Đổi thay trên bản Mai Hịch

Sau 5 năm trở lại Mai Hịch - một xã của huyện Mai Châu, Hòa Bình, chúng tôi nhận thấy nơi đây đang đổi thay từng ngày. Nhờ lợi ích từ du lịch cộng đồng, đường xá đã được đổ bê tông, nhà cửa người dân cũng khang trang hơn bên cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng xanh mướt giữa núi rừng Tây Bắc... Góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi thay đó là nhờ an ninh trật tự đã được đảm bảo.

Giữ bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng

Đến với Mai Hịch, du khách sẽ được đắm mình trong không khí trong lành và trải nghiệm cuộc sống ở nếp nhà sàn của người dân tộc Thái. Các bản của Mai Hịch chủ yếu nằm ven bờ sông, dựa lưng vào núi, bên những thửa ruộng xanh mướt trải dài. Người dân nơi đây hiền lành, thân thiện, khách du lịch có thể bắt gặp những nụ cười thật tươi ở bất cứ nơi đâu. Điểm hấp dẫn du khách đến với Mai Hịch hôm nay là nhiều bản vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng của người Thái và việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản làng.

Công an xã Mai Hịch thường xuyên xuống các hộ làm homestay tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng cháy chữa cháy.

Công an xã Mai Hịch thường xuyên xuống các hộ làm homestay tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng cháy chữa cháy.

Chị Hà Thị Thơ, Chủ homestay Minh Thơ ở bản Hịch 2 cho biết: sau 2 năm COVID-19, lượng khách nước ngoài sụt giảm mạnh thì được bù lại là khách nội địa. Du khách biết và đến Mai Hịch ngày một tăng. Đến nay, khách quốc tế cũng đã bắt đầu quay trở lại. Điểm hấp dẫn của Mai Hịch đến từ nét văn hóa đặc sắc của người Thái trong điệu múa xòe hay tài chế biến những món ăn đặc trưng của dân tộc này. Tại các điểm du lịch, ngoài các hướng dẫn viên đi theo các đoàn khách quốc tế thì du khách có thể thuê người dân bản hướng dẫn đi cùng, leo núi, đi bộ xuyên bản, đi thác, đi suối, bè mảng cho tới đạp xe đạp. Những dịch vụ trải nghiệm, tracking đều được người dân tích cực tham gia vào trong chuỗi phát triển du lịch cộng đồng ở đây.

Ông Hà Công Nhất, Trưởng bản Hịch 2 cho biết: hiện có 7 hộ làm du lịch cộng đồng thuận tiện trong việc kết nối tour tuyến du lịch trên địa bàn huyện. Du lịch cộng đồng đã giúp bản Hịch 2 đổi thay vừa phát triển được kinh tế, vừa giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống. Tối tối, dưới hiên nhà sàn vẫn rộn ràng tiếng ca, điệu múa của những bà, những chị em trong tổ văn nghệ của bản. Những chương trình văn nghệ như vậy vừa lưu giữ được văn hóa, người dân cũng tăng thêm thu nhập bên cạnh việc làm nông nghiệp. Năm 2021, thu nhập bình của xóm đạt 35 triệu đồng/người.

Vui mừng chia sẻ với chúng tôi về những nỗ lực đổi thay của Mai Hịch hôm nay, ông Ngần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mai Hịch cho biết: xã Mai Hịch đã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019. Mai Hịch lấy trọng tâm phát triển du lịch cộng đồng là điểm nhấn trong phát triển kinh tế của xã. Đến nay, ở Mai Hịch đã có 8 hộ làm homestay, 1 khách sạn nghỉ dưỡng. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng thu nhập của người dân cũng được cải thiện. Cùng với đó, một số hộ phát triển chăn nuôi, trồng cây, rau xanh để cung cấp cho các hộ làm du lịch trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Mai Hịch đã đón hơn 1.000 du khách trong và ngoài nước.

“Cùng với đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên thì người dân cũng thêm hiểu biết về pháp luật và thực hiện tốt các công tác về an ninh trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi Công an chính quy về xã, Mai Hịch đã có nhiều chuyển biến tích cực về công tác ANTT. "Không chỉ gần dân, Công an còn giúp người dân trong việc phát triển kinh tế gắn với ANTT” - ông Ngần Văn Tuấn nhấn mạnh. Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai Lan đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi ở Mai Hịch 3 ngày qua các làng, bản khác nhau nhưng đều gặp người dân thân thiện, hòa đồng. ANTT rất tốt, tối đến sau 22h30 thì không còn sự ồn ào, náo nhiệt”.

