Đối thoại bất thành, người dân tiếp tục chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn

Ngày 3.7, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức đối thoại với người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn nhưng không có kết quả, khiến xe chở rác vẫn chưa thể vào bãi.

Hàng trăm người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn đã đối thoại với chính quyền về đền bù di dời nhưng không có kết quả - Ảnh Lê Quân

Ngày 3.7, hàng trăm người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn phạm vi 500 m, tập trung tại thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn) tham dự buổi đối thoại về việc thực hiện đền bù di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng.

Ngoài đại diện UBND huyện Sóc Sơn, lãnh đạo cấp xã còn có đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội đến đối thoại, ghi nhận ý kiến của người dân.

Về mức đền bù loại đất nông nghiệp là 230 triệu đồng/sào Bắc bộ, cơ bản người dân có đất trong vùng ảnh hưởng đã đồng ý nhận tiền đền bù. Hộ nào có đầy đủ giấy tờ của đất nông nghiệp thì được nhận tiền trước. Những hộ có đất dồn thửa sẽ đền bù, nhận tiền đợt sau. Tuy nhiên, mức đền bù đất thổ cư, đất liền kề, tài sản, hoa màu trên đất… chưa được người dân đồng ý.

Ông Nguyễn Thanh Trung (55 tuổi, ở thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn) bức xúc cho biết, mỗi hộ có tối đa 400 m2 đất thổ cư, giá đền bù loại đất này đưa ra là 860.000 đồng/m2, thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thực tế trên thị trường.

“Bao năm qua, chúng tôi chịu khổ cơ cực, sống chung với mùi hôi thối của bãi rác Nam Sơn, có ai hiểu thấu? Nay có chủ trương di dời, người dân rất mừng nhưng quả thực giá đền bù như vậy quá bèo bọt. Số tiền chúng tôi nhận được quá ít để tái định cư”, ông Trung nói.

Rất đông người dân đã đến nhà văn hóa thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn tham gia đối thoại - Ảnh Lê Quân

Nhiều ý kiến của người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn cũng cho rằng, mức giá đền bù đất liền kề chỉ 78.000 đồng/m2 là quá thấp. Chưa kể giá đền bù cây cối, hoa màu, tài sản trên đất cũng bèo bọt nên không thể nhận tiền, bàn giao mặt bằng di dời.

“Nếu nhà nước không điều chỉnh mức giá đền bù các loại đất, tài sản ngoài đất nông nghiệp, người dân chúng tôi nhất quyết không nhận tiền đi tái định cư. Thêm nữa, việc di dời mồ mả sẽ được đền bù như thế nào? Không thể để cha, ông chúng tôi nằm trong vùng ô nhiễm được”, bà Nguyễn Kim Loan bày tỏ.

Tại buổi đối thoại, nhiều người dân cũng bày tỏ nỗi bức xúc về tình trạng trì trệ của việc đền bù di dời cho những hộ dân gần bãi rác Nam Sơn. “Năm 2016, khi chúng tôi quá bức xúc với tình trạng ô nhiễm của bãi rác Nam Sơn, kéo nhau chặn xe chở rác vào bãi đổ. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã hứa hẹn là hết năm 2018 sẽ hoàn thành di dời. Đến hết 2018, chúng tôi vẫn phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm môi trường, hôi thối, xú uế bốc ra từ bãi rác, lại chặn xe chở rác vào bãi. Để người dân giải tán, họ lại hứa đến hết 30.6.2019 sẽ đền bù cho dân di dời. Nhưng nay đã quá thời hạn 6 tháng, dân chúng tôi vẫn khổ sở vì bãi rác Nam Sơn nên chiều 1.7 mới kéo nhau chặn xe rác vào bãi. TP.Hà Nội liên tục thất hứa, chúng tôi biết trông cậy vào ai?”, ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân ở xã Nam Sơn, cho biết.

Nhiều người dân đề nghị TP.Hà Nội hoàn thành chi trả đền bù di dời toàn bộ người dân ở vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn phạm vi 500 m trong tháng 7. Việc chi trả tiền đền bù di dời phải thực hiện 1 lần, không chi trả lẻ tẻ, mức độ đền bù giữa các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ là như nhau.

Hết chỗ ngồi, người dân đứng tràn ra ngoài hè, sân nhà văn hóa để bày tỏ nguyện vọng, nghe ý kiến của chính quyền về đền bù di dời - Ảnh Lê Quân

Tại buổi đối thoại, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch huyện Sóc Sơn, cho biết UBND huyện cũng đã thực hiện các quy trình đền bù di dời theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Tháng 3 vừa qua mới hoàn thành cắm mốc giới bàn giao, công khai các quy trình giải phóng mặt băng, chính sách. Trong quý 2 vừa qua đã thực hiện các khâu đo đạc, kê khai, kiểm đếm, thiết lập phương án đền bù…

Trong quá trình thiết lập hồ sơ cũng như nắm bắt thông tin, người dân có rất nhiều kiến nghị. Trên cơ sở những kiến nghị như vậy, UBND huyện cũng đã tổng hợp ý kiến, báo cáo lên các sở ngành, UBND TP.Hà Nội.

Ông Tuấn cũng hé lộ nguyên nhân chậm đền bù di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng là khó khăn về vốn. "Các việc đến giờ này huyện đang rất tích cực triển khai, các sở ngành, thành phố hiện nay cũng rất tích cực về vấn đề vốn. Hiện nay, cũng phải vay qua Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Ngày 28.6 vừa qua, thành phố mới có chỉ đạo chi trả. Ngày hôm qua, ngày hôm nay, huyện đang trả tiền các phương án đợt 1, đợt 2, từ giờ tới cuối tuần sẽ trả đợt 3", ông Tuấn cho biết thêm.

Buổi đối thoại không đạt được kết quả, người dân ở huyện Sóc Sơn vẫn chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn - Ảnh Lê Quân

Trước hàng trăm người dân, ông Tuấn cũng nhận trách nhiệm về việc chậm tri trả tiền đền bù di dời. "Với góc độ trách nhiệm của huyện, cũng xin báo cáo tiến độ như vậy, huyện cũng nhận trách nhiệm về tiến độ chậm, tuy nhiên cũng xin thông báo với bà con rằng có những quy trình như vậy cần phải làm".

Nhiều người dân bày tỏ thất vọng về những câu trả lời của lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng như lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường. Thậm chí, bức xúc vì không đạt được kết quả đối thoại, người dân dự buổi đối thoại không ký vào biên bản trước khi ra về.

“Đối thoại không có kết quả, chúng tôi sẽ tiếp tục thay phiên không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Chừng nào nhận được đủ tiền đền bù, chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng, để xe chở rác vào bãi. Chúng tôi cần lãnh đạo TP.Hà Nội, huyện Sóc Sơn nói cụ thể sẽ đền bù di dời vào khi nào, mức giá là bao nhiêu?”, ông Nguyễn Văn Hoàn, một người dân ở điểm tập trung chặn xe chở rác tại tỉnh lộ 35, nói.

Lê Quân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/doi-thoai-bat-thanh-nguoi-dan-tiep-tuc-chan-xe-rac-vao-bai-rac-nam-son-1099583.html