Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh - 80 năm viết nên trang sử vàng

80 năm qua ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội với lớp lớp các thế hệ đội viên đã trở thành những nhà lãnh đạo, công dân ưu tú, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Quyền Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (1981). (Ảnh: Ngọc Quán/TTXVN)

Quyền Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (1981). (Ảnh: Ngọc Quán/TTXVN)

Quyền Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (1981). (Ảnh: Ngọc Quán/TTXVN)

Cách đây 80 năm, vào ngày 15/5/1941, Đội Nhi đồng Cứu quốc được thành lập ở gần hang Pác Bó, dưới chân núi Thoong Mạ, thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Đây là tổ chức tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với 5 đội viên đầu tiên, do anh Kim Đồng làm Đội trưởng.

Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng những trang sử vàng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tự hào những trang sử Đội

Từ ngày thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú ý đến lực lượng thanh thiếu nhi; có nhiều chủ trương và giải pháp để tập hợp, tổ chức, vận động họ hòa vào làn sóng cách mạng của cả dân tộc, đấu tranh giành độc lập tự do và xây dựng Tổ quốc.

Ngay từ tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Nhất đã đề cập đến việc tập hợp thiếu nhi vào các tổ chức thiếu niên cách mạng, Hồng nhi Đoàn… và giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách.

Không lâu sau đó, tháng 3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần II đã quyết định thành lập Đoàn và tới Hội nghị lần thứ VIII (tháng 5/1941), Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết các lực lượng đánh Tây, đánh Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Ngay sau đó, ngày 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Đội Nhi đồng Cứu quốc được thành lập và là thành viên của Mặt trận Việt Minh, hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung: "Dự bị đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập."

Theo từng thời kỳ, Đội Nhi đồng Cứu quốc đã đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng như: Đội Nhi đồng Cứu quốc, Đội Thiếu niên Tháng Tám, Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Vâng theo lời Bác dạy, cùng cha anh làm cách mạng, Đội Thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở khắp các địa phương trong cả nước. Các đội viên, thiếu nhi đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 với các hoạt động như: Làm liên lạc, trinh sát, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ xóm làng, tham gia lao động tiết kiệm, xóa mù chữ...

Nhiều đội viên thiếu nhi anh hùng đã xuất hiện như Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính... đã trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam noi theo; làm sáng ngời trang sử của Đội Thiếu niên Tiền phong.

Tọa đàm "Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh - 80 năm mùa hoa lớn lên cùng đất nước" tại Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp thiếu nhi Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc đã góp phần "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thông qua các phong trào: "Trần Quốc Toản" (do Bác Hồ phát động năm 1948), "Vì miền Nam ruột thịt," "Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước," "Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy." Nhiều tập thể Đội và đội viên đã giành danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ"; nhiều đội viên thiếu niên Tiền phong trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngu; các anh hùng thiếu nhi quên thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xóm làng như: Trần Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Kơpa Kơlơng, Trần Văn Uẩn...

Từ những đội viên đầu tiên, đến nay, Ðội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển lớn mạnh với hơn 8,2 triệu đội viên, hơn 24.200 tổng phụ trách trong các trường học, cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư; hàng nghìn cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên hoạt động trong các cơ sở đội, nhà thiếu nhi… ngày đêm miệt mài chăm lo cho các thế hệ măng non của đất nước.

80 năm qua, những trang vàng sử Đội và hào khí truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng sáng rọi. Lịch sử, truyền thống đó gắn liền với phong trào thiếu nhi Việt Nam và là một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử Đảng, dân tộc và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...

Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã tặng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng.

Thành tích đó đã đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và lớp lớp thiếu nhi Việt Nam.

Phát huy truyền thống vẻ vang

Luôn khắc ghi lời Bác dạy: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình. Để tham gia kháng chiến/ Để giữ gìn hòa bình," đội viên thiếu niên tiền phong và thiếu nhi Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức Đội, góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng chung.

Suốt những năm qua, các phong trào và hoạt động của Đội luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương cho biết, nhiều phong trào đi qua các giai đoạn lịch sử nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị giáo dục, thực tiễn, tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội.

Thiếu nhi ở khu phố Hàng Cỏ đến chăm sóc, tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu cho cây và hoa ở công viên văn hóa Bảy Mẫu (14/2/1960). (Ảnh: Lê Minh Trường/TTXVN)

Trong đó phải kể đến phong trào "Kế hoạch nhỏ" (1958), "Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy," phong trào "Nghìn việc tốt," "Uống nước nhớ nguồn," "Áo lụa tặng bà."

Để các phong trào phù hợp với từng thời điểm lịch sử phát triển của đất nước và nhu cầu của thiếu nhi, mỗi địa phương lại có những cách làm sáng tạo cho phù hợp mang lại hiệu quả ngày càng thiết thực hơn.

