Đổi thay trên từng phum, sóc

Những ngày này, Đồng bào Khmer Nam bộ đang nô nức, phấn khởi chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer đang có những đổi thay tích cực.

Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Khmer giảm 3 - 5%

Giờ đây, đến với xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), xã Tập Sơn (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang)… dễ dàng nhận thấy những đổi thay tích cực ở các ấp, phum, sóc – nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Với việc triển khai các Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới… nhiều công trình điện, đường, trường, trạm ở các ấp của đồng bào Khmer đã được đầu tư khang trang. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc đều có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt trên 92%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 80%, có nơi trên 90%. Cùng với những ngôi trường xinh đẹp, hệ thống trạm y tế cũng được xây cất và trang bị khá đầy đủ các thiết bị chuyên dùng. Đặc biệt, nhiều xã đã xây dựng, mở rộng, nâng cấp hầu hết đường giao thông nông thôn; xây dựng mới hàng trăm cây cầu bê tông, xe 2 bánh có thể đi lại dễ dàng.

Ngoài học văn hóa, các em học sinh người Khmer còn được giảng dạy tiếng Khmer tại các chùa của địa phương

Ngoài học văn hóa, các em học sinh người Khmer còn được giảng dạy tiếng Khmer tại các chùa của địa phương

Cùng với cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ định canh định cư theo Quyết định 33; hỗ trợ giải quyết đất ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo Quyết định 29, Quyết định 755; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo sinh sống ở vùng khó khăn theo Quyết định 102... cũng liên tục được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào dân tộc Khmer. Từ chỗ được hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật, bà con đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng và triển khai các mô hình hợp tác sản xuất gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới… góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào Khmer giảm rõ rệt từ 3 - 5%/năm.

Tập trung vào các chính sách dài hạn

Giai đoạn trung hạn 2016 - 2020, Ủy ban Dân tộc đã làm tham mưu cho Đảng và Chính phủ nhiều chính sách về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer với nhiều nội dung có tính chất toàn diện, đa mục tiêu, dài hạn theo hướng giảm nghèo đa chiều. Các chính sách tập trung ưu tiên cho lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, thu hẹp khoảng cách sự chênh lệch, nâng cao nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tháng 4 này, cùng với không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 6/4, tại Thành phố Cần Thơ, UBDT và Thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2019. Trước đó, ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng đã có thư chúc Tết toàn thể đồng bào dân tộc Khmer.

Trong thư, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Trong năm 2018, đồng bào Khmer đã góp nhiều công sức để tôn tạo, tu bổ các chùa; tập trung sản xuất, kinh doanh để cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường. Các vị sư sãi, Achar Phật giáo Nam tông Khmer tích cực tham gia các hoạt động chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng bào Khmer đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của các địa phương và cả nước.

Tin rằng với sự tin tưởng, động viên kịp thời của Đảng và Nhà nước, cùng những chính sách đang được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả ở vùng đồng bào Khmer…, các vị sư sãi, cùng toàn thể đồng bào Khmer sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phát triển giàu mạnh và ấm no.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-thay-tren-tung-phum-soc-118156.html