ phú đầu tiên của thế giới có tài sản lên tới nghìn tỉ USD vào đầu năm 2026. Ảnh: AFP.

CEO Amazon Jeff Bezos là ứng viên hàng đầu để trở thành tỉ phú đầu tiên của thế giới có tài sản lên tới nghìn tỉ USD vào đầu năm 2026. Ảnh: AFP.

Jeff Bezos không đơn độc trong hành trình đưa tài sản tiến tới gần mốc 13 chữ số bất chấp đại dịch COVID-19, ly hôn, làm từ thiện hay tác động của giá dầu giảm.

Người sáng lập và CEO của Amazon dự kiến sẽ trở thành tỉ phú đầu tiên trên thế giới có tài sản lên tới nghìn tỉ USD vào đầu năm 2026, theo một khảo sát gần đây của Comparisun.

Ngoài Jeff Bezos, nhiều tỉ phú khác, phần lớn trong ngành công nghệ, có khả năng tích lũy khối tài sản lên tới 13 chữ số trong suốt sự nghiệp của mình, trong đó nhà đồng sáng lập Alibaba Jack Ma, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg..., theo SCMP.

Jeff Bezos - nhà sáng lập và CEO của Amazon

Tài sản của Jeff Bezos lớn tới mức ông vẫn tiếp tục là người đàn ông giàu nhất thế giới cho dù đã chuyển 1/4 cổ phần của Amazon cho vợ - bà MacKenzie trong vụ ly hôn đắt giá nhất thế giới năm ngoái. Sau vụ ly hôn, bà MacKenzie trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới.

Tính đến thời điểm bài viết đăng tải ngày 2.5, Jeff Bezos có giá trị tài sản ròng ước tính khoảng 145,4 tỉ USD.

Amazon là một trong số ít công ty hưởng lợi từ việc phong tỏa ngừa COVID-19 khi người tiêu dùng ngày càng chuyển sang thị trường trực tuyến để đáp ứng nhu cầu về các nhu yếu phẩm.

Amazon vẫn có thể tạo ra doanh thu 75,5 tỉ USD vào quý 1 năm 2020 - tăng 26% so với năm trước.

Ngoài hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi, Amazon đã mở rộng sang các lĩnh vực khác dường như chắc chắn sẽ góp phần tăng thêm tài sản cho Jeff Bezos như tham gia thị trường dược phẩm điện tử và chăm sóc sức khỏe đang phát triển gần đây bằng cách mua PillPack và Transcribe Medical.

Jack Ma - đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba

Jack Ma đã từ chức chủ tịch Tập đoàn Alibaba tháng 9 năm ngoái để tập trung vào hoạt động từ thiện nhưng điều đó không khiến tài sản cá nhân của ông ngừng lại.

Trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, Alibaba đã nắm bắt cơ hội để trở thành giải pháp cho các thương hiệu và nhà bán lẻ muốn chuyển sang hoạt động trực tuyến.

Công ty có kế hoạch đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực truyền thống, trong đó có cả hoạt động sản xuất và nông nghiệp, cũng như khoản đầu tư 28,2 tỉ USD gần đây vào cơ sở hạ tầng đám mây. Đây là những yếu tố góp phần giúp Jack Ma đi nhanh hơn trên con đường gia nhập câu lạc bộ nghìn tỉ phú.

Ma Huateng - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tencent Holdings

Pony Ma Huateng (Mã Hóa Đằng) của Tencent đã vượt Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc trong năm nay trong cuộc đua gắt gao giữa hai ông lớn ngành công nghệ. SCMP nhận định, Jack Ma có khả năng lần nữa mất danh hiệu này bởi phong tỏa ngừa COVID-19 cũng tạo thuận lợi cho thúc đẩy đế chế trò chơi trực tuyến của Tencent.

Ngoài ra, Tencent vẫn còn rất nhiều tiềm năng để thu lợi từ WeChat - ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất ở Trung Quốc góp phần giúp Pony Ma Huateng có bảo chứng trên hành trình trở thành nghìn tỉ phú.

Mukesh Ambani - Chủ tịch Reliance Industries Limited

Hồi tháng 4, Facebook tuyên bố sẽ đầu tư 5,7 triệu USD vào Jio Platforms - chi nhánh viễn thông của Reliance Industries. Sự hợp tác này đã góp phần tăng cổ phiếu tập đoàn có trụ sở tại Ấn Độ và đã giúp Mukesh Ambani vượt Jack Ma với tư cách là người giàu nhất Châu Á.

Mukesh Ambani, chủ tịch Reliance Industries. Ảnh: AFP.

Mặc dù dầu có thể vẫn là nguồn thu lớn của Reliance - công ty dầu lớn thứ 6 trên thế giới - vào thời điểm này nhưng các doanh nghiệp công nghệ và viễn thông của công ty dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận lớn, đặc biệt là khi Ấn Độ là thị trường lớn thứ 2 cho người tiêu dùng kỹ thuật số và vẫn còn không gian để tăng trưởng thêm.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của McKinsey, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Ấn Độ chỉ ở mức 26% nhưng có thể dễ dàng tăng lên 50% trong vòng 3 năm tới.

Mark Zuckerberg - đồng sáng lập, chủ tịch kiêm CEO Facebook

Có thể Mark Zuckerberg sẽ mất thêm nhiều năm trên con đường trở thành nghìn tỉ phú trẻ nhất thế giới. Giám đốc điều hành Facebook được dự đoán đạt dấu mốc này vào năm 2036, khi 51 tuổi.

Dù có những lo ngại rằng tăng trưởng của Facebook đã đạt đến điểm bão hòa chưa kể tới việc hãng cũng tăng cường kiểm tra về bảo mật dữ liệu nhưng Facebook đang tích cực phát triển doanh thu bổ sung qua cá sản phẩm và dịch vụ mới trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số.

Facebook cũng đã đầu tư mở rộng dung lượng internet tại các thị trường kém phát triển. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của hãng trong thời gian dài.

Theo Hải Anh/Laodong.vn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/doi-thu-cua-jeff-bezos-trong-cuoc-dua-thanh-ti-phu-nghin-ti-usd-dau-tien-281028.html