Đổi thay ở ''xóm Lương Sơn Bạc''

Đối diện với Trạm Kiểm lâm Suối Cốp (thuộc tổ 17, ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) có một khu dân cư đông đúc. Khu dân cư này thường được người dân ở xã Phú Lý gọi là 'xóm Lương Sơn Bạc' vì năm xưa nơi 'rừng thiêng, nước độc' này có nhiều tay anh chị 'trôi dạt' về đây lập nghiệp.

“Xóm Lương Sơn Bạc” (ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) giờ đã sung túc nhờ nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Ảnh:Đ.Phú

“Xóm Lương Sơn Bạc” (ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) giờ đã sung túc nhờ nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Ảnh:Đ.Phú

Những năm 1976-1980, rừng già ở vùng Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An (nay thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) xuất hiện nhiều nhóm dân di cư theo diện kinh tế mới từ TP.Hồ Chí Minh.

* Dân thị thành về rừng

Vốn là dân thị thành quen bám các bến cảng, bến xe, công trường, chợ búa, đường phố mưu sinh bằng những công việc: bốc vác, thợ hồ, buôn bán... nên thời gian đầu khi di cư về rừng, họ không quen với công việc làm rẫy, làm rừng. Do đó, khi hết thời gian được trợ cấp, vốn liếng mang theo nhẵn túi, một bộ phận người di cư này bắt đầu tranh giành địa bàn làm rừng, trộm cắp nông sản, lâm sản của doanh trại quân đội, người dân trong vùng. Cái tên “xóm Lương Sơn Bạc” hình thành từ đây.

Ông Năm Huệ tâm sự: “Trưởng ấp 2, xã Phú Lý Trần Đông Hồ vốn xuất thân từ dân bảo vệ rừng, gắn bó với rừng Phú Lý gần 40 năm. Một thời chúng tôi là kình địch của nhau vì một bên bảo vệ rừng, một bên dựa vào rừng để mưu sinh. Cũng nhờ trưởng ấp kiên trì vận động, giúp đỡ nên người dân trong xóm đã không còn bám rừng để sống. Hiện nay, người dân “xóm Lương Sơn Bạc” rất quý nể Trưởng ấp 2 Trần Đông Hồ. Tụi tui cần gì, trưởng ấp đều giúp đỡ, hướng dẫn rất tận tình”.

Vợ chồng ông Năm Huệ (68 tuổi, ngụ tổ 17, ấp 2, xã Phú Lý) là một trong số khoảng 100 hộ dân từ quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) di dân kinh tế mới về vùng đất xã Phú Lý từ những năm 1976-1978. Ngày mới về, gia đình ông Năm Huệ và các hộ dân di cư được đơn vị di dân cấp cho mỗi hộ một cái chòi nhỏ nằm san sát nhau tại khu vực khai thác gỗ Bãi Tre (thuộc Lâm trường Vĩnh An) và 6 tháng lương thực.

Do là dân thị thành không quen với nghề rừng, nắng mưa, vợ chồng ông Năm Huệ sau khi bỏ ra hơn 1 chỉ vàng thuê dân rừng chuyên nghiệp dọn cỏ, chặt le, dựng vách quanh chòi xong thì ông bà ngồi trong nhà nhìn cây, nhìn mưa thở than vì không biết trồng trọt, canh tác nông nghiệp. Số lương thực trợ cấp 6 tháng theo diện di dân đến lúc bị cắt và tiền mang theo chẳng còn một đồng thì ông bà cũng theo chân những người dân di cư khác vào rẫy của Tổng đội thanh niên xung phong TP.Hồ Chí Minh và Trung đoàn 5 (Quân khu 7) trên địa bàn xã Phú Lý trộm cắp mì, bắp, đậu về ăn cho đỡ đói.

Không chịu được cảnh đói kém, thất nghiệp, nhiều người di cư lần lượt bỏ về nơi ở cũ hoặc tản mác tứ xứ kiếm ăn. Tuy vậy, gia đình ông Năm Huệ và trên 10 hộ dân khác vẫn kiên trì bám lại. “Vì tụi tui không còn người thân thích ở TP.Hồ Chí Minh. Về thành phố sống cảnh không hộ khẩu, không việc làm cũng chẳng sung sướng gì” - bà Nhi (vợ ông Năm Huệ) nói.

