Đổi thay trên quê hương 'hạt giống đỏ' anh hùng của Phú Yên

Đồng Xuân, luôn được cán bộ, đảng viên và người dân Phú Yên nhắc đến đầy tự hào là 'hạt giống đỏ' anh hùng, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của vùng đất 'hoa vàng cỏ xanh'. Qua chặng đường 91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, vùng đất này đang từng ngày được thay da đổi thịt.

 Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Xuân Nguyễn Văn Thời. Ảnh: VGP/Thế Phong.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Xuân Nguyễn Văn Thời. Ảnh: VGP/Thế Phong.

Chuyển biến nơi mạch nguồn cách mạng

Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, khi đất trời vào Xuân, chúng tôi về thăm Đồng Xuân - nơi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Phú Yên ra đời cách đây 91 năm. Con đường đến huyện Đồng Xuân thoang thoảng hương thơm mía đường, sắn mì trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Xuân Nguyễn Văn Thời tự hào: “Đồng Xuân được xem là mạch nguồn của cách mạng ở Phú Yên. Bởi cách đây 91 năm về trước, chỉ 8 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chi bộ Đảng đầu tiên tại Phú Yên đã được thành lập ngày 5/10/1930 tại xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long (nay thuộc khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), một vùng núi non hiểm trở. Từ đây, chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh đã từng bước lớn mạnh, lãnh đạo và đưa phong trào cách mạng của Phú Yên phát triển và đi đến thắng lợi”.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, chi bộ Đảng đầu tiên ra đời chỉ có 9 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện Đồng Xuân không ngừng lớn mạnh: Toàn huyện có hơn 3.300 đảng viên và 27 tổ chức cơ sở đảng; 100% thôn, khu phố, trường học, trạm y tế trong toàn huyện đã có chi bộ đảng… đủ sức lãnh đạo và đề ra nhiều chủ trương, chính sách, định hướng mới để đưa kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh trên địa bàn phát triển. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn địa phương và đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng thay đổi.

Năm 2020, huyện Đồng Xuân về đích sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ huyện (2015-2020) với hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt. Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng. Riêng thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 131 tỷ đồng, bằng 156,26%% so với dự toán tỉnh giao. Đây là mức thu cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, toàn huyện có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; an sinh xã hội được đảm bảo, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP) đã bước đầu triển khai xây dựng các sản phẩm như chuối Cô Na, dầu phộng Xuân Phước, bánh tráng.

Để khơi thông và phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, các năm qua Đồng Xuân đã tập trung quy hoạch, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Huyện cũng tạo ra nhiều vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường Đồng Xuân với sản lượng bình quân đạt 9.400 tấn sản phẩm/năm và nhà máy tinh bộ sắn với sản lượng bình quân 41.200 tấn sản phẩm/năm. Đồng thời khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống ở các địa phương, qua đó góp phần tạo sự chuyển biến nhanh về cơ cấu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội ở Đồng Xuân có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tỉ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 6%. Qua 5 năm thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu có diện mạo mới, không còn tình trạng thiếu đói. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 82,97% năm 2015 xuống còn 41,86% năm 2020.

Chia sẻ thêm về những bước chuyển mới của Đồng Xuân, nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Phạm Ngọc Liên tự hào: “Đồng Xuân bây giờ thay đổi rất nhiều, nhất là diện mạo từ nông thôn đến phố thị. Ngày nay khi đến Đồng Xuân, không ai còn nghe người dân nói thiếu ăn, thiếu đói nữa. Đây là thành tựu rất to lớn với điều kiện một huyện miền núi khó khăn như Đồng Xuân”.

Theo ông Phạm Ngọc Liên, “Huyện đã liên tục bám sát và theo đuổi mục tiêu phát triển và đã thành công. Trong đó, mạng lưới giao thông đường bộ đã được đầu tư nâng cấp, kết nối thông suốt giữa các xã trong huyện và các huyện giáp ranh trong tỉnh. Đáng kể là huyện đã xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình quan trọng, như tuyến giao thông liên huyện Xuân Phước-Phú Hải, tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đoạn qua địa bàn huyện, tuyến tránh trú bão Sông Cầu-Đồng Xuân, tuyến ĐT 642 đoạn Xuân Sơn Bắc-ngã 3 Triều Sơn, thị xã Sông Cầu, tuyến La Hai-Đồng Hội… Từ đây, sức sản xuất và hàng hóa làm ra được khơi thông, tiêu thụ, góp phần rất lớn để kinh tế nông thôn của huyện phát triển”.

Tại thị trấn La Hai, nơi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Phú Yên ra đời, nhiều công trình, tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng, nổi bật như tiểu dự án kè bờ tả tại khu vực cầu La Hai mới, công viên văn hóa huyện, tuyến nối dài đường Trần Cao Vân-Trường THCS Phan Lưu Thanh và mở rộng nút giao thông Phan Trọng Đường-Trần Cao Vân… góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và từng bước khởi sắc theo hướng đô thị văn minh.

Một góc huyện Đồng Xuân. Ảnh internet

Góp sức trẻ xây dựng trên quê hương phát triển

Theo lãnh đạo huyện Đồng Xuân, trong mỗi chặng đường phát triển của địa phương luôn có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ trẻ. Ngay trong những năm tháng kháng chiến, thế hệ trẻ đã cống hiến tuổi thanh xuân và nhiều hy sinh để góp phần cùng quê hương giành thắng lợi trọn vẹn.

Sau ngày giải phóng, tuổi trẻ Đồng Xuân lại hăng hái tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống anh hùng, chung sức, chung lòng, đoàn kết cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng quê hương đạt nhiều thành tựu mới.

Bí thư Huyện đoàn Đồng Xuân Huỳnh Thị Hồng Hạnh cho hay, thời gian qua tuổi trẻ của huyện đã có nhiều phong trào, phần việc góp phần xây dựng quê hương. Đặc biệt, các phong trào thanh niên xung kích trong xây dựng nông thôn mới, trong lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi; xung kích, tình nguyện xây dựng quê hương giàu mạnh; tình nguyện vì cộng đồng, vì vùng lũ; các công trình thắp sáng đường làng, thành lập trung tâm tin học cộng đồng… không chỉ thúc đẩy sự cống hiến của tuổi trẻ, mà thông qua đó cũng xuất hiện nhiều gương thanh niên điển hình vì cộng đồng, vì quê hương.

Để phát huy truyền thống và những đóng góp của tuổi trẻ, lãnh đạo huyện luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ trưởng thành và công hiến. Trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu tiên để thanh niên nông thôn, thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; đồng thời cũng tạo điều kiện để tuổi trẻ học tập nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn; tiếp tục khuyến khích các bạn trẻ thực hiện các công trình, phần việc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

“Trong 5 năm tới, huyện Đồng Xuân sẽ có nhiều chuyển biến về phát triển kinh tế-xã hội, một số kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng từ những năm trước sẽ phát huy hiệu quả tích cực. Có thể nói, những kết quả mà huyện Đồng Xuân đạt được trong những năm qua là hết sức to lớn, tạo tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng là ‘cái nôi’ của Đảng bộ Phú Yên”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Xuân khẳng định.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/doi-thay-tren-que-huong-hat-giong-do-anh-hung-cua-phu-yen/422921.vgp