Đổi thay trên quê hương 'Chiếc gậy Trường Sơn'…

Xã Hòa Xá nằm ở phía Tây Nam của huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội. Nơi đây là khởi nguồn của phong trào 'Chiếc gậy Trường Sơn' với sức lan tỏa rộng rãi, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của lớp lớp thanh niên cả nước lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giờ đây, vùng quê giàu truyền thống cách mạng đang từng ngày 'thay da đổi thịt' đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

1. “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui…”. Vào giai đoạn năm 1967, ngay khi những ca từ trong bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng, sức mạnh tinh thần vô giá động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.

Cây đa Hòa Xá - một chứng tích lịch sử, địa điểm luyện quân dự bị trong những năm 1966-1967 ở Hòa Xá. Ảnh: Giang Nam

Cây đa Hòa Xá - một chứng tích lịch sử, địa điểm luyện quân dự bị trong những năm 1966-1967 ở Hòa Xá. Ảnh: Giang Nam

Tinh thần xẻ dọc Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam ruột thịt… được đẩy lên cao. Thuở ấy, trong hành trang của nhiều chiến sĩ còn lưu giữ bản nhạc chép tay như một kỷ vật quý giá theo bước chân hành quân. Riêng với người dân xã Hòa Xá, bài hát là niềm tự hào, sự kiêu hãnh bởi nơi đây là nguồn cảm hứng cho ra đời “Chiếc gậy Trường Sơn”. Phải khẳng định, “Chiếc gậy Trường Sơn” là hiện vật có thực ở Hòa Xá và “cha đẻ” của nó là cựu chiến binh Phùng Văn Quán.

Cho đến nay, nhiều người vẫn thuộc nằm lòng câu chuyện người lính trẻ khắc dòng chữ “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lên thân gậy để thể hiện tinh thần yêu nước, nguyện hy sinh bảo vệ độc lập dân tộc. Thế rồi, người chiến sĩ gặp được đồng hương đang trên đường ra Bắc bèn gửi chiếc gậy về quê, thay lời nhắn “con còn sống” tới mẹ già. Thật không ngờ, cây gậy về sau đã trở thành một kỷ vật biểu tượng, mang lại niềm tin và sức mạnh tinh thần cho cả ngôi làng dệt ven sông Đáy.

Trở lại lịch sử những năm 1967-1968, làng quê Hòa Xá hiền hòa bên dòng sông Đáy sục sôi phong trào luyện quân dự bị, sẵn sàng chi viện sức người cho miền Nam. Những người tham gia phong trào luyện tập thời kỳ ấy, vẫn nhớ như in không khí luyện quân năm nào. Đó là 7-8 giờ tối, khi tiếng còi báo hiệu vang lên thì khoảng 20-30 anh em lại tập trung tại đình làng Hòa Xá để tập luyện hành quân, mang vác.

Với tinh thần: Vai đeo 25 cân/ Chân đi ngàn dặm/ Vượt suối băng ngàn/ Sẵn sàng nhập ngũ… những gạch đá nặng được chất lên vai những người nhiệt huyết. Không chỉ luyện tập ban đêm, nhiều hôm việc diễn tập còn diễn ra cả vào ban ngày hoặc lúc gà gáy sáng. Tinh thần và thể lực của thanh niên dần rèn thành quen, không còn tâm lý sợ khổ cực nơi chiến trường.

Cùng với phong trào luyện quân, Hòa Xá còn có khẩu hiệu “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai, đã đi là đến, đã đến là đánh thắng”. Từ đó, tỷ lệ thanh niên tình nguyện nhập ngũ ở đây thường xuyên vượt chỉ tiêu đề ra, trở thành điển hình cho nhiều địa phương khác học tập. Riêng thanh niên Hòa Xá, ngoài tình yêu Tổ quốc, tiếng gọi non sông, họ còn niềm tự hào, hãnh diện quê hương của "Chiếc gậy Trường Sơn”.

Tình cảm đó giúp họ hướng ra tiền tuyến với một nghị lực phi thường, ý chí quyết chiến, quyết thắng không gì lay chuyển nổi. Chẳng thế mà, trên dọc dải Trường Sơn, nhiều người con Hòa Xá như ông Đỗ Ngọc Bình, Lưu Ngọc Phan, Phùng Văn Mạnh… đã coi chiếc gậy Trường Sơn là niềm tự hào để có thêm động lực vượt qua khó khăn. Hiện nay, chiếc gậy Trường Sơn không chỉ được trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng ở Hòa Xá mà còn được trưng bày, giới thiệu tại nhiều bảo tàng khác trên địa bàn Hà Nội.

