Đổi thay sau Chỉ thị 20 của Thủ tướng

3 năm (2017 - 2019) triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chỉ thị 20) về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp (DN), các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại 12.139 đơn vị. Qua rà soát, phát hiện 1.796 đơn vị trùng lặp đã được xử lý, điều chỉnh... Những con số 'biết nói' cho thấy nhiều đổi thay trong công tác thanh tra ở Bắc Ninh từ khi Chỉ thị 20 của Thủ tướng được ban hành.

Ông Nguyễn Văn Vinh - Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: HH

Ông Nguyễn Văn Vinh - Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: HH

Chia sẻ với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Văn Vinh - Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cho biết: Những năm qua, công tác thanh tra có những chuyển biến tích cực, các cuộc thanh tra, kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, dễ xảy ra sai phạm như đất đai, xây dựng, tài chính, môi trường, tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu...

Qua thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý về kinh tế; kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm; chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, đồng thời kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung thanh tra, nhằm ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành Thanh tra Bắc Ninh chia sẻ, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20, Bắc Ninh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời với những giải pháp quyết liệt và có sự đồng thuận cao, nên đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra.

+ Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những giải pháp quyết liệt mà Bắc Ninh đã làm khi thực hiện Chỉ thị 20?

- Trước khi Chỉ thị 20 ra đời, UBND tỉnh đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác thanh tra nói chung và đối với DN nói riêng, ngày 29/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về công tác thanh tra, kiểm tra DN.

Sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20, Thanh tra tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Văn bản số 427 về thanh tra, kiểm tra DN, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện (bao gồm cả các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn: Công an tỉnh, Phòng cháy chữa cháy tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh...).

Thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với DN.

Đặc biệt, liên tiếp trong nhiều năm qua, vào mỗi dịp cuối năm, Thanh tra tỉnh đều đặn tổ chức hội nghị thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, làm cơ sở để giám đốc các sở, chủ tịch UBND huyện phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

+ Năm 2020, việc này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Vào những ngày giữa tháng 12/2019, Thanh tra tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thanh tra năm 2020. Theo dự thảo kế hoạch được Thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã gửi về Thanh tra tỉnh, năm 2020, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra 229 cuộc, trong đó: Thanh tra 139 cuộc; kiểm tra 90 cuộc, tại 3.127 đơn vị, DN. Qua rà soát, đã phát hiện trùng lắp, chồng chéo tại 1.288 đơn vị, DN.

Các đơn vị thực hiện theo hướng ưu tiên các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (do ban hành kế hoạch trong tháng 11 và đã có sự thống nhất). Các đơn vị còn lại loại bỏ toàn bộ các đơn vị, DN là đối tượng thanh tra, kiểm tra có sự chồng chéo.

Căn cứ định hướng của Thanh tra Chính phủ và của tỉnh về công tác thanh tra, kiểm tra năm 2020 và để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra trong năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, với mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đối với việc ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020, Thanh tra tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đặc biệt, các đơn vị phải hạn chế thanh tra, kiểm tra DN (chỉ tập trung vào DN có nguy cơ tác động đến con người), không được thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với 1 đơn vị, DN, trừ trường hợp đột xuất theo yêu cầu của cấp trên và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nhiều năm qua, vào mỗi dịp cuối năm, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đều đặn tổ chức hội nghị thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra... Ảnh: HH

+ Tinh thần này cũng được thể hiện rất rõ trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng. Vậy, 3 năm qua, ngành Thanh tra Bắc Ninh đã thực hiện như thế nào?

- Kết quả trong 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 20, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại 12.139 đơn vị. Số đơn vị trùng lặp đã được xử lý, yêu cầu điều chỉnh trước khi phê duyệt kế hoạch là 1.796 đơn vị.

Sau khi thống nhất, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt 697 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 10.343 đơn vị, DN. Trong đó, đã điều chỉnh kế hoạch 10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 65 đơn vị do trùng lặp và do để đơn vị tập trung giải quyết đơn, thanh tra chuyên đề theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh.

+ Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng, công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Căn cứ Thông tư số 01/2014/TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng kế hoạch.

Việc này được thực hiện trên nguyên tắc cơ quan, đơn vị nào xây dựng kế hoạch trước gửi đến các cơ quan xây dựng sau để tránh chồng chéo; gửi văn bản các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn phối hợp, thống nhất về đối tượng thanh tra, kiểm tra sau đó báo cáo thủ trưởng cơ quan Trung ương phê duyệt kế hoạch.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại đơn vị, các cơ quan phát hiện có sự trùng lặp đối tượng đều báo cáo, xin ý kiến của Thanh tra tỉnh. Căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát, Thanh tra tỉnh xử lý để không chồng chéo đối tượng, nội dung thanh tra (nếu đã có đơn vị thanh tra, kiểm tra cùng đối tượng, nội dung thì cơ quan chưa thanh tra sẽ thực hiện điều chỉnh kế hoạch) trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Qua quản lý công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 56 đơn vị là đối tượng thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp và đã được xử lý.

+ Trong phạm vi quản lý Nhà nước của mình, Thanh tra tỉnh có kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra?

- Việc làm này được Thanh tra tỉnh tiến hành thường xuyên, hàng tháng căn cứ vào báo cáo và các quyết định, kết luận, văn bản xử lý sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, Thanh tra tỉnh đối chiếu, rà soát việc thực hiện kế hoạch của các cơ quan, đơn vị.

Cuối năm, Thanh tra tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện công tác năm tại các sở, ngành và UBND cấp huyện, trong đó có kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

+ Thực hiện Chỉ thị 20, Bắc Ninh có gặp khó khăn, vướng mắc?

- Thực tế triển khai chúng tôi có gặp 1 số khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như việc phối hợp giữa cơ quan Trung ương với các sở, ngành, địa phương trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hiệu quả chưa cao, xử lý chưa triệt để (Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra bộ, ngành thường có trao đổi về xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, tuy nhiên cá biệt có trường hợp vẫn tiến hành khi các cơ quan ở địa phương đang thanh tra, kiểm tra có cùng đối tượng, nội dung).

Ngoài ra, quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra còn chưa đồng bộ. Điển hình như: Chỉ thị 20 quy định, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN, nhưng lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy quy định, kiểm tra định kỳ hàng quý đối với đơn vị có nguy cơ cháy, nổ…

+ Từ thực tế đó, Bắc Ninh có kiến nghị gì, thưa ông?

- Qua thực tế triển khai tại tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đề nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Trong đó, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ đối với các cơ quan thanh tra Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành; cần có quy định về quy trình, thẩm quyền thanh tra DN (Nhà nước, tư nhân); quy định hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành...

Bên cạnh đó, phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với địa phương để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Có chế tài xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị vi phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra DN…

+ Trân trọng cảm ơn ông!

3 năm thực hiện Chỉ thị 20, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai 756 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 10.584 đơn vị, DN. Kết quả, phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 298 tỷ đồng và 160.215m2 đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi hơn 40,3 tỷ đồng, kiến nghị xử phạt hành chính hơn 17,1 tỷ đồng, kiến nghị khác hơn 240,5 tỷ đồng, chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/doi-thay-sau-chi-thi-20-cua-thu-tuong_t114c1059n158734