Những năm gần đây, hoạt động Ðội và phong trào thiếu nhi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới của thực tiễn công tác Đội và phong trào thiếu nhi, Hội đồng Đội Trung ương đã phát động trong thiếu nhi một số phong trào, cuộc vận động mới như phong trào "Em yêu lịch sử Việt Nam," "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ"; Cuộc vận động " Đàn gà khăn quàng đỏ," xây dựng "Ngôi nhà khăn quàng đỏ"…

Các phong trào, cuộc vận động, chương trình mới đã tạo ra động lực thi đua sôi nổi trong thiếu nhi cả nước.

Để chăm lo cho thiếu nhi, tổ chức Ðoàn, Ðội các cấp đã tập trung thực hiện hai chỉ tiêu của Nghị quyết Ðại hội Ðoàn toàn quốc lần thứ XI: "Hỗ trợ 1,5 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn" và "Xây dựng mới tại mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất một điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi."

Qua 4 năm triển khai, cả nước có hơn 7.400 điểm vui chơi mới của thiếu nhi tại các xã, phường, thị trấn; hơn 2,8 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức với tổng kinh phí gần 1.106 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu" được đẩy mạnh đã tạo ra những kết quả tích cực.

Các chương trình, hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, nước sạch, tiết kiệm, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, phòng chống các tệ nạn xã hội, giao lưu, hội nhập quốc tế, định hướng cho thiếu nhi tham gia các trò chơi trực tuyến, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ý nghĩa giáo dục, lành mạnh, tránh xa các trò chơi độc hại, có yếu tố bạo lực, phản văn hóa được phát huy.

Thiếu nhi Việt Nam ngày càng có cơ hội thể hiện tiếng nói, quyền tham gia của mình vào các vấn đề liên quan đến trẻ em nhờ mô hình Hội đồng trẻ em và các Câu lạc bộ Quyền trẻ em trong các liên đội, địa bàn dân cư, hệ thống cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.

Các em thiếu nhi Hà Nội biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe – Tiến bước lên Đoàn” với chủ đề “Mừng sinh nhật Bác, Tự hào truyền thống Đội.” (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hàng triệu thiếu nhi có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, thi đua làm theo "5 điều Bác Hồ dạy" đã được tuyên dương tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ các cấp, qua đó thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với thế hệ măng non của đất nước, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương khẳng định.

80 năm ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội với lớp lớp các thế hệ đội viên đã trở thành những nhà lãnh đạo, công dân ưu tú, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Phát huy truyền thống vẻ vang trong 80 năm qua, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đang ra sức học tập, rèn luyện, sáng tạo không ngừng để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội; tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài, xây dựng tổ chức Đội ngày càng vững mạnh; góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh./.

Các đại biểu thiếu nhi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ II ký tên vào lá cờ hòa bình trong hoạt động vì hòa bình tại Cung Thiếu nhi Hà Nội (6/7/1986). (Ảnh: Trần Ấm/TTXVN)

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gắn Huân chương Sao vàng lên lá cờ truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (2001). (Ảnh: Đình Trân/TTXVN)

Quyền Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (1981). (Ảnh: Ngọc Quán/TTXVN)

Đại biểu trẻ em thảo luận ở tổ về các vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5/2017 chủ đề Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (2017). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với thiếu nhi xã N’ Thoil Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (2016). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thiếu nhi Trường miền Nam 6 làm trên 2 tấn than quả bàng để bán gây quỹ Kế hoạch nhỏ"(1958). (Ảnh: TTXVN)

Với sự hướng dẫn của giáo viên, các em học sinh Bắc Lý đã chế tạo thành công chiếc guồng nước cải tiến dùng ở đồng bằng, với 1 người đạp nhẹ có thể đưa nước lên cao 2m, năng suất bằng 4 người tát gầu (1960). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Các em học sinh hưởng ứng phát động làm kế hoạch nhỏ để xây dựng nhà máy nhựa Hải Phòng (1959). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Thiếu nhi ở khu phố Hàng Cỏ đến chăm sóc, tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu cho cây và hoa ở công viên văn hóa Bảy Mẫu (14/2/1960). (Ảnh: Lê Minh Trường/TTXVN)

Hưởng ứng phong trào thi đua làm 1000 việc tốt, thiếu niên xã Hồng Lĩnh (Nghệ An) góp sức nhỏ bảo vệ sản xuất như bắt chuột bảo vệ lúa và hoa màu (1966). (Ảnh: Vũ Hanh/TTXVN)

Học sinh lớp 4 trường Châu An, huyện Quảng Châu (Thanh Hóa) tham gia sản xuất trong dịp hè (7/1958). (Ảnh: Vũ Tín/TTXVN)