Bám trụ ở lại đồng nghĩa với việc vợ chồng ông Năm Huệ cùng 4 người con phải chống chọi với sốt rét rừng trong tình cảnh thiếu thuốc men, làm quen với công việc làm rừng, làm thuê, làm mướn, phát hoang trồng tỉa, nhất là vợ chồng ông bà và nhiều người khác phải vượt qua được tâm lý mặc cảm khi xin việc làm thuê vì bị người dân địa phương nhìn với đôi mắt nghi ngại...

* Đổi thay theo những mùa xuân

Mùa xuân năm 1978, dân thị thành ở rừng lần lượt quay về lại TP.Hồ Chí Minh vì không chịu được cảnh đói kém, mất mùa. Ông Trần Đông Hồ, Trưởng ấp 2, xã Phú Lý kể lại, năm đó, ông tỉa 1 hécta lúa rẫy. Cuối vụ thu hoạch, ông đem số lúa đập được ra suối chỉ đãi được gần 5 bao lúa hạt chắc. Vì mất mùa trên diện rộng nên ngày Tết năm đó dân ở rừng, rẫy nơi này rất khó khăn, chẳng có cơm trắng ăn, trẻ nhỏ không có quần áo mới...

Trưởng ấp 2, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) Trần Đông Hồ (phải) luôn gần gũi, thân thiện với người dân. Ảnh:Đ.Phú

Từ mùa xuân năm 1978, những người trong “xóm Lương Sơn Bạc” quyết tâm đổi đời bằng công việc bốc vác, đốt than (làm thuê cho những đầu nậu khai thác gỗ trong rừng), trồng tỉa.

“Khổ mấy rồi cũng quen, qua hết. Dân “xóm Lương Sơn Bạc” dần hiền hòa và hòa nhập với dân từ các nơi khác đến làm rừng, lập nghiệp. Từ đó, họ đoàn kết, dìu dắt nhau làm ăn nên không còn cảnh tranh giành công việc, miếng ăn, trộm cắp nông sản của nhau nữa” - ông Năm Lý (dân cựu trào ấp 2, xã Phú Lý) cho biết.

“Xóm Lương Sơn Bạc” ngày nay có gần 40 hộ dân (giảm hơn một nửa so với thời kỳ đầu). Cách đây 10 năm, cả xóm có 90% hộ thuộc diện nghèo khó, cuộc sống vẫn còn dựa vào rừng. Qua việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, “xóm Lương Sơn Bạc” đã có đường nhựa đi qua, điện đường thắp sáng về đêm, nhà đại đoàn kết, nhà dân được xây dựng khang trang, tươm tất. Đặc biệt, xóm chỉ còn lại 4 hộ nghèo, khó khăn do bệnh tật, neo đơn và con nhỏ.

Trưởng ấp 2 Trần Đông Hồ cho hay, lớp trẻ giờ được học hành đàng hoàng, trình độ, nhận thức ngày càng được nâng cao, không còn bám rẫy, rừng như lớp người lớn tuổi trước kia. Nhiều người đi làm ở các công ty, xí nghiệp nên thu nhập khá hơn.

Qua hơn 40 mùa xuân, “xóm Lương Sơn Bạc” ở ấp 2, xã Phú Lý thật sự bừng lên cuộc sống mới. Chính vì vậy, cái biệt danh “xóm Lương Sơn Bạc” dần bị lãng quên và còn rất ít người biết đến. Tuy vậy, nó vẫn còn in đậm trong ký ức, trái tim những người lớn tuổi như ông Ba Huệ, ông Hai Dũng, bà Tư Đê... về những tháng năm “bám” rừng sinh tồn với bao khó khăn, bệnh tật phải vượt qua...

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202001/doi-thay-o-xom-luong-son-bac-2985563/