Đổi thay trên các vùng miền

Năm 1975, khi non sông nối liền một dải, cùng với quá trình kiến tạo đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn dành cho vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là đồng bào ở các vùng chiến khu. Sau 44 năm thống nhất đất nước, diện mạo mới, đời sống nhiều vùng DTTS đã có những đổi thay rõ rệt. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp đã mang lại luồng gió mới cho nhiều vùng quê vốn còn gian khó…

Những vùng quê đổi mới

Lên với các tỉnh Tây Bắc, hay vào với vùng Tây Nguyên, Tây Nam bộ… ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp những thôn, làng của đồng bào DTTS với đường điện chạy dài, những con đường đổ bê tông lên tận trung tâm thôn bản. Cùng với những cánh đồng trồng ngô, trồng lúa thẳng cánh cò bay, là những nương thảo quả, táo mèo, mận mơ trĩu quả; những vườn xoài, măng cụt, mãng cầu, vú sữa, dừa xiêm lúc lỉu trái.

Ở thôn bản của đồng bào Mông, Mường, Tày, Nùng hay buôn làng của đồng bào Ba Na, Ê Đê; phum sóc của đồng bào Chăm, Khmer… đâu đâu cũng thấp thoáng những ngôi trường ngói đỏ khang trang, ê a tiếng trẻ học bài. Trong các chùa chiền, nhà thờ… bà con theo đạo phật, thiên chúa giáo hay các tôn giáo thiện lành đều được tôn trọng tự do tín ngưỡng, với khát vọng sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Biểu diễn mừng ngày hội của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên

Biểu diễn mừng ngày hội của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên

Từ những thị tứ, thị xã cho đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa…, đồng bào không chỉ lo sao cho “ấm cái bụng” mà đã biết tính chuyện làm kinh tế để có “của ăn của để”. Hộ giàu hay nghèo đều cố gắng cho con đến trường tìm con chữ với quyết tâm để đời con không còn phải khổ, mong con được tiếp cận với những tiến bộ, bình đẳng của xã hội…

Thay vì tin vào những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; ở các vùng đồng bào DTTS, bà con đã gửi trọn niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Bởi hơn ai hết, đồng bào chính là người đã và đang được thụ hưởng sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước với những chính sách cụ thể, tác động trực tiếp đến đời sống, tương lai của mỗi gia đình. Trong đó, phải kể đến các chính sách lớn như: Chương trình mục tiêu quốc gia 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách phát triển sản xuất, sinh kế; hỗ trợ hộ nghèo…

Tìm kiếm tư duy mới, cách làm mới

Trong suốt những năm khôi phục đất nước sau chiến tranh, rồi thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập…, một trong những lĩnh vực thường xuyên được Đảng và Nhà nước ta quan tâm ưu tiên, mở rộng, rà soát và thực hiện “dài hơi” đó chính là những chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS. Gần đây nhất, trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị lớn về công tác dân tộc, về an sinh xã hội; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời yêu cầu, các bộ, ngành, các tổ chức xã hội phải triển khai hiệu quả, thực hiện triệt để các chính sách dành cho đồng bào DTTS nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS với các địa phương khác. “Nơi nào, đồng bào còn đói, còn khổ, còn oan ức là nơi đó, cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ…” – Thủ tướng nêu rõ.

Hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, hiện Ủy ban dân tộc đang khẩn trương xây dựng “Đề án tổng thể phát triển vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án được kỳ vọng sẽ mang đến tư duy mới, cách làm mới hiệu quả nhằm tạo được bứt phá mạnh mẽ cho vùng DTTS và miền núi.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, nhìn lại đau thương, mất mát lớn lao của những năm tháng chiến tranh, để thấy yêu hơn, trân trọng hơn những ngày tháng hòa bình. Thành quả của hôm nay một phần là công sức, là xương máu của cha anh, của những người con đã hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, cho đất nước. Với vùng đồng bào DTTS – chiếc nôi nuôi giấu cán bộ, nơi sinh ra những anh hùng dân tộc, những vị tướng tài ba – thành quả của hôm nay là cuộc sống mới với nhiều đổi thay tích cực, nơi những hố bom đã được phủ xanh bởi ngô lúa, cây trái; nơi những đồng bào được lao động trong tự do, được khuyến khích để phát triển, làm giàu.

Cùng với sự đi lên của đất nước, để đời sống người dân vùng DTTS thực sự no ấm, hòa bình, hạnh phúc… bên cạnh những chính sách của Đảng và Nhà nước, rất cần sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, của người cán bộ có trách nhiệm với công tác dân tộc; đặc biệt hơn cả chính là sự nỗ lực vươn lên, phát huy nội lực của mỗi người dân, mỗi dân tộc. Có như vậy, hành trình gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước mới có thêm nhiều hoa thơm trái ngọt.

Hoàng Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-thay-tren-cac-vung-mien-118763.html