Đảm bảo ANTT tại cơ sở

Góp phần không nhỏ để Mai Hịch trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước chính là việc đảm bảo ANTT tại cơ sở. Ông Ngần Văn Tuấn cho hay: từ ngày có lực lượng Công an chính quy về xã, những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, tuyên tuyền pháp luật và ANTT trên địa bàn luôn được thực hiện một cách thuận lợi nhất. Dân hiểu, dân tin và thực hiện nghiêm túc. Nhiều mô hình về tổ liên gia tự quản được các xóm, bản triển khai hiệu quả. Tình hình ANTT trên địa bàn ngày càng ổn định. Người dân và du khách khi đến với bản làng Mai Hịch đảm bảo yên tâm trải nghiệm.

Công an xã Mai Hịch làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Đưa chúng tôi đi qua các bản, Thượng úy Vì Văn Nam - Trưởng Công an xã Mai Hịch cho biết: Mai Hịch là một xã có diện tích tự nhiên khá rộng và giáp ranh với nhiều xã từng là điểm nóng về ma túy, trong khi đó dân cư thưa thớt, toàn xã có 946 hộ với 4.196 khẩu. Để đảm bảo ANTT trên địa bàn, Công an xã đã phối hợp với các cơ quan ban ngành trên địa bàn đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, theo đó các mô hình như “Tổ liên gia tự quản về ANTT”, “Tổ tuần tra nhân dân”, mô hình phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em được triển khai tích cực ở hầu khắp các xóm, các ban ngành, đoàn thể và nhà trường. Nội dung, hình thức phong trào đã có sự đổi mới, bám sát vào thực tế nên chất lượng, hiệu quả phong trào ngày càng được nâng cao.

Đến nay, trên địa bàn có 52 Tổ liên gia tự quản, 4 tổ tuần tra nhân dân, 1 Cụm an ninh giáp ranh 4 xã (Mai Hịch, Vạn Mai (thuộc huyện Mai Châu) và Phú Thanh, Thành Sơn (thuộc huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), 7 tổ hòa giải. Các mô hình này đã tuyên truyền để người dân hiểu biết về pháp luật, không uống rượu say về hành hung vợ, con. Người dân vi phạm sẽ bị xử phạt bằng hình thức lao động công ích như đi quét dọn, vệ sinh một đoạn đường của xóm... Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao.

Ngoài ra, Công an xã còn làm tốt công tác vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; thường xuyên thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa.

Bên cạnh đó, Công an xã còn thường xuyên xuống bản, tuyên truyền cho các chủ homestay về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Chủ hộ homestay Nguyễn Ngọc Hân ở xóm Hải Sơn cho biết: ở bản Hịch 2, Hải Sơn, Cha Lang các hộ làm homestay chủ yếu là nhà sàn, lợp mái cỏ gianh theo truyền thống nên công tác PCCC luôn được quan tâm hàng đầu.

Theo đó, lực lượng Công an xã Mai Hịch thường xuyên xuống trực tiếp từng hộ để hướng dẫn cách đảm bảo an toàn PCCC cho gia đình và du khách. Từ việc đi đường điện trong nhà, đun nấu, đốt lửa trại ở đâu, đều được hướng dẫn sao cho vừa thuận tiện lại đảm bảo an toàn.

Không chỉ các hộ làm homestay mà ở các buổi sinh hoạt tại các bản, Công an xã Mai Hịch cũng lồng ghép các buổi tuyên truyền với nhiều chủ đề khác nhau để người dân hiểu hơn về pháp luật, về công tác đảm bảo ANTT, công tác PCCC, từ đó bản làng phát triển, yên bình, du khách đến đông hơn, vui hơn và giữ gìn môi trường sống tốt hơn.

Ông Vì Văn Tầm, Trưởng thôn xóm Ngõa cho biết, với cách thức tuyên truyền gần dân, không ngại khó, Công an đã giúp người dân hiểu biết hơn về pháp luật, các chính sách của Đảng, Nhà nước. Khi người dân gặp khó khăn và vướng mắc trong cuộc sống đều được công an xã hướng dẫn, thông tin cụ thể, qua đó đã tạo được niềm tin cho người dân với lực lượng Công an.

Thượng tá Hà Văn Vân, Phó Trưởng Công an huyện Mai Châu cho biết: đến nay những đổi thay ở Mai Hịch đã góp phần vào việc phát triển kinh tế chung của huyện. Trong đó, điểm sáng là ANTT ở địa bàn luôn được giữ vững, người dân rất tích cực tham gia các phong trào Bảo vệ ANTQ, các mô hình về ANTT được triển khai và mang lại hiểu quả rõ rệt.

Công an huyện Mai Châu hoạt động với phương châm bám địa bàn, nắm chắc tình hình cơ sở, dựa vào quần chúng nhân dân, coi đây là một điểm tựa vững chắc của lực lượng Công an. Nhờ đó, thời gian qua, Công an huyện đã triển khai thực hiện nhiều phương án hiệu quả, tích cực, gắn kết chặt chẽ giữa công tác xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định ANCT - TTATXH trên địa bàn ngay từ cơ sở, không có điểm nóng, đột xuất, bất ngờ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/doi-thay-tren-ban-mai-hich-i668208/