2. Dạo bước trên đường làng Hòa Xá hướng về khu trung tâm. Ở vùng ngoại thành xa nhưng nơi đây dường như trở thành một thị tứ sầm uất với những con đường bê tông trải rộng thênh thang. Hai bên đường của Hòa Xá ngày một nhiều những ngôi nhà cao hai, ba tầng thiết kế đẹp mắt và hiện đại. Bên khu đình, chùa làng cổ kính và cây đa hàng trăm năm tuổi là Nhà bảo tàng Hòa Xá và hồ nước Tuổi trẻ trong xanh. Có thể nói, cây đa, đình, chùa, hồ nước là những chứng nhân lịch sử về một thời hào hùng khi tuổi trẻ Hòa Xá nô nức tòng quân lên đường ra trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nói về những đổi thay của Hòa Xá hôm nay, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Xá Đỗ Văn Tuyên cho biết, qua thống kê tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 103 tỷ 66 triệu đồng, bằng 47,6% kế hoạch năm 2020. Đáng chú ý, tính đến nay xã Hòa Xá đã có 11 tiêu chí đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 06 tiêu chí cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng. Hiện Đảng bộ xã có 10 tổ chức cơ sở đảng. Tổng số đảng viên hiện có của Đảng bộ là 237 đảng viên. Đảng bộ xã luôn chú trọng tập trung làm tốt công tác phát triển đảng viên, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên năm 2020 (7 chỉ tiêu). Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Là đất học từ xưa đến nay với nhiều người học rộng, đỗ đạt thành tài, Hòa Xá rất chăm lo vấn đề giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh của xã. Phần lớn các dòng họ trong làng đều có quỹ khuyến học động viên con em trong dòng họ. Hiện địa phương luôn duy trì danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ I ở trường Tiểu học và Mầm non; thực hiện chương trình phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Công tác giáo dục - đào tạo trên địa bàn tiếp tục được đổi mới, chất lượng giáo dục được giữ vững và từng bước nâng cao.

Tính riêng năm học 2019 - 2020 có 72 em là học sinh giỏi cấp thành phố, cấp huyện. Hòa Xá cũng có 14 giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua – Giáo viên giỏi cấp huyện. Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao.

3. Nằm ven sông Đáy, Hòa Xá cũng là một trong số ít những địa phương còn giữ được nghề truyền thống trồng bông dệt vải. Tương truyền, nghề này xuất hiện nơi đây từ thế kỷ thứ 10. Chẳng thế mà, trong kháng chiến, Hòa Xá là một trong những nơi chủ lực chuyên sản xuất, cung cấp cho quân đội màn xô chống muỗi và băng, gạc y tế. Vào những thời kỳ cao điểm, cả làng có đến hơn 70% số hộ làm nghề với khoảng 700 khung dệt thủ công, mỗi năm xuất xưởng gần 20 triệu m2 sản phẩm. Hiện nghề truyền thống vẫn giữ đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế địa phương, người Hòa Xá cũng đã rất linh động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trở lại truyền thống cách mạng ở Hòa Xá. Miền đất này từng là cái nôi nuôi dưỡng, che chở cán bộ Xứ ủy và Thành ủy. Cụ thể, trước cách mạng tháng Tám. Đồng chí Văn Tiến Dũng từng về ở nơi này trong những ngày giặc Pháp truy lùng ráo riết. Kháng chiến chống Pháp, các đồng chí cán bộ Thành ủy, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội về đây đóng trụ sở, dân trong vùng cũng nêu cao tinh thần chở che, nuôi giấu.

Truyền thống vẻ vang trong kháng chiến luôn là niềm tự hào, động lực thúc đẩy các thế hệ cán bộ, nhân dân ở những miền quê giàu truyền thống cách mạng trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo tồn văn hóa... Trên nền tảng vững chãi này, các thế hệ cán bộ, nhân dân ở vùng quê này cùng rất nhiều làng quê khác dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội đã, đang và tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức nỗ lực, sáng tạo nhằm mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại…

Tạm biệt Hòa Xá, tôi xuôi theo con đường đê để trở ra thị trấn Vân Đình, ngược về Hà Nội. Bất giác, trong tôi chợt ngân lên giai điệu hào hùng của bài hát đã đi cùng năm tháng. Những ca từ: Trường Sơn ơi/ Cho dẫu hiểm nguy bền tâm vững chí/ Trong bước đi nghe tiếng đồng quê/ Nghe gió reo bờ tre gốc lúa/ Nghe tiếng người mến thương vẫn dặn dò/ Giữ vững truyền thống của đất nước… như có sức mê huyễn, khiến tôi thêm thương và yêu mảnh đất này. Nhủ rằng trong một ngày không xa tôi sẽ trở lại, để thấy miền quê cách mạng khang trang, để thấy tình yêu đất nước luôn được bền bỉ thắp lửa./.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doi-thay-tren-que-huong-chiec-gay-truong-son-112408.html