Đội thiếu niên tiền phong Hoàng Văn Thụ, xã Hà Thành, Tứ Kỳ (Hải Dương) nhận chăm sóc châu bò cho hợp tác xã (1960). (Ảnh: Võ Văn Thanh/TTXVN)

Hưởng ứng khẩu hiệu Chăm sóc trâu, bò béo để chống Mỹ, học sinh lớp 4, trường cấp I Mỹ Hưng, Hà Nam cân cỏ vừa cắt được để cho trâu ăn (1967). (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Tượng Anh hùng thiếu niên Kim Đồng, Đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ở Cao Bằng. Kim Đồng, tên thật là Nông Văn Dền, dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ canh gác cho cán bộ họp, ngày 15/2/1943, khi vừa tròn 14 tuổi. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu niên là dũng sỹ diệt Mỹ ở miền Nam ra thăm miền Bắc (3/1962). (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi Thủ đô đến chúc mừng Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1960). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện thân mật với cháu Hay Đơn, thiếu nhi dân tộc Tây Nguyên ra thăm miền Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Các em học sinh và thầy cô trường THCS Gia Lộc, Hải Dương hưởng ứng Lễ phát động ủng hộ cuộc vận động "Vòng tay bè bạn" trong thiếu nhi cả nước nhằm giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (1999). (Ảnh: Đình Trân/TTXVN)

Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc vui thích trong khu vui chơi mới được Đoàn Đội các cấp thuộc Tỉnh Đoàn Long An trao tặng (2021). (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Trao tặng 3.000 chiếc khăn quàng đỏ của Hội Đồng đội Trung ương cho các em thiếu nhi tỉnh Sơn La tại Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên đoàn năm 2021. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Các em thiếu nhi chia sẻ ý kiến của mình tại buổi tọa đàm Thiếu nhi 4.0: Xem gì, Nghe gì, Đọc gì? do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN.)

Màn đồng diễn Thiếu nhi Sơn La vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn của 600 học sinh tại Ngày hội (2021). (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ban tổ chức trao giải cho các học sinh có mô hình/sản phẩm xuất sắc tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ X (2019). (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Em Lê Trọng Hiếu, học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), với nhiều thành tích 9 năm liền là học sinh giỏi, đạt hơn 100 giải thưởng. Năm 2020, Lê Trọng Hiếu vinh dự là 1 trong 63 gương sáng điển hình của cả nước, đại diện cho tỉnh Đồng Nai tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc. (Ảnh: Lê Xuân /TTXVN)

Trao tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn cho thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc tại Liên hoan Thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Các em học sinh tham gia hoạt động hướng dẫn trồng và chăm sóc cây xanh tại Lễ tổng kết chương trình Vì Việt Nam xanh, sạch và an toàn cho trẻ em năm 2020 và Ngày hội Thiếu nhi với môi trường. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Các trại viên Trại hè thanh thiếu niên kiều bào Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 14 năm 2019 với chủ đề Tự hào biển đảo quê hương trước giờ lên đường. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trẻ em huyện Phong Thổ (Lai Châu) với phần thông điệp về nạn buôn bán người, buôn bán trẻ em tại Diễn đàn trẻ em Lai Châu năm 2019 với chủ đề Trẻ em với các vấn đề về trẻ em. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Các em học sinh tham quan những sản phẩm tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ IX được tổ chức tại Vĩnh Long (2020). (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Thiếu niên Thủ đô tham gia Lễ phát động đi bộ vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em với chủ đề Đội mũ cho con trọn tình cha mẹ (2019). (Ảnh: TTXVN)

Đoàn thiếu niên Việt Nam giao lưu với câu lạc bộ kiếm đạo của Trường PTCS Matsubara ở Kyoto, Nhật Bản (2019). (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)

85 trẻ em đại diện cho hơn 3.000 trẻ em tại 17 Làng trẻ em SOS trên cả nước tham dự Diễn đàn trẻ em SOS quốc gia lần thứ nhất (2019).(Ảnh: TTXVN phát)

Thiếu niên thành phố Bắc Ninh tham dự Chương trình Thiếu niên Bắc Ninh với quyền trẻ em năm 2019. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Lễ kết nạp đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của trường Tiểu học, Phổ thông Cơ sở Hồng Thái (Tuyên Quang) tại Cây đa Tân Trào lịch sử (1995). (Ảnh: Đình Trân/TTXVN)

Đội viên trường THCS Mường Thanh (Điện Biên) nghe cựu đại tá Nông Văn Khâu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu II, Trưởng Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lai Châu kể chuyện về chiến dịch Điện Biên (2003). (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doi-thieu-nien-tien-phong-ho-chi-minh-80-nam-viet-nen-trang-su-vang/712677.vnp