Đối thoại về an toàn vệ sinh lao động

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) quốc gia được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, sáng ngày 3/5, Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, địa phương.

Giải quyết sau đối thoại

Năm 2018, Hội đồng Quốc gia ATVSLĐ đã tổ chức hội nghị đối thoại tại Hà Nội, tiếp nhận nhiều ý kiến của doanh nghiệp (DN), địa phương trong thực hiện vấn đề ATVSLĐ. Các bộ, ngành liên quan của Hội đồng Quốc gia ATVSLĐ đã giải quyết những kiến nghị đó. Ông Hà Tất Thắng - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Quốc gia ATVSLĐ cho biết: “Ngay sau đối thoại, Hội đồng đã tổng hợp, ban hành thông báo về kết quả đối thoại. Đồng thời, Hội đồng đã đề nghị các thành viên tiếp tục rà soát, giải quyết và sửa đổi các nội dung liên quan thuộc lĩnh vực quản lý. Sau đối thoại, đến nay đã có 42/63 địa phương thành lập Hội đồng cấp tỉnh và triển khai hội nghị đối thoại cấp tỉnh, kịp thời giải quyết khó khăn cho DN cũng như kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương những vướng mắc cần sự vào cuộc của cấp Trung ương”.

Hội nghị Đối thoại về an toàn lao động năm 2019

Hội nghị Đối thoại về an toàn lao động năm 2019

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đã đơn giản hóa 72,7% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực huấn luyện ATVSLĐ. Chính sách huấn luyện được cải cách theo hướng giao quyền chủ động cho DN nếu đủ điều kiện tự huấn luyện hạng A, tự công bố, thông báo đến Sở LĐ-TB&XH nơi có trụ sở chính; giấy chứng nhận hạng B giao về địa phương; rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ từ 30 ngày còn 25 ngày làm việc đối với cấp mới, 10 ngày đối với cấp lại, cấp đổi tên; đề xuất giảm mức đốn phí thẩm định dịch vụ huấn luyện cho DN. Từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp được trích hỗ trợ việc huấn luyện ATVSLĐ. Đối với hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ có sự trùng lắp ở nhiều đầu mối của các Bộ đã được rà soát, kiến nghị thực hiện lại cho phù hợp. Hội đồng Quốc gia cũng đã thanh tra, chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động dịch vụ kiểm định ATLĐ và huấn luyện ATVSLĐ, xử phạt theo quy định.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Bộ Y tế sau tiếp nhận phản ánh đã tăng cường truyền thông về quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp, thường xuyên cập nhập nội dung trả lời DN kịp thời trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý môi trường y tế. Các bộ, ngành khác như Bộ Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tổng Liên đoàn Lao động đã tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, tập huấn về ATVSLĐ cho chủ DN và người LĐ, đối thoại, lắng nghe ý kiến từ DN và người LĐ thường xuyên hơn, kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở trong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ...

Cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc

Tại hội nghị đối thoại của Hội đồng Quốc gia, nhiều ý kiến của DN đã được gửi đến Hội đồng. Đối với nhóm vấn đề về huấn luyện ATVSLĐ có 11 ý kiến vướng mắc, như DN cho rằng điều kiện tự đào tạo đối với giảng viên quá khắt khe, hoàn toàn không khả thi trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của DN, không phù hợp từng ngành nghề, quy mô công việc cũng như quy mô LĐ; thời gian huấn luyện quá dài; khó sắp xếp cho LĐ tham gia huấn luyện mà không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; các quy định về huấn luyện an toàn chuyên ngành hóa chất, điện, bức xa, vật liệu nổ công nghiệp... còn chồng chéo; quy định đối tượng tham gia huấn luyện chưa hợp lý đối với một số nhóm LĐ làm việc trong môi trường không độc hại, nguy hiểm như văn phòng, tạp vụ; việc cấp phép huấn luyện còn chồng chéo giữa ngành LĐ-TB&XH và ngành Y tế.

Đối với nhóm vấn đề này, Hội đồng Quốc gia đã trả lời rằng tiêu chuẩn người huấn luyện đã được sửa đổi theo hướng giảm tiêu chuẩn và mở rộng thêm cho nhiều người có thể trở thành người huấn luyện theo quy định tại Nghị định 140 của Chính phủ. Đây là vấn đề có tính chất quan trọng nên bắt buộc phải có yêu cầu số năm kinh nghiệm, chương trình bắt buộc chung, có quy định phần nội dung phù hợp chuyên ngành của DN. Thời gian huấn luyện dài nhằm đảm bảo nội dung huấn luyện lần đầu nên DN phải chủ động bố trí, sắp xếp trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. DN khó khăn về tự huấn luyện thì có thể thuê đơn vị đủ điều kiện đến huấn luyện. Hội đồng cũng tiếp thu những nội dung chồng chéo để đề xuất Chính phủ sửa đổi khi xây dựng, sửa đổi văn bản.

Ông Nguyễn Quang Tiến, GĐ CTy TNHH DV Môi trường Lao động Khánh hòa phát biểu tại Hội nghị

Đối với nhóm chế độ, chính sách ATVSLĐ có 7 ý kiến. Nhiều DN cho rằng việc bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định là không cần thiết; cần thay đổi cách tính bồi dưỡng bằng hiện vật; cần bổ sung phương pháp xác định đặc điểm, điều kiện LĐ và thống nhất văn bản đối với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; bổ sung thêm các trường hợp loại trừ tai nạn xảy ra trong quá trình LĐ không được xem là tai nạn LĐ. Hội đồng Quốc gia đã trả lời rằng mục đích của bồi dưỡng bằng hiện vật là để phục hồi sức khỏe, sức đề kháng, phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho người LĐ nên bắt buộc phải thực hiện. Pháp luật quy định giao quyền chủ động cho chủ sử dụng LĐ xác định cơ cấu hiện vật để bồi dưỡng cho người LĐ phù hợp với ngành nghề, công việc. Hội đồng sẽ nghiên cứu và bàn thảo về quy định xác định ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thống nhất thực hiện.

DN kiến nghị cần sửa đổi thời hạn phối hợp điều tra tai nạn LĐ tại Nghị định 39 của Chính phủ cho phù hợp hơn; bổ sung chế tài xử phạt tại Nghị định số 95 của Chính phủ đối với nội dung đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; phân cấp điều tra và chỉnh sửa mẫu báo cáo tai nạn LĐ trong khu vực không có tai nạn LĐ đơn giản hơn. Hội đồng Quốc gia trả lời rằng điều tra tai nạn LĐ chết người qua nhiều bước phức tạp nên đã tính toán thời gian phù hợp khi ra quy định; cấp huyện chưa có thanh tra lao động nên phân cấp điều tra tai nạn LĐ trong khu vực không có quan hệ LĐ là không khả thi, mẫu biểu báo cáo đã tinh gọn đến mức giản đơn cho DN dễ thực hiện.

Chiều ngày 3/5/2019, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB& XH, Cục An toàn lao động và Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho những lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại tỉnh Quảng Nam.

Giang Sơn

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/doi-thoai-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-d96631.html