Đối thoại để ổn định lòng dân

Khu vực cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) trở thành điểm 'nóng' từ ngày 29-7, khi người dân tập trung chặn đường lên nhà máy của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường MD (Nhà máy xử lý rác MD). Bài viết này chúng tôi muốn có cái nhìn khách quan, ghi nhận ý kiến của người dân và phân tích để thấu tỏ sự việc.

Đông đảo người dân tham gia đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng, sáng 15-8. Ảnh: Văn Chương

Sáng 15-8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng về Sa Huỳnh đối thoại trực tiếp với người dân về vấn đề xử lý rác thải, cụ thể là Nhà máy xử lý rác MD, đặt tại xã Phổ Thạnh. Ước tính khoảng 500 người dân vào hội trường đối thoại trực tiếp, còn khoảng 400 người đứng trước trụ sở UBND xã. Đa số người đến đối thoại trực tiếp là phụ nữ, vì chồng và con trai đều đi đánh cá ngoài biển.

Ông Lý Thành Công, một trong số những người đàn ông hiếm hoi có mặt trong buổi đối thoại, nhà ở khu vực trục đường mới, gần với bãi rác nhất, tỏ ra điềm đạm: “Tôi ở gần quốc lộ mới, hồi trước, khu vực bãi rác có nhiều ruồi, quạ, gia đình chịu không nổi, không ăn cơm được. Nhưng từ ngày có nhà máy xử lý rác thì tình hình tiến bộ hơn”. Ông Công cũng nhắc đến việc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đều đặt nhà máy trong thành phố để xử lý rác thải cho dân. Tuy nhiên, ý kiến của ông Công lập tức bị đám đông phụ nữ phản đối 2 lần bằng cách la ó. Trước sự phản đối từ đám đông, ông Công vẫn bình tĩnh và đề nghị chị em để ông phát biểu ý kiến, ông khẳng định, nguyên nhân gây ô nhiễm thời gian qua là do rác ách tắc và người dân tự đốt rác gây khói bụi từ ni lông.

Một phụ nữ ngồi trong hội trường đứng lên bày tỏ quan điểm: “Nhà máy xử lý rác MD chỉ xử lý rác cho xã Phổ Thạnh chứ không phải cho cả tỉnh, nếu xử lý cho cả tỉnh, thì nhà máy rác phải chuyển đi chỗ khác”. Ý kiến này được rất đông người dân, chủ yếu là phụ nữ vỗ tay hoan hô rầm rầm. Mặc dù ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ rằng: “Tỉnh rất khó khăn trong việc mời gọi nhà đầu tư, vì các doanh nghiệp ra điều kiện là được tiếp nhận xử lý 100 ngàn khối rác/ngày, đêm thì họ mới bỏ tiền xây nhà máy tại địa bàn, trong khi nhà máy MD chỉ xử lý được 25 tấn rác/ngày, đêm”.

Khi nghe ông Hải nhắc đến từ 100 ngàn khối rác thì đám đông phụ nữ lại tiếp tục la ó. Bên ngoài hội trường, một số chị em nghe không rõ và đã nhắc lại rằng, “Sa Huỳnh cho nhà máy mỗi ngày chở 100 ngàn khối rác về địa phương!”. Vậy là mọi thứ lại trở nên hỗn loạn.

Ông Nguyễn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ nói về việc huyện sẽ xin tỉnh cấp kinh phí để xử lý hơn 22.000 khối rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Vì trước đây, rác chỉ chôn lấp mà không qua xử lý. Vừa rồi, Nhà máy xử lý rác MD xới một ít rác cũ lên đưa vào lò nên bốc mùi hôi. Khi ông Thịnh nhắc đến việc nhà máy là nơi xử lý rác của các xã trong toàn huyện thì chị em lại la ó ồn ào, cắt ngang mà không hiểu rằng, số tiền Nhà nước bỏ ra để xử lý rác cho chính người dân Sa Huỳnh là rất lớn.

Lại có ý kiến lên án nhà máy, tại sao không lo xử lý hết đống rác của người dân Sa Huỳnh bỏ lại từ 13 năm trước, mà lại đi chở rác về công ty? Ý kiến này là cảm tính, chứng tỏ người dân đã quá quen với cụm từ “Nhà nước hỗ trợ”. Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường MD là doanh nghiệp tư nhân tự bỏ tiền ra đầu tư. Nếu xử lý đống rác tồn dư thì chi phí khoảng 10 tỷ đồng.

Kết thúc buổi đối thoại, ý kiến tích cực của một số người dân không được cộng đồng lắng nghe, còn ý kiến đòi “đuổi” nhà máy ra khỏi địa bàn để khỏi gây ô nhiễm lại trở nên thắng thế và được đông đảo chị em nhất trí hoan hô.

Trước đó, ngày 29-7, người dân Sa Huỳnh, phần lớn là phụ nữ và người già đã chặn đường không cho xe chở rác vào bãi. Phần lớn chị em đều tỏ ra sốt sắng, dựng lều trại, bỏ vật cản, ngăn không cho xe rác băng qua dốc núi, đi vào công ty nằm giữa vùng thấp của 2 sườn đồi. Lý do người dân đưa ra là bãi rác có mùi hôi, rác của cả tỉnh dồn về địa phương. Trong khi đó, chính quyền huyện cam kết, nhà máy chỉ là nơi xử lý rác cho các xã của huyện.

Chiều ngày 10-8, khi tôi vừa dừng chân lại chụp ảnh bãi rác bốc mùi nằm cạnh đường đi thì một phụ nữ lập tức cũng dừng xe, ánh mắt tò mò và chuyển sang nghi ngờ. Chị cho biết, Nhà máy xử lý rác MD làm cho mùi hôi thối gây ảnh hưởng môi trường, mộ của dòng họ nhà chị cũng ám khói. Vậy nhưng khi tôi hỏi tên và đề nghị chị dẫn lên khu mộ để thu thập chứng cứ thì chị lại từ chối.

Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường MD (Công ty MD) được xây dựng trên một khu đồi núi xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), đi vào hoạt động từ tháng 1-2018, công suất đốt rác 50 tấn/ngày đêm (hiện chỉ đốt 25 tấn). Công trình này được Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Cục Môi trường đánh giá cao.

Kết luận buổi đối thoại sáng ngày 15-8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng thể hiện trách nhiệm của chính quyền đối với người dân. Ông Căng xin lỗi về việc chính quyền địa phương đã không lấy ý kiến của nhân dân mà đã làm tắt bằng cách họp các đoàn thể để lấy ý kiến về việc xây dựng nhà máy và đề nghị người dân không nên nghe theo những thông tin sai lệch; số rác cũ tồn đọng, nhà máy nên chọn thời gian xử lý vào lúc 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng để khỏi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Sáng 23-8, đồng chí Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có phiên đối thoại với người dân lần 3 và thừa nhận quá trình xây dựng nhà máy cũng có những thiếu sót. Ông Bính kết luận nhà máy dừng hoạt động, sẽ chuyển đi vị trí khác, đồng thời cũng chia sẻ câu chuyện những năm trước đây, người dân ở cửa biển Sa Huỳnh và địa phương liên tục đề nghị xây dựng nhà máy xử lý rác, vì dân cư quá đông (26.000 người), ô nhiễm tràn lan. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi mới quyết định kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy rác tại Sa Huỳnh để lo cho dân...

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-thoai-de-on-dinh-long-dan/