Đổi thói quen của người dân, không mua vàng mà mua bảo hiểm xã hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; làm thay đổi suy nghĩ, thói quen của người dân.

Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên hướng dẫn người dân làm thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên hướng dẫn người dân làm thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 24/12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 điểm cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và 646 điểm cầu bảo hiểm xã hội các quận, huyện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Năm 2020, trong bối cảnh toàn cầu bị tác động bởi dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động mà ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao năm 2020.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn, trong năm 2020 toàn ngành luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thiên tai bão, lũ.

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng với hơn 16 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494.000 người, gần gấp đôi so với năm 2019; khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao) - tăng gấp gần năm lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm gần 91% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị thì vượt gần 11%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn.

Năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (đưa tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng lên khoảng 3,2 triệu người); trên 897.000 người hưởng trợ cấp 1 lần; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (tăng hơn 27% so với năm 2015); trên 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 170.481 người (gần 20,4%) so với năm ngoái, tăng hơn 91% so với năm 2015. Đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 167 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú, tăng hơn 28% so với năm 2015.

Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện linh hoạt phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tại nhà, chi trả gộp hai tháng trong cùng một kỳ chi trả; cấp thuốc bảo hiểm y tế cho người bị mắc bệnh mãn tính; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, ngành kịp thời tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn tình trạng một số đối tượng lợi dụng, tranh thủ dịch bệnh, thiên tai để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Anh Trần Trường Sơn, cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Thuận Châu, Sơn La (bên phải) tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ghi nhận các kết quả đạt được của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh đến tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt gần 91% và cho rằng nỗ lực này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lực lượng truyền thông, nhưng vai trò nòng cốt của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là không thể không ghi nhận.

“Với tư cách là Phó Thủ tướng, tôi đánh giá rất cao, và với tư cách là một người dân, tôi rất cảm ơn các đồng chí," Phó Thủ tướng bày tỏ.

Theo Phó Thủ tướng, các tổ chức quốc tế khi biết đến kết quả này đều đánh giá rất cao, vì để diện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90% trở lên thì quốc gia nào làm tốt nhất cũng mất 40 năm, có nước mất đến 70 năm. Việt Nam chỉ làm trong vòng 17 năm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên làm thật, làm thiết thực trong việc đổi mới bộ máy, cải cách hành chính, hiện đại hóa bộ máy hành chính, tinh giản đầu mối bộ máy, phân công trách nhiệm rõ ràng và mạnh dạn tin học hóa một cách thực sự.

“Bảo hiểm xã hội hôm nay có thể tự hào là một trong những cơ quan của Chính phủ làm việc này một cách hiệu quả và thiết thực nhất, không chỉ phục vụ cho công tác của ngành, mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành một trong những nút rất quan trọng của mạng lưới hệ thống công nghệ thông tin để quản trị đất nước," Phó Thủ tướng ghi nhận.

Chỉ hơn nửa năm, Bảo hiểm xã hội cùng với Bưu điện Việt Nam đã lấy được dữ liệu của hơn 90 triệu người dân, hình thành cơ sở dữ liệu đầu tiên về bảo hiểm xã hội, về con người. Việc làm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã góp phần giúp ngành công an vượt qua rất nhiều thủ tục để thúc đẩy dự án thẻ căn cước công dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra; còn tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội…

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; làm thay đổi suy nghĩ, thói quen của người dân là không phải mua gạo, thóc, vàng dự phòng mà phải có tư duy tham gia bảo hiểm xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam bên cạnh việc phối hợp với bưu điện thì cần mở rộng hợp tác với doanh nghiệp trên tinh thần chủ động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng toàn ngành phát triển thị trường, quản lý một cách minh bạch, vì lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng sắp tới đây ngành bảo hiểm xã hội sẽ đạt được kỳ tích trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như trong lĩnh vực bảo hiểm y tế./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doi-thoi-quen-cua-nguoi-dan-khong-mua-vang-ma-mua-bao-hiem-xa-hoi/686115.vnp