Đối thoại Mỹ - Triều Tiên: 365 ngày duyên nợ

Diễn biến năm qua và thời gian gần đây cho thấy quan hệ Mỹ - Triều Tiên và tình hình bán đảo Triều Tiên đang cải thiện theo hướng 'chậm mà không chắc'. Phân tích của Thế giới & Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc tiếp xúc ngắn ngủi tại Khu phi quân sự (DMZ) Hàn – Triều ngày 30/6/. (Nguồn: AP)

Nhận định này là có cơ sở, nếu xét trên những khía cạnh sau.

Thứ nhất, thời gian qua, Triều Tiên tiếp tục thực hiện các hoạt động thử tên lửa. Mới đây, ngày 14/12, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết: “Một vụ thử quan trọng đã được thực hiện thành công tại bãi thử vệ tinh Sohae từ lúc 22h41 đến 22h48' ngày 13/12”. Thành công trong nghiên cứu này sẽ được “áp dụng để tăng cường hơn nữa sự ngăn cản hạt nhân chiến lược đáng tin” của Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa 10 lần kể từ đầu tháng 5, với tuần suất trung bình là 1 – 2 vụ/tháng. Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm đàm phán Mỹ - Triều Tiên chững lại, sau tiến bộ tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.

“Ngoại giao tên lửa” của Triều Tiên khi đó không chỉ nhằm thể hiện sức mạnh, mà còn tạo áp lực đối với các nước liên quan để đạt mục đích cuối cùng là dỡ bỏ cấm vận. Vụ thử nghiệm tại Sohae ngày 13/12 vừa qua diễn ra 3 ngày trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp về vấn đề Triều Tiên và dự thảo chấm dứt trừng phạt Triều Tiên được nêu. Tuy nhiên, sau nhiều lần sử dụng, “ngoại giao tên lửa” dần mất tác dụng và không còn ảnh hưởng như cuối năm 2017. Phản ứng của Tổng thống Donald Trump hay Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper là tương đối bình tĩnh, không thể hiện sự vội vã như một năm trước.

Thứ hai, kể từ sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy đàm phán với Chủ tịch Kim Jong-un song, song thất bại khi không đạt đồng thuận về định nghĩa hay lộ trình phi hạt nhân hóa. Trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 16/12, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã phủ nhận việc ra hạn chót với Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định sẽ hoàn thành cam kết Singapore.

Ngược lại, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sẽ có “món quà giáng sinh” dành cho Tổng thống Donald Trump, tùy thuộc vào hành xử của Washington. Giới chuyên gia cho rằng đây là tuyên bố mào đầu cho vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo sau hoặc tên lửa Đạn đạo Xuyên lục địa (ICBM), sau khi đã thử động cơ hai tầng cho ICBM. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, đã đến lúc “Mỹ và Triều Tiên cần xem xét nghiêm túc và thảo luận về một giải pháp chính trị để phi hạt nhân hóa bán đảo này”, song rõ ràng “giải pháp chính trị” đó chưa đến ở thời điểm hiện tại.

Thứ ba, nỗ lực của cộng đồng quốc tế năm vừa qua nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chưa đạt kết quả cụ thể. Ngày 16/12, Nga và Trung Quốc đã trình dự thảo nghị quyết lên HĐBA LHQ, đề nghị chấm dứt một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên “nhằm cải thiện sinh kế của người dân nước này”. Dự thảo này cần được 9/15 thành viên thông qua và không bị thành viên thường trực phủ quyết. Điều này là rất khó, khi dự thảo sẽ lấy đi một phần “tiền vốn” của Mỹ trong canh bạc với Triều Tiên và Washington chắc chắn sẽ không làm ngơ. Nỗ lực “làm hòa” của Hàn Quốc hay đề xuất đàm phán phi điều kiện của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng cũng chưa được hồi đáp xứng đáng.

Năm qua là quãng thời gian bấp bênh của quan hệ Mỹ - Triều Tiên nói riêng và tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nói chung. Dù vậy, đây tiếp tục là vấn đề Tổng thống Donald Trump mong muốn giải quyết sớm, lấy đó làm thành tích để tái cử vào tháng 10/2020. Vì thế, không loại trừ khả năng đầu năm tới, Washington có thể nhượng bộ nhằm nối lại, thúc đẩy đàm phán nhằm đạt kết quả cụ thể. Cho đến lúc đó, ngày yên bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn xa.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-thoai-my-trieu-tien-365-ngay-duyen-no-